“Người cán bộ có xứng đáng với vị trí hay không chứ đâu chỉ quy trình”
VOV.VN - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, quy trình là cần thiết song quan trọng là người cán bộ có xứng đáng ngồi ở vị trí đó hay không.
Bổ nhiệm người thân không đảm bảo tiêu chuẩn
Một trong những vấn đề mà cử tri và nhân dân có nhiều “tâm tư” thời gian qua là công tác cán bộ, cụ thể hơn là bổ nhiệm và luân chuyển cán bộ. Điều này cũng đã được Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề cập thẳng thắn trong báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri phản ảnh lên Quốc hội khóa XIV ngay Kỳ họp đầu tiên.
Cử tri và nhân dân cho rằng bộ máy hành chính nhà nước ở nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị vẫn chưa tinh gọn. Việc phân định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có lĩnh vực còn chồng chéo hoặc chưa bao quát hết các hoạt động trong thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân |
Đáng lưu ý, cơ chế xác định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước các cấp và người đứng đầu cấp ủy Đảng cùng cấp còn chưa rõ là một nguyên nhân của sự trì trệ trong quản lý nhà nước và tiêu cực, tham nhũng. Một số cán bộ cơ quan bảo vệ pháp luật vi phạm pháp luật, vi phạm quyền sản xuất, kinh doanh hợp pháp, gây bất bình trong nhân dân.
“Tình trạng bổ nhiệm người thân trong gia đình vào các vị trí lãnh đạo mà không bảo đảm quy trình và các tiêu chuẩn về đạo đức, trình độ năng lực, uy tín đã làm giảm niềm tin của nhân dân” – ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết.
Gắn với quản lý và hiệu quả công việc, báo cáo cũng chỉ ra rằng, công tác phối hợp giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng còn nhiều vướng mắc. Công tác thanh tra, kiểm tra ở một số bộ, ngành, địa phương còn chưa sâu sát, thiếu quyết liệt…
Trả lời báo chí về vấn đề này sau khi tái đắc cử, Chủ tịch Quốc hội, ngày 23/7, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định, sẽ giám sát chương trình cải cách hành chính và thực thi công vụ, kể cả bổ nhiệm cán bộ.
“Bổ nhiệm cán bộ có khi đúng quy trình mà không đúng tiêu chuẩn. Có đúng tiêu chuẩn hay không, người cán bộ có xứng đáng ngồi ở vị trí đó hay không chứ không phải quy trình” – người đứng đầu cơ quan lập pháp nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thẳng thắn dẫn chứng, quy trình thì cái nào cũng đúng, như làm luật cũng đúng quy trình nhưng có điều luật chưa khả thi, tức là vấn đề chất lượng mới quan trọng, và công tác cán bộ cũng vậy.
“Để có cán bộ tốt thì phải có quy trình theo luật, điều đó là cần nhưng chưa đủ. Điều rất cần thiết là đánh giá đúng cán bộ để đặt đúng chỗ một cách xứng đáng và thực hiện công vụ tốt. Chúng tôi sẽ giám sát việc này” – Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Có cơ chế để dân giám sát cán bộ
Một nguyên nhân quan trọng khiến nhiều dự án, công trình sử dụng hàng nghìn tỷ đồng tiền ngân sách, tức tiền thuế của dân nhưng “đắp chiếu”, không ít doanh nghiệp làm thất thoát vốn của nhà nước, được chỉ ra là do năng lực cán bộ yếu kém, thậm chí vi phạm. Đã có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị báo cáo của Chính phủ chỉ ra những vị lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp gây thất thoát, lãng phí giờ được luân chuyển, bổ nhiệm đi đâu sau khi để lại hậu quả.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu ý kiến, kiến nghị của cử tri tới Quốc hội ngày 20/7 |
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, cử tri và nhân dân mong muốn các hạn chế trên sẽ được Quốc hội khóa XIV, HĐND các cấp và các cơ quan nhà nước quan tâm, ngay từ những phiên họp đầu nhiệm kỳ phải đưa vào chương trình, kế hoạch hoạt động của mình để giải quyết một cách triệt để.
Chính vì vậy, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát việc bố trí cán bộ, công chức, nhất là đối với các chức danh lãnh đạo ở các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, chính quyền địa phương.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp luật để thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
“Đề nghị có cơ chế cụ thể để nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp giám sát đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, trước hết là đối với những người đứng đầu cơ quan nhà nước ở cơ sở” – Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị với Quốc hội khóa XIV./.