Phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số ở huyện biên giới Đăk Glei
VOV.VN - Thực tế cho thấy những đảng viên người dân tộc thiểu số ở huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum là đầu tàu gương mẫu trong việc phát triển kinh tế xã hội, xây dựng vùng biên giới ngày càng ổn định phát triển.
Cách trung tâm tỉnh Kon Tum hơn 100 km, Đăk Glei là huyện biên giới nghèo nhất tỉnh, với gần 90% dân số là người dân tộc thiểu số, 11/12 xã, thị trấn thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Nhờ thực hiện tốt công tác xây dựng đảng ở vùng dân tộc thiểu số, Đăk Glei đã phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng vùng biên giới ổn định an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Mỗi đảng viên luôn là những hạt nhân nòng cốt, gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước.
Đối với dân làng Đăk Ga, xã biên giới Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, mỗi khi Chi bộ kết nạp đảng viên mới là sự kiện trọng đại chung của cả làng. Hiện Chi bộ làng Đăk Ga có 25 đảng viên và tất cả đều là người Giẻ- Triêng.
Ông A Cu, Chi ủy viên, thôn trưởng cho biết, được vào Đảng là điều vinh dự. Khi đó, bản thân thay đổi rất nhiều, được tiếp cận được nhiều kiến thức hay, có ý nghĩa từ đó truyền đạt cho bà con ở trong thôn. Là đảng viên thì phải làm gương, hướng dẫn bà con phát triển kinh tế. Đặc biệt nhất hiện nay là thay đổi nếp nghĩ, tập tục lạc hậu dần dần xóa bỏ đi.
Xã biên giới Đăk Nhoong được Huyện ủy Đăk Glei đánh giá là một trong những địa phương làm tốt công tác phát triển Đảng vùng dân tộc thiểu số. Hiện Đảng bộ xã có 184 đảng viên, trong đó có 156 đảng viên người dân tộc thiểu số. 6 tháng đầu năm nay, xã đã có thêm 8 đảng viên mới.
Ông A Nang, Phó Bí thư Đảng uỷ xã Đăk Nhoong khẳng định, trong năm nay chắc chắn Đảng bộ xã hoàn thành mục tiêu phát triển 15 đảng viên mới. Một trong những kinh nghiệm của Đảng bộ là quá trình xét duyệt hồ sơ phải đảm bảo kịp thời và chính xác.
“Khi Chi bộ trình lên thì Đảng ủy xã xem xét, họp Ban Chấp hành hàng tháng. Những người sau thấy làm nhanh, xét nhanh đúng, chính xác sau này quần chúng mới phấn đấu vào Đảng nhiều hơn. Nếu để tồn hồ sơ chỗ này một tuần, hai tuần, chỗ kia một tuần, hai tuần, sẽ mất cả năm chưa xong được”- ông A Nang cho biết.
Đăk Glei là một trong 3 huyện điều kiện kinh tế xã hội khó khăn nhất của tỉnh Kon Tum, toàn huyện có gần 90% dân số là người dân tộc thiểu số. Nhờ thực hiện tốt công tác xây dựng đảng ở vùng dân tộc thiểu số, đến nay huyện có hơn 2.700 đảng viên, trong đó, trên 1.800 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ trên 66%.
Theo ông A Phương, Phó Bí thư Huyện uỷ Đăk Glei, Huyện ủy đặc biệt quan tâm, chăm lo, củng cố tổ chức cơ sở Đảng và phát triển đảng viên ở các thôn làng. Từ các hoạt động ở cơ sở kịp thời phát hiện, bồi dưỡng nhân tố điển hình để kết nạp vào đội ngũ của Đảng và cùng với đó là nuôi dưỡng niềm tin, tình cảm của đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng.
“Chúng tôi phân công các đồng chí là Thường vụ Huyện ủy, cấp ủy phụ trách địa bàn xuống để nắm bắt tình hình rồi hướng dẫn, theo dõi những quần chúng ưu tú người dân tộc thiểu số. Đảng viên là những người đứng đầu, là những người làm gương cho quần chúng. Việc phấn đấu vào Đảng, đặc biệt là khu căn cứ cách mạng họ muốn vào Đảng để phục vụ nhân dân, phục vụ quê hương đất nước bởi vì cha mẹ họ ngày xưa cũng là người tham gia cách mạng" - Phó Bí thư Huyện uỷ Đăk Glei cho biết.
Với nhiều giải pháp, như phát hiện nhân tố điển hình để bồi dưỡng; giải quyết kịp thời hồ sơ người xin vào Đảng; tổ chức mở lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng theo cụm xã…, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện Đăk Glei kết nạp được 700 đảng viên mới, vượt 200 đảng viên so với mục tiêu đề ra.
Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện đặt mục tiêu kết nạp 600 đảng viên mới. Ngay trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết, Đăk Glei đã kết nạp được 143 đảng viên mới.
Tin tưởng trong nhiệm kỳ này, Đảng bộ huyện Đăk Glei sẽ tiếp tục đạt và vượt mục tiêu phát triển Đảng, trong đó có mục tiêu phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số. Thực tế cho thấy những đảng viên người dân tộc thiểu số ở huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum là đầu tàu gương mẫu trong việc phát triển kinh tế xã hội, xây dựng vùng biên giới ngày càng ổn định phát triển./.