Những ngày đầu tiên hòa bình trở lại

VOV.VN - Bài viết của nhà báo Phan Quang, nhớ lại cảm nhận của một phóng viên trẻ trong những ngày tháng 8 cách đây tròn 60 năm 

Tôi không sao cầm được nước mắt khi nhìn thấy lại những mẩu báo cắt cách đây 60 năm. Chắc tại hội chứng dễ xúc động của người cao tuổi nhưng không chỉ có thế. Không chỉ gặp lại tuổi trẻ của mình qua những mẩu giấy in, mà sừng sững tái hiện trong tim những ngày sống động vui buồn đan xen nỗi lòng đau đáu của người dân Việt Nam thời ấy.



Hòa bình lập lại rồi, còn gì mừng hơn. Tuy nhiên, đất nước chia cắt làm đôi dù chỉ tạm thời. So với 9 năm kháng chiến để làm nên một Điện Biên thì đợi chờ, đấu tranh không đổ máu thêm 2 năm nữa có là bao. Dù vậy, trong thâm tâm anh cán bộ cũng như không ít người dân tuy chẳng ai dám nói ra tự nhiên cùng chung linh cảm: Với những đối phương này, trong bối cảnh quốc tế ngày nay, mục tiêu tổ chức tổng tuyển cử hòa bình để người dân được quyền tự do lựa chọn thống nhất đất nước bằng lá phiếu, e không nhiều lắm khả năng trở thành hiện thực.

Ngặt nỗi ngày ấy đâu chỉ có đối phương mong muốn thoát ra khỏi đầm lầy chiến tranh do họ gây nên, chúng ta cũng cần, đang cần có hòa bình.

…Vậy là làng quê tôi, một làng anh hùng cận kề Thành Cổ, nơi cha tôi ngày đêm ngóng đợi con trai về, nơi em gái tôi cầm súng chiến đấu, bỗng dưng từ ngày 1 tháng 8 này (1/8/1954) ngạo nghễ tung bay lá cờ ba sọc của quốc gia miền Nam. Từ những người làm chủ, những người tự do, cha tôi, chị gái tôi, đứa em út tôi, tất cả bà con họ mạc quê tôi bỗng dưng trở thành những người bị cai trị, bị dập vùi; trại giam và cái chết có thể đến với bất kỳ ai vào bất cứ lúc nào. Và đau đớn sao, bi thảm sao trời ơi, thực tế rồi sẽ diễn ra theo kịch bản ấy và đâu riêng ở quê tôi.

(Chú thích: Hiệp định Genève năm 1954 có định lịch hai bên, ta và Pháp cùng rút quân, cùng trao lại những nơi đang chiếm đóng, đang quản lý cho đối phương và tập kết quân đội về vùng mình, mà ranh giới tạm thời là sông Bến Hải tỉnh Quảng Trị. Chậm nhất là 300 ngày kể từ ngày ngừng bắn. Đến thời hạn này, tên lính Pháp cuối cùng phải rời cảng Hải Phóng, ở miền Nam là chuyến tàu cuối cùng do Ba Lan giúp chở cán bộ và quân đội ta rời miền Nam Trung Bộ tập kết ra Bắc. Thời điểm ngừng bắn ở toàn Trung Bộ, hai bên thống nhất là ngày 1/8/1954).

Với linh cảm ấy, tinh mơ ngày 1/8/1954, tôi ngồi xuống bàn viết thư cho em gái từ nay bị cầm chân bên kia bờ sông Bến Hải. Một bức thư không thể gửi. Một bức thư tâm tình người anh trai ở xa chuyện trò với đứa em gái suốt đời bé bỏng cho dù nay em đã lớn phổng thành cô du kích cầm súng đánh Tây: “Em đã lớn lên trong kháng chiến. Em đã cùng bà con một tay cày cuốc nuôi gia đình, một tay cầm súng bảo vệ làng quê. Lũy tre làng ta mang nhiều vết đạn đại bác, đạn đum đum, anh biết lắm. Nhà chúng ta địch đốt đi, ta làm lại đã mấy lần, nhưng giặc đã không thể nào áp đặt cái uy quyền đế quốc của chúng lên quê ta, giặc không thể nào bắt dân làng ta khuất phục... Em ơi, quê ta nay nằm vào phía Nam giới tuyến quân sự tạm thời. Quân đội ta tạm thời rút ra miền Bắc, quê ta tạm thời thuộc chính quyền đối phương quản trị cho đến ngày tổng tuyển cử...”.

Sau những phút trải lòng, tôi vận dụng lý trí, theo chủ trương của Đảng, Nhà nước thuyết phục em gái và cũng là thuyết phục chính mình: “... Chúng ta đấu tranh gian khổ lâu nay để giành độc lập, thống nhất. Nay các nước lớn trên thế giới, cả đối phương cũng phải thừa nhận chủ quyền, độc lập toàn vẹn của ta. Còn thắng lợi nào lớn hơn thế...”. Thì thực tế chẳng phải là tại Hội nghị Genève, các nước dự hội nghị, bao gồm năm cường quốc Uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Hoa, long trọng tuyên bố tôn trọng chủ quyền, độc lập thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, và đường ranh giới quân sự tạm thời (vĩ tuyến 17) không thể diễn giải bằng bất cứ cách nào rằng đó là một biên giới phân định về chính trị hay lãnh thổ đó sao.

Và tôi lựa lời động viên đứa em gái tội nghiệp mà cũng chính là tự an ủi: “Bây giờ để thực hiện hòa bình, anh ở phía Bắc, em ở phía Nam, dù ở đâu chúng ta vẫn là con của mẹ cha, vẫn là anh em ruột thịt. Cũng như tình anh em chúng ta, đất nước, nhân dân ta muôn đời vẫn là một”.

“Bức thư gửi em gái” đăng báo Cứu Quốc Liên khu 4 số ra ngày hôm sau 2/8/1954. Cầm tờ báo hăng hắc mùi mực vừa ra khỏi máy in, tôi nhảy lên chiếc xe đạp đã tháo hẳn hai tấm chắn bùn cho khỏi kẹt bánh khi đi vào những ngõ quê lầy lội, thẳng ra mấy xã cực bắc huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) vừa giải phóng viết bài ghi nhanh tại chỗ: “Qua Kiên Giáp còn thấy được đầu trâu bò ăn cỏ (Chú thích: chỉ nhìn thấy đầu, mình các con vật đều ngập trong cỏ năn, cỏ lác mọc tràn đồng ruộng bỏ hoang), thấy đồng lúa non rộn rịp đồng bào tát nước chống hạn... Nhưng đến Nhân Sơn, trước mắt chỉ là cánh đồng hoang, cỏ ngập đến thắt lưng, rầu rầu một màu héo úa. Giặc đóng đồn Mai An Tiêm, đồn Chính Đại, đồn Sơn Tiền chót vót trên các đỉnh núi đá, chụm lại với nhau như ba núc bếp, kiểm soát cả vùng (hai xã) Nhân Phú, Điền Hộ và một phần (xã) Liên Sơn. Chúng đuổi hết dân mặt phố Sơn Tiền đông đúc, chúng dồn dân nửa thôn Nhân Sơn về gần bốt, chúng cho xe cóc cán nát làng Chính Đại, chúng lập vòng đai trắng. Một chị phụ nữ ở Nhân Sơn trỏ ba cây cau sót lại trong vườn, ngạc nhiên chân thật: “Không hiểu sao nhà em còn được ba cây cau!”. (...) Bây giờ ruộng đồng đã trở lại với dân cày. Chị nông dân nghiến răng: “Cha đời quân ăn cướp, ai đời phải dủi hết cỏ đi mới cày được ruộng”.

(Bài “Những nhát búa san đồn giặc”, báo Cứu Quốc L.K 4 ngày 3/8/1954).

Còn nhiều thứ khác nữa: “Đồng bào tiếp tục đấu tranh và xây dựng”, “Phát Diệm phố dưới ánh đèn nê ông”, “Gặp giọng nói quê hương”, v.v... Cuộc sống mới trong hòa bình đã bắt đầu. Vui nhất là cảnh “Tưng bừng chuẩn bị chào mừng ngày hội kỷ niệm Cách mạng và Hòa bình”: “Những trận mưa rào đầu tiên đã đến sau những ngày hạn hán kéo dài. Ruộng lúa, cây cỏ héo vàng tươi hẳn lại. Đồng bào đổ xô ra đồng... Bà mẹ suốt ngày đi cấy, tối về xoa bớt bùn đất dính ở tay, cẩn thận đếm từng tờ giấy bạc giao đứa con trai nhỏ, dặn sáng mai lên sớm Hiệu sách Nhân dân mua ảnh Bác Hồ. Đồng chí thông tin kẻ khẩu hiệu, quét vôi lại các biểu ngữ, mài sẵn cả một hộp son tươi (Chú thích: son dùng thay sơn kẻ khẩu hiệu, được mài từ đá vôi mềm màu đỏ nhặt ven bờ suối). Các quán tạp hóa nằm sâu trong thôn lên phố cất thêm giấy đỏ, giấy vàng. Các hiệu may tấp nập khâu cờ, may đồng phục cho thiếu nhi kịp mặc trong ngày hội, đêm đã khuya vẫn còn nghe tiếng máy khâu chạy rần rật. Cửa hàng thêu nay chuyên thêu quốc kỳ, không ngớt khách vào ra. Cổng chào bắt đầu được dựng lên đầu phố (Phố Cầu Bố, cái “thị xã” của thị xã Thanh Hóa đã tiêu thổ kháng chiến hoàn toàn, ngoại trừ ngôi nhà thờ đạo với tháp chuông ngạo nghễ ở mạn Bắc và ngôi chùa cổ nhún nhường sau cửa tam quan giữa lòng thị xã – tôi không nhớ tên con phố chạy trước cổng chùa). Thanh niên đi cổ động từng đoàn, từng đoàn ba, bốn chục xe đạp. Thỉnh thoảng xe hơi bộ đội, xe bình bịch của tư nhân chạy qua, tiếng còi ô tô, xe máy giữa ban ngày nghe sao thanh bình quá...”

(Báo Cứu Quốc L.K. 4 ngày 18/8/1954)

Tôi vừa làm việc vô cùng lố bịch tự mình kể việc mình làm, trích dẫn văn mình viết. Văn nhật trình, mà một bậc văn hào phương Tây từng phán: “Báo chí là thứ buổi sáng đọc thấy thú vị, buổi chiều nhạt thếch, buổi tối ném luôn vào chồng báo cũ”. Huống hồ văn chương của một kẻ tuổi mới ngoài đôi mươi, hiểu biết nông choèn viết cách đây những sau mươi năm, chắc hẳn cổ như thời tiền sử. Mà nay năm Giáp Ngọ lại đã trở về Giáp Ngọ - nói theo người xưa, vũ trụ đã quay tròn đúng một vòng lục giáp. Vâng, vừa tròn sáu mươi năm.

Xin bạn đọc mở rộng lượng khoan dung. Đây không phải chuyện văn chương, thời đại, truyền thông, hội tụ, tích hợp..., những ngôn từ to tát quá. Chỉ là nhịp đập trái tim, là hơi thở của một chàng trai mới lớn, nhưng công bằng mà xét chúng cũng phản ánh được chừng nào tấm lòng, những suy tư của người dân, nhịp sống và cảnh quan một vùng quê tỉnh Thanh vừa vắt kiệt sức phục vụ chiến thắng Điện Biên Phủ, để rồi ngay sau chiến thắng người dân nhân hậu lúi húi nấu cháo, pha sữa, trèo dừa hái quả tươi bổ lấy nước chăm bón bọn tù binh Tây què quặt, ốm đau ra hàng tại mặt trận, trước khi cho phép chúng xuống tàu hồi hương.

Như vậy đó, bầu không khí những ngày đầu tiên hòa bình trở lại sau chín năm kháng chiến trường kỳ. Có thể các nhà làm sử đáng kính đã và đang tái dựng hoàn chỉnh hơn, vĩ mô hơn, hùng hồn hơn, khoa học hơn - cũng không loại trừ khả năng có những người nào đó nhân danh nghiên cứu lịch sử để tỏ bày chính kiến sai lạc của họ về thời cuộc; dù sao thì nhịp tim và hơi thở hồn nhiên những ngày ấy chỉ thế hệ những người nay đã cổ lai hy đang lần lượt theo nhau về cõi vô cùng mới có thể sống lại hết mình trong đó. Tôi là một chứng nhân đồng thời là một nhân vật trong bức tranh toàn cảnh ấy.

Hòa bình là niềm vui, là ước vọng muôn đời của dân tộc Việt Nam. Thời ấy chúng ta nghèo, chúng ta thiếu, chúng ta nhiều người rất đỗi thơ ngây, tuy nhiên khi đất nước lâm nguy thì khối đoàn kết càng xiết chặt, những mắc míu ngày thường gác lại một bên để trên dưới một lòng, bất chấp nhà tan cửa nát, chúng ta đã đánh thắng.

Càng tin chắc, ngày nay chúng ta nhất định thắng cho dù kẻ địch là thực dân, đế quốc, xâm lăng đến từ phương nào, chúng hùng mạnh và xảo quyệt đến đâu, bởi từ trong tâm can mọi người dân Việt dù không mấy ai biết diễn đạt thành lời, không có gì quý hơn độc lập tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm./

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên