Chất vấn Bộ trưởng Tư pháp về văn bản pháp luật "có vấn đề"
VOV.VN -Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận, tinh thần và nội dung thẩm định vẫn còn nặng về tính pháp lý.
Có hay không ban hành văn bản pháp luật phục vụ lợi ích nhóm?
Trong công tác kiểm tra văn bản, nhiều ý kiến cho rằng một số văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật chưa được phát hiện kịp thời, chỉ được phát hiện khi có phản ánh báo chí hoặc khi dư luận lên tiếng.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết những thông tin phản ánh liên quan xây dựng pháp luật nói chung, đặc biệt là những vấn đề liên quan trực tiếp đến quản lý của Bộ. Từ 2010, Bộ ban hành kế hoạch để hàng năm thực hiện công tác kiểm tra từ Bộ cho đến Sở, phòng, và tập trung kiểm tra sâu vào một số lĩnh vực mà người dân quan tâm, gây bức xúc.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường |
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, điều đó cho thấy không phải hoàn toàn sau khi báo chí nêu thì những văn bản có vấn đề mới được phát hiện xử lý. Tuy nhiên, một số trường hợp văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã được phát hiện, nhưng chưa được xử lý kịp thời, triệt để; chưa có giải pháp để đảm bảo sự đồng bộ, gắn kết công tác kiểm tra văn bản với công tác theo dõi thi hành pháp luật.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng thừa nhận việc khắc phục hậu quả do thực hiện văn bản trái pháp luật gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; việc xử lý trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật mới chỉ dừng ở mức phê bình, nhắc nhở, kiểm điểm công chức khi thi hành công vụ; chưa có quy định cụ thể để thực hiện được các hình thức trách nhiệm nghiêm khắc hơn.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) nêu ý kiến của cử tri cho rằng tình trạng tham nhũng xảy ra trong nhiều lĩnh vực. Vậy có hay không tình trạng này trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật, và việc một số văn bản của các Bộ còn mâu thuẫn nhau có phải là để bảo vệ lợi ích của mình. Đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi liệu có hay không tình trạng ban hành văn bản pháp luật phục vụ lợi ích nhóm?
Trả lời những câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cương khẳng định, quy trình xây dựng văn bản pháp luật rất đầy đủ chặt chẽ, qua nhiều tầng lớp, trừ việc xây dựng thông tư và thông tư liên tịch chưa có sự kiểm soát tốt.
Bộ trưởng cho rằng, một số nghị định thời gian qua người dân quan tâm như về kinh doanh vàng, kinh doanh xăng dầu, giá than, giá điện... Chủ trương rất rõ và lộ trình, bước đi rất chặt chẽ nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu cao nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát
"Với quy trình chặt chẽ như vậy thì có thể nói vấn đề lợi ích nhóm được kiểm soát, tất nhiên không loại trừ khả năng sơ hở", Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.
Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (đoàn Cần Thơ) thì cho rằng hiện nay còn nhiều khoảng trống về pháp luật trong quản lý kinh tế dẫn tới có đối tượng lợi dụng làm giàu bất chính. Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định, Bộ rất quan tâm vấn đề này. Trước đây Bộ Tư pháp chỉ có 3 Vụ xây dựng pháp luật, nhưng hiện nay có thêm một Vụ về vấn đề chung xây dựng pháp luật để có cái nhìn chung xuyên suốt nhằm phát hiện ra khoảng trống pháp luật.
Về câu hỏi của đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm và lộ trình giải pháp của Bộ nhằm khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản pháp luật, dẫn đến tình trạng Luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư.
Liên quan đến nội dung này, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (đoàn Bình Phước) nhấn mạnh tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn đã được nhắc nhiều lần. Do đó, cần đặt trách nhiệm pháp lý trước Quốc hội vì thực trạng này dẫn đến luật chậm đi vào cuộc sống, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của đất nước, quyền lợi của người dân…
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, tổng kết công tác năm 2012 đánh giá việc khắc phục tình trạng nợ đọng các văn bản thi hành luật, pháp lệnh có nhiều chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, từ đầu năm 2013 đến nay, tình trạng này lại tăng đột biến, với tổng số văn bản nợ đọng là 107.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân thì có nhiều, nhưng về chủ quan, sự chỉ đạo của một số bộ, ngành chưa quyết liệt; việc kiện toàn củng cố vụ pháp chế của một số bộ ngành chưa được nghiêm theo chỉ đạo của Chính phủ; quy trình xem xét còn kéo dài.
Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, trong nguyên nhân chủ quan, ngoài yếu tố đội ngũ cán bộ còn có vai trò trực tiếp của người đứng đầu.
"Ở Bộ nào, ngành nào, thời nào mà người đứng đầu quan tâm, trực tiếp chỉ đạo thì việc ban hành văn bản nhanh. Ngoài ra, chúng ta chưa quen, chưa nghiêm túc là lường trước được khi luật ra cần hướng dẫn điều nào và có phương án hướng dẫn ngay dù chưa cần chi tiết", ông Vũ Đức Đam nói.
Chất lượng nhiều dự án luật chưa cao
Nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Nhiều dự án xin đưa vào chương trình rồi lại xin rút, thay đi đổi lại.
Báo cáo của Bộ trưởng Tư pháp cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII, có 7 dự án đã được lùi thời hạn trình, rút khỏi Chương trình hằng năm, có 5 dự án do Chính phủ xin lùi, xin rút khỏi Chương trình vì chưa được chuẩn bị kỹ hoặc khó xác định phạm vi điều chỉnh (Luật hải quan [sửa đổi]; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm xã hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề; Luật đô thị; Luật quy hoạch).
Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận, trong quá trình lập Chương trình, một số dự án chưa được nghiên cứu, tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, dẫn đến tình hình là gần đến lúc trình Ủy ban thường vụ Quốc hội mà Chính phủ vẫn phải thảo luận về vấn đề này, ảnh hưởng đến tiến độ trình. Chất lượng một số dự thảo luật, pháp lệnh do Chính phủ trình vẫn còn hạn chế, chưa bảo đảm yêu cầu hoặc chưa được giải trình kỹ lưỡng nên sau khi xem xét, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đề nghị chưa trình Quốc hội để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện (như Luật Thư viện, Luật Hộ tịch).
Về công tác thẩm định Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết chất lượng thẩm định VBQPPL tuy đã được cải thiện một bước nhưng tinh thần và nội dung thẩm định vẫn còn nặng về tính pháp lý; một số trường hợp còn thiếu tính bao quát, chưa chú trọng đúng mức đến tính khả thi, tính hợp lý của các quy định trong dự thảo văn bản; một số quy định về thủ tục hành chính chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Có thể lấy ví dụ cụ thể như Bộ Tư pháp đã không phát hiện ra những điểm bất hợp lý của quy định tại Nghị định số 105/2012/NĐ-CP về việc không lắp kính trên nắp áo quan, không rải vàng mã trên đường đi, không mang theo vòng hoa đi viếng trong việc tổ chức lễ tang cho cán bộ, công chức. Trong một số trường hợp, tuy đã phát hiện ra “vấn đề” nhưng Bộ Tư pháp chưa thuyết phục được cơ quan soạn thảo chỉnh lý; chẳng hạn như các quy định của Nghị định số 94/2012/NĐ-CP về việc tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công phải đăng ký sản xuất rượu với chính quyền địa phương và đề nghị chính quyền địa phương xác nhận việc sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đặt câu hỏi liệu có tình trạng nể nang khi phát hiện văn bản vi phạm nhưng không kiến nghị những hình thức xử lý nghiêm khắc để chấn chỉnh; thẩm định nhưng để lọt những văn bản quy phạm pháp luật gây bức xúc trong dư luận.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết rất nhiều văn bản chỉ vi phạm về kỹ thuật văn bản nên chỉ nhắc nhở, rút kinh nghiệm; đồng thời khẳng định không có tình trạng nể nang. Thực tế còn có những văn bản gây bức xúc, tuy nhiên, số lượng này chiếm rất ít trong tổng số văn bản được thẩm định. Riêng về Thông tư và Thông tư liên tịch hiện chưa được kiểm soát chặt chẽ nên sắp tới Bộ sẽ kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp/.