Chủ tịch Quốc hội làm việc với Ban Chỉ đạo công tác bầu cử tại An Giang
VOV.VN - Sáng 18/3, tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia làm việc với Ban chỉ đạo công tác bầu cử tỉnh An Giang.
Cùng tham gia đoàn công tác có Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu; Chủ nhiệm Ủy ban Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình.
Đến 17h ngày 14/3, Ủy ban bầu cử tỉnh An Giang đã tiếp nhận 15 hồ sơ của người ứng cử đại biểu Quốc hội và 110 hồ sơ của người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, trong đó có hồ sơ của 01 trường hợp tự ứng cử đại biểu Quốc hội, 02 trường hợp tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.
Căn cứ quy định của pháp luật về bầu cử, các văn bản hướng dẫn của cơ quan Trung ương, UBND cấp xã đang rà soát tổng hợp danh sách cử tri những người đủ 18 tuổi trở lên trên địa bàn theo từng khu vực bỏ phiếu để đưa vào danh sách cử tri. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh An Giang chưa phát sinh trường hợp khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến công tác bầu cử.
Công tác thông tin tuyên truyền trong bầu cử được tỉnh An Giang thực hiện với nhiều hình thức phong phú như, vận hành chuyên trang về bầu cử trên Cổng thông tin điện tử; xuất bản các ấn phẩm đặc biệt tuyên truyền; thực hiện cầu truyền hình và phát thanh trực tiếp cuộc bầu cử; tổ chức chương trình tọa đàm truyền hình; tuyên truyền, vận động cử tri đi bầu cử bằng hình thức nhắn tin trên các thuê bao điện thoại di động; tuyên truyền khẩu hiệu trên pano, áp phích, băng rôn, bảng điện tử nơi công cộng và trụ sở làm việc của cơ quan, đơn vị; tổ chức xe phóng thanh lưu động truyền hình.
Để đảm bảo an toàn về an ninh, trật tự và y tế cho cuộc bầu cử, Tiểu ban An ninh, trật tự và y tế Ủy ban bầu cử tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai các phương án để bảo vệ tốt công tác bầu cử trên cơ sở phân công, phối hợp giữa 03 lực lượng: công an, quân sự, y tế. Đặc biệt, đã xây dựng kế hoạch, kịch bản về phòng, chống dịch COVID-19, theo cấp độ cao, thấp để ứng phó kịp thời, hiệu quả trong thời điểm diễn ra bầu cử.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, An Giang đã thực hiện tốt nhiệm vụ thành thành lập các ban bầu cử đại biểu HĐND ở từng cấp theo quy định, cụ thể cấp huyện đã thành lập 107 ban, cấp xã 1.156 ban; phân chia thành 1.394 khu vực bỏ phiếu, trong đó, có 14 khu vực bỏ phiếu tại đơn vị vũ trang nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao việc An Giang có những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. "Chúng tôi mừng vì người dân am hiểu pháp luật, có người tự ứng cử ĐBQH và HĐND. Tôi cảm thấy không khí dân chủ và người dân quan tâm, tham gia vào các cơ quan dân cử là điều đáng mừng. Tất nhiên người tự ứng cử phải đảm bảo về tiêu chuẩn chính trị, các tiêu chuẩn, điều kiện và phải dân chủ hiệp thương lần 1, 2, 3. Dân thấy người này gương mẫu, tốt, thực hiện các nghĩa vụ, gia đình mẫu mực, có khả năng tham gia góp ý kiến cho chính quyền địa phương, cũng như tiếng nói của dân trước diễn đàn Quốc hội. Phải được dân tin thì mới đáp ứng được nguyện vọng của cử tri, vì cuối cùng cử tri sẽ là người bỏ phiếu".
Về cơ cấu thành phần, số lượng, An Giang đã nghiêm túc trong thực hiện chủ trương giảm cả đơn vị bầu cử, số lượng đại biểu theo hướng dẫn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, một trong những khó khăn của An Giang, đó là số lượng cử tri địa phương đi làm ăn xa tương đối lớn, chênh lệch so với số liệu cử tri được cung cấp, có thể ảnh hưởng đến việc lập danh sách cử tri. Do đó, Ủy ban bầu cử của tỉnh cần tăng cường nắm bắt thông tin kịp thời, đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân, tạo điều kiện để bổ sung danh sách cử tri đi bầu, ngay cả vào thời điểm sát với ngày bầu cử.
Ngoài ra, tỉnh An Giang cũng như một số địa phương khác trong vùng, cần chú ý về nguy cơ dịch COVID-19 khi có đường biên giới với các nước, nơi mà dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Theo đó, tỉnh An Giang cần quan tâm tới việc tăng cường lực lượng tại khu vực biên giới để kiểm soát an ninh trật tự và phòng chống dịch, đảm bảo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp vào ngày 23/5 thành công tốt đẹp.
Đánh giá cao công tác thông tin tuyên truyền, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu tỉnh An Giang, sau hiệp thương lần 2 đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên Đài, báo, các băng rôn để người dân nắm với nhiều hình thức khác nhau.
Sau khi kết thúc các vòng hiệp thương thứ 2, 3, cần tăng cường kiểm soát, thực hiện việc xử lí đơn thư tố cáo một cách thận trọng, kịp thời. Bởi khi có danh sách các ứng cử, người dân mới biết đích danh ai là người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Về công tác lập danh sách các ứng cử cũng cần phải thận trọng, khách quan.
"Vấn đề quan trọng sau khi lập danh sách sau khi hiệp thương hết lần 1, 2, 3. Tuy nhiên, cố gắng hiệp thương cho đúng quy định để có danh sách đảm bảo theo yêu cầu chỉ đạo của Trung ương và tỉnh. Quan trọng là khi lập từng danh sách, từng đơn vị bầu, ai đứng với ai cũng quan trọng, bầu cử ở đâu, ứng cử ở đâu rồi liên danh bầu cử gồm những ai. Chúng ta phải chú ý cho hợp lý, hài hòa và dân chủ, không có chuyện quân xanh, quân đỏ. Ai vào danh sách này cũng đầy đủ tiêu chuẩn phẩm chất để làm người đại biểu dân cử, còn sự lựa chọn là của cử tri. Tất cả những người này đã được thẩm tra về chính trị và có đầy đủ năng lực để làm đại diện cho dân, tham gia vào các dân cử từ địa phương ra Quốc hội", Chủ tịch Quốc hội nói.
Đồng ý với 7 nhiệm vụ của An Giang đặt ra trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hy vọng An Giang chuẩn bị và tổ chức thành công tốt đẹp cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.
Trước đó, ngày 17/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã cùng đoàn công tác của Quốc hội đã đến dâng hương, dâng hoa tại Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng nằm ở Cù lao Ông Hổ, ấp Mỹ An 2, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang./.