HĐND lâu nay chỉ có quyền quyết định mang tính thủ tục?
VOV.VN - Đại biểu Nguyễn Thị Quyết tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh đặt vấn đề khi thảo luận về dự Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Cân nhắc để phân cấp, phân quyền
Thảo luận về dự luật tại phiên thảo luận chiều 1/6, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu đổi mới mô hình chính quyền đô thị được “tổ chức phù hợp” theo tinh thần Hiến pháp 2013, chứ không phải chỉ khác nhau về chức năng và nhiệm vụ.
Đại biểu cũng lấy là tiếc Nghị quyết 26 của Quốc hội cho thí điểm hơn 6 năm nhưng chỉ có Quốc hội tổng kết mà Quốc hội chưa hề có thời gian nào thảo luận về nghị quyết này để đánh giá thành công hay chưa thành công ở điểm nào, có vấn đề gì cần rút kinh nghiệm qua thực tiễn.
Điều 112 Hiến pháp quy định thẩm quyền, nhiệm vụ của chính quyền các cấp có nêu chính quyền địa phương quyết định các vấn đề của địa phương do luật định. Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương, địa phương và của mỗi cấp chính quyền. Theo đại biểu, dự Luật này có nhiều điều quy định về thẩm quyền, nhiệm vụ của chính quyền địa phương lại chưa cụ thể mà nêu do pháp luật hoặc do Chính phủ quy định.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) |
Dự luật cũng quy định về thẩm quyền của cấp chính quyền địa phương, song ở các điều còn nói rất chung chung về thẩm quyền và nhiệm vụ của HĐND và chính quyền địa phương các cấp; các cấp chính quyền có nhiệm vụ, thẩm quyền, quyền hạn gần giống nhau là chưa ổn.
Cũng theo đại biểu, các điều luật đều nói nhiều về thẩm quyền quyết định của HĐND nhưng thực chất quyết định được vấn đề gì, có khắc phục được tình trạng lâu nay hay chỉ là những quyết định mang tính thủ tục.
“Có hình thức và thiếu thực chất không? Cách gì khắc phục và trong luật có quy định được vấn đề này không? Tôi đề nghị cân nhắc và nếu được nên xem xét quy định ngay trong luật này”, đại biểu nêu ý kiến.
ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) thì cho rằng nguyên nhân khiến hoạt động của HĐND hình thức là do thiết chế tổ chức hiện chưa phù hợp. Dự thảo quy định đảm bảo tính đại diện cao hơn nhưng Trưởng Ban của HĐND lại có thể hoạt động kiêm nhiệm là chưa thực sự đổi mới.
“Đây là sự đổi mới nửa vời, chưa khắc phục được tính hình thức. Vì thực tế Trưởng ban kiêm nhiệm thường là Trưởng ban hoặc Phó trưởng ban cơ quan Đảng, không đủ thời gian tham gia hoạt động của Ban và hoạt động của HĐND. Trong khi đó ĐB chuyên trách thì không được tạo điều kiện phát huy vai trò của mình thông qua tổ chức thường trực HĐND”, đại biểu nêu ý kiến
Do đó, đại biểu đề nghị Trưởng ban HĐND tỉnh, huyện phải là ủy viên thường trực HĐND và là Đại biểu chuyên trách; còn Phó trưởng ban có thể hoạt động kiêm nhiệm.
Hoạt động của HĐND chưa ngang tầm vị trí
Nhất trí với phương án tổ chức HĐND ở cả 3 cấp, nhưng đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng có 2 vấn đề cần khắc phục. Đó là hoạt động của HĐND còn mang tính hình thức, chưa ngang tầm với vị trí là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, chưa thực sự phát huy được vai trò là cơ quan dân cử thay mặt nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước ở địa phương.
Tính kỷ luật hành chính trong UBND chưa nghiêm, hiệu quả quản lý của UBND các cấp không cao, tính tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương còn hạn chế.
Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) |
Để phát huy cao hiệu quả hoạt động của HĐND, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ hơn vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND, quy định cụ thể lĩnh vực phụ trách, trách nhiệm của các ban HĐND.
Cũng theo đại biểu, phương thức hoạt động của HĐND chưa thực sự được đổi mới. Đại biểu HĐND về cơ cấu, tiêu chuẩn cơ bản như hiện nay thì với việc bổ sung thêm 2,3 đại biểu HĐND cấp xã, thêm Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện, tỉnh như dự thảo luật chưa khắc phục được tính hình thức trong hoạt động của HĐND.
Hiện nay đại biểu HĐND đa số là cán bộ công chức, viên chức làm việc trong cơ quan của Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị xã hội ở địa phương còn hạn chế về thời gian thực hiện nhiệm vụ của đại biểu dân cử. Do đó, đại biểu đề nghị UBTVQH, Chính phủ nghiên cứu quy định về cơ chế hoạt động rõ hơn để khắc phục tính hình thức của hoạt động HĐND.
Ngoài ra, dự thảo luật thể hiện chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước cơ quan nhà nước cấp trên về kết quả thực hiện các nhiệm vụ theo quyền hạn của mình. Các điều khoản khác cũng chỉ quy định nhiệm vụ, quyền hạn theo chiều thuận, không có quy định rằng nếu không thực hiện đúng, đủ, kể cả thẩm quyền chung, thẩm quyền riêng thì sẽ xử lý như thế nào nhằm đảm bảo kỷ luật hành chính cho nghiêm. Đại biểu đề nghị nghiên cứu để thiết kế chặt chẽ hơn.
Đại biểu Trần Thị Hiền cũng cho rằng quy định 3 cấp có nhiệm vụ như nhau nhưng chưa rõ phạm vi, trách nhiệm thực hiện ở mỗi cấp. Một số nhiệm vụ giống nhau nhưng khác nhau về phân cấp, phân quyền, ủy quyền. Trong khi đó về cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND tỉnh, huyện, xã khác nhau; số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, điều kiện làm việc khác nhau nên chất lượng hoạt động ở mỗi nhiệm vụ là rất khác nhau. Do đó cần bảo đảm điều kiện làm việc cho từng cấp chính quyền một cách cụ thể, phù hợp thực tế./.