Cơ quan dự báo sai về thiên tai sẽ bị xử lý
(VOV) -Cơ quan nào dự báo sai về thiên tai sẽ bị xử lý, tùy theo mức độ ảnh hưởng của thông tin.
Sáng 6/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai.
Trong phiên thảo luận, đa số các đại biểu tập trung thảo luận về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về phòng, chống thiên tai.
Đại biểu Lê Quang Hoàng (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, trong dự thảo Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan dự báo, cảnh báo khi dự báo, cảnh báo sai gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân.
Bờ kè chắn sóng đang được gia cố tại ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng |
Theo đại biểu Lê Quang Hoàng, khi các cơ quan dự báo, cảnh báo thiên tai thực hiện không đúng quy định về dự báo, cảnh báo; dự báo, cảnh báo sai gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định tại Điều 44 của dự thảo Luật và các quy định của pháp luật có liên quan.
Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Đinh Công Sỹ (đoàn Sơn La) nhấn mạnh, cơ quan chủ trì dự báo thiên tai cần phải có trách nhiệm trong chỉ đạo đưa thông tin về dự báo thời tiết, giảm nhẹ thiên tai. Nếu dự báo, đưa thông tin sai về thiên tai thì phải bị xử phạt, tùy theo mức độ ảnh hưởng của thông tin gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân.
Đại biểu Triệu Là Pham (đoàn Hà Giang) nêu ý kiến, ngoài trách nhiệm về dự báo, cảnh báo sai về thiên tai, các tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm đảm bảo phòng, chống thiên tai gắn với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Nên có Quỹ Phòng, chống thiên tai
Theo báo cáo của Chính phủ, Quỹ Phòng, chống lụt, bão hiện nay sẽ được nâng lên thành Quỹ Phòng, chống thiên tai khi Luật Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai có hiệu lực. Quỹ Phòng, chống lụt, bão là Quỹ được hình thành do việc đóng góp bắt buộc của tổ chức, cá nhân. Thực tiễn hoạt động của Quỹ Phòng, chống lụt, bão thời gian qua cho thấy, Quỹ này đã bổ sung nguồn lực không nhỏ cho công tác phòng chống thiên tai của các địa phương, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, cộng đồng với công tác phòng chống thiên tai.
Góp ý đối với vấn đề trên, đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (đoàn Long An), cần thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai để thực hiện trong công tác phòng, chống thiên tại ở các địa phương một cách hiệu quả hơn.
Theo Đinh Thị Phương Khanh, Quỹ Phòng, chống thiên tai phải là sự đóng góp bắt buộc của các tổ chức, cá nhân chứ không phải là sự đóng góp tự nguyện nữa.
Tuy nhiên, đại biểu Triệu Là Pham (đoàn Hà Giang) lại cho rằng, các địa phương nên có Quỹ Phòng, chống thiên tai. Thế nhưng, không phải đối tượng nào cũng phải nộp tiền cho Quỹ. Người nghèo, đối tượng chính sách không phải nộp Quỹ Phòng, chống thiên tai.
Để huy động nhiều nguồn lực cho phòng chống thiên tai, đại biểu Phạm Thị Mỹ Ngọc (đoàn Ninh Bình) nêu ý kiến, Quỹ Phòng, chống thiên tai thực hiện theo tính chất xã hội hóa, huy động nguồn lực của tổ chức, cá nhân đóng góp. Khi có Quỹ Phòng, chống thiên tai rồi, các địa phương cần phải có trách nhiệm trong chi tiêu, thống kê nguồn đóng góp một cách cụ thể, rõ ràng cho các hoạt động phòng, chống thiên tai./.