Đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn các Bộ trưởng về việc thực hiện lời hứa
VOV.VN-Theo Đại biểu Quốc hội, phiên chất vấn gần cuối khoá nên cần rà lại lời hứa của các Bộ trưởng trong nhiệm kỳ để xem vấn đề gì làm được và chưa làm được.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIII diễn ra từ ngày 16-17/11. Điểm đổi mới là các đại biểu sẽ chất vấn tổng thể chứ không chất vấn riêng một lĩnh vực nào để thấy các cam kết của Chính phủ và các thành viên Chính phủ trước Quốc hội đã được thực hiện ra sao trong suốt nhiệm kỳ.
Phạm vi chất vấn là rất rộng
Đại biểu Trần Ngọc Vinh - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Hải Phòng đánh giá cao điểm đổi mới trong hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 10 là xem xét lại việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, thể hiện tinh thần gần như tổng kết nhiệm kỳ vì đây là kỳ họp gần cuối của Quốc hội khoá XIII. Qua đó, đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn về những vấn đề còn quan tâm.
“Đại biểu sẽ xem lại tất cả các cam kết được thực hiện như thế nào và thành viên Chính phủ sẽ trả lời trước Quốc hội. Vấn đề tư lệnh ngành làm được tất nhiên đại biểu đánh giá cao, nhưng có việc chạy theo thành tích mà thực sự không thực hiện được thì lần này phải chất vấn lại”, đại biểu Vinh cho biết.
Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh |
Bày tỏ quan tâm tới lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, công nghiệp cũng như giáo dục - đào tạo, trong đó nổi lên là vấn đề nguồn nhân lực, nhưng đại biểu Trần Ngọc Vinh băn khoăn là việc chất vấn có theo nhóm vấn đề hay không để các Bộ trưởng sắp xếp thời gian trả lời.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) cũng nhấn mạnh phạm vi và đối tượng chất vấn tại kỳ họp 10 là rất rộng, không giới hạn.
“Đại biểu Quốc hội có điều kiện soát xét lại nội dung chất vấn từ đầu nhiệm kỳ, tổng hợp, tiếp thu ý kiến của cử tri để nêu vấn đề đề nghị Chính phủ và các Tư lệnh ngành nghiên cứu trả lời”, đại biểu Nguyễn Thái Học nói.
Đánh giá cao sự đổi mới trong hoạt động chất vấn lần này, Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết: “Khi tham gia góp ý Luật Tổ chức Quốc hội cũng như Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, tôi đã có ý kiến về đổi mới hoạt động chất vấn. Nhiều vấn đề đại biểu nêu ra liên quan đến rất nhiều Bộ ngành khác nhau, thậm chí liên quan đến điều hành chung của Chính phủ chứ không chỉ một Bộ ngành nên không thể nói cứ chất vấn một Bộ rồi Bộ khác tham gia trả lời”.
“Bây giờ tất cả các thành viên Chính phủ có mặt ở Quốc hội, vấn đề đại biểu chất vấn liên quan đến Bộ nào thì Bộ trưởng đó trả lời. Điểm mới này rất tốt”, đại biểu Cương bày tỏ.
Cần giải đáp vấn đề một cách xác đáng
Kỳ họp thứ 10 gần như là kỳ họp cuối cùng của Khoá XIII nên theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, hoạt động đánh giá lại việc thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn trên cơ sở các Nghị quyết được ban hành trước đó để từ đó rút ra kinh nghiệm và có phương hướng điều hành chung là biện pháp phù hợp.
“Phiên lần này vấn đề đại biểu mong là đánh giá lại những vấn đề gì thực sự chưa chuyển biến thì sẽ chất vấn tiếp và phải có câu trả lời xác đáng. Tôi nghĩ đây là việc giúp đi đến cùng vấn đề đặt ra trong xã hội. Các Bộ trưởng cầu thị, tiếp thu ý kiến của đại biểu để điều chỉnh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của mình”, đại biểu Cương nêu quan điểm.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng: “Tại phiên chất vấn lần này có lẽ rà soát lại tất cả lời hứa của các Bộ trưởng trong nhiệm kỳ để xem vấn đề gì đã trả lời cử tri và được xử lý cho cử tri yên tâm. Vấn đề gì cử tri còn băn khoăn chưa được giải quyết thì kỳ này tôi mong muốn các đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng cũng giải đáp”.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi |
Đề cập vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng việc giảm từ 16 Chương trình xuống còn 2 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là quyết sách đúng đắn.
Vấn đề là tập trung xử lý tốt, đầu tư phát triển, xây dựng nông thôn mới làm sao giảm bớt gánh nặng cho dân, người dân ít phải đóng góp và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả đầu tư.
Cùng với đó là giảm nghèo bền vững vì “trong cả một chặng đường dài, chúng ta thực hiện giảm đói nghèo cùng cực, xoá nghèo rất tốt nhưng giai đoạn càng về sau này thì vấn đề nghèo đói phức tạp hơn, tập trung vào vùng lõi nghèo, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa”.
“Có lẽ đại biểu Quốc hội ở các địa phương đó cũng như nhân dân trong cả nước và Quốc hội sẽ đặt ra vấn đề để làm sao Chính phủ và các Ngành tập trung xử lý cho đạt hiệu quả tốt nhất mục tiêu”, đại biểu Lợi nêu ý kiến./.