Quốc hội khóa VI mở ra con đường phát triển mới cho đất nước
VOV.VN - Quốc hội khóa VI đã hoàn thành trọng trách thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Với việc thống nhất cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước trên toàn quốc.
Sau 30 năm kể từ ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội khóa I, do hoàn cảnh chiến tranh, ngày 25/4/1976, cuộc tổng tuyển cử lần thứ hai mới được tổ chức trên toàn quốc bầu ra Quốc hội khóa VI. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, từ đó để xây dựng thành công một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, tự do, thống nhất, tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa.
Sau chiến thắng lịch sử 30/4/1975, nước ta hoàn toàn thống nhất, song về mặt lãnh thổ trên mỗi miền lại có một hình thức tổ chức nhà nước khác nhau. Ở miền Bắc, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ở miền Nam có Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn của Chính phủ.
Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá VI nước Việt Nam thống nhất diễn ra (Ảnh tư liệu) |
Từ thực tế đó, Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp trong tháng 9/1975 nhấn mạnh: “Thống nhất đất nước vừa là nguyện vọng thiết tha của nhân dân cả nước, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam”.
Từ ngày 15 đến 21/11/1975, Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất đất nước được tổ chức tại Sài Gòn. Hội nghị đã tiến hành thảo luận và đi đến nhất trí hoàn toàn mọi vấn đề thuộc về chủ trương, bước đi, biện pháp nhằm thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Hội nghị nhất trí cần tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung của cả nước và quyết định cuộc Tổng tuyển cử sẽ được tiến hành vào đầu năm 1976, theo các nguyên tắc dân chủ: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Tháng 1/1976, Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hội đồng cố vấn Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam quyết định: cuộc Tổng tuyển cử sẽ tiến hành vào chủ nhật 25/4/1976.
Những ngày tháng Tư năm 1976, đất nước ta, từ Bắc tới Nam, từ miền xuôi đến miền ngược tưng bừng ngày hội lớn của non sông, tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất. Báo "Nhân Dân" số ra ngày 24/4/1976 đã nhắc lại lời kêu gọi đầy xúc động của Bác Hồ 30 năm về trước, ngày 5/1/1946: "Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta... Ngày mai, tất cả các bạn cử tri đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do". Cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội khóa VI đã thành công rực rỡ với tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao.
Nói về thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử ngày 25/4/1976, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định đó là ngày hội hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp thống nhất non sông.
“Các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước cũng nhằm mục tiêu cuối cùng là thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ. Nó gắn chặt độc lập về chủ quyền và nền dân chủ là một. Chính vì thế sau khi thống nhất, bên cạnh việc thống nhất về cơ cấu hành chính thì một trong những yếu tố có tính biểu trưng là thống nhất về Quốc hội. Sự nghiệp 30 năm từ năm 1946 – 1976 chính là cuộc đấu tranh kiên cường thực hiện mục tiêu cao cả là độc lập dân tộc, dân chủ và thống nhất lãnh thổ quốc gia. Và Quốc hội thống nhất năm 1976 là dấu mốc hết sức ý nghĩa”, ông Dương Trung Quốc nói.
Quốc hội khóa VI, Quốc hội thống nhất đã tiến hành những nhiệm vụ trọng đại của nó. Tại kỳ họp thứ nhất, sau khi thảo luận, Quốc hội đã nhất trí thông qua các nghị quyết về tên nước, Quốc kỳ, Quốc huy, Thủ đô và Quốc ca của nước Việt Nam thống nhất: Việt Nam là một nước độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa lấy tên là nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Quốc kỳ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh; Quốc huy nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, xung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng cưa và dòng chữ “Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”; Thủ đô nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội; Quốc ca nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là bài "Tiến quân ca".
Là đại biểu Quốc hội khóa VI và nhiều khóa Quốc hội sau này, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội vẫn vẹn nguyên cảm xúc: “Kỳ họp thứ nhất diễn ra trong không khí trang nghiêm mà thấm đậm tình nghĩa, phấn khởi, vui tươi mà trách nhiệm hết sức nặng nề, một quyết định đúng đắn cho chế độ chính trị của đất nước, cho con đường đi lên của đất nước thống nhất. Đất nước thống nhất việc đổi tên thành nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là có cơ sở. Cho đến ngày nay, chúng ta đang đi trên con đường đi tới chế độ xã hội chủ nghĩa. Còn vấn đề dân chủ ở nước ta là cốt lõi, là sợi dây xuyên suốt cho quá trình xây dựng đất nước”.
Trong nhiệm kỳ 5 năm, Quốc hội khóa VI đã họp 7 kỳ. Quốc hội đã nghiên cứu, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, như: thông qua nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ hai (1976-1980); phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác. Ngoài ra, Quốc hội thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hiến pháp mới của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam - Hiến pháp 1980. Đây là bản Hiến pháp thứ ba được Quốc hội thông qua để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.
Ông Vũ Tất Ban, đại biểu Quốc hội khóa VI nhớ lại: “Với mỗi vấn đề quan trọng của đất nước, không khí thảo luận tại Quốc hội luôn sôi nổi, trách nhiệm. Quốc hội ngày ấy trong thảo luận cũng có những ý kiến khác nhau nhưng rất dân chủ. Nhiều người nói rằng ở miền Nam chưa thể xã hội chủ nghĩa được nhưng cũng có nhiều đại biểu miền Bắc, xã hội chủ nghĩa là cùng đi lên theo định hướng của Đảng và sự phát triển chung của xã hội bấy giờ. Thời gian để các đại biểu nghiên cứu cũng khá rộng rãi, có ba ngày thảo luận những vấn đề quan trọng và khuyến khích các cá nhân cùng trao đổi”.
Quốc hội khóa VI đã hoàn thành trọng trách thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Với việc thống nhất cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước trên toàn quốc, chọn tên nước, quốc kỳ, quốc huy, quốc gia, với việc thông qua Hiến pháp và văn bản luật quan trọng, là cơ sở pháp lý cần thiết để mở đường cho con đường phát triển mới của đất nước ta./.