Thường vụ Quốc hội chưa thống nhất quy định lãi suất vay tài sản
VOV.VN- Cơ quan trình dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) vẫn sử dụng lãi suất cơ bản làm tham chiếu còn cơ quan thẩm tra đề nghị quy định mức lãi suất cố định.
Về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản, trình bày báo cáo một số vấn đề giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/10, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở của việc nâng mức lãi suất lên 200% lãi suất cơ bản (quy định hiện hành là 150%) và đề nghị không nên sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu mà nên quy định một mức lãi suất cố định trong Bộ luật Dân sự với tỉ lệ % tính theo năm của khoản tiền vay cho ổn định.
Ý kiến khác đề nghị nên nghiên cứu sử dụng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất trái phiếu Chính phủ hoặc lãi suất của một hoặc một số ngân hàng thương mại lớn để tham chiếu.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý |
Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban Pháp luật trình 2 phương án xin ý kiến: Luật quy định mức lãi suất cố định tối đa 20%/năm của khoản tiền vay hoặc giữ như quy định của dự thảo trình Quốc hội, vẫn sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, đồng thời xác định quy định về trần lãi suất 200% sẽ không được áp dụng trong trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng phương án quy định lãi suất cố định là phương án hay vì sẽ không còn khái niệm lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, trong tình huống lạm phát vượt quá cao thì theo quy định này người cho vay sẽ thiệt do đồng tiền mất giá. Do đó, ông Hiển đề nghị nâng lên 30% và coi đây là mức để xác định việc cho vay nặng lãi.
Thảo luận về nội dung này, ông Lê Hữu Thể- Phó Viện trưởng VKSNDTC cho rằng phương án 1 chỉ phù hợp với hợp đồng vay tài sản là tiền, còn tài sản không phải là tiền sẽ gặp khó.
Đối với phương án 2, trong thực tiễn giải quyết, nhiều năm gần đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không công bố lãi suất cơ bản nên toà phải áp dụng lần công bố cuối cùng dẫn đến chưa phù hợp. Phó Viện trưởng VKSNDTC ủng hộ phương án quy định mức lãi suất cố định vì khả dĩ hơn.
Đại diện cơ quan trình dự án luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết Chính phủ trình theo phương án 2 vì hiện nay Luật NHNN vẫn quy định có lãi suất cơ bản và đây là thẩm quyền của NHNN công bố hàng năm hoặc khi cần thiết.
“Bộ luật Dân sự 1995 và 2005 đều lấy lãi suất cơ bản làm tiêu chuẩn, mức lãi suất 150%, nay dự thảo nới lên 200% vì tính trượt giá. Nếu quy định lãi suất cố định thì không linh hoạt khi nền kinh tế có biến động như lạm phát tăng mà luật chưa kịp sửa”, ông Đinh Trung Tụng nêu quan điểm và cho rằng ý kiến đề nghị nâng quy định lãi suất lên 30% cũng thiếu cơ sở xác định.
Giữ nguyên quan điểm ủng hộ quy định mức lãi suất ngay trong luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý nói: “Ngay phương án của Chính phủ là trần 200% thì có người nói cao mà cũng có ý kiến cho là thấp. Còn phương án xác định 20% là lãi suất trên tổng vốn vay, nước lên thì thuyền lên, sẽ hợp lý hơn”. NHNN cũng ủng hộ việc không sử dụng lãi suất cơ bản.
Trước nhiều ý kiến còn khác nhau, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo cân nhắc thận trọng và thảo luận kỹ để trình Quốc hội cho ý kiến.
“Phương án 1 chốt cứng 20% nhưng tuỳ điều kiện thoả thuận làm ăn người ta có thể vay cao mà căn cứ vào đây buộc người ta tội vay nặng lãi và đi tù thì phải tính. Nếu để 30% thì rộng quá, vì lạm phát có mấy phần trăm mà cho vay tới 20% hoặc hơn là quá thể. Phương án Chính phủ trình căn cứ lãi suất cơ bản do NHNN công bố mềm mại hơn, thực tế hơn nhưng cần làm rõ mức lãi suất 200% là thế nào”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan được giao trách nhiệm tiếp tục thảo luận và lập luận rõ ưu, khuyết điểm của từng phương án để trình Quốc hội quyết định./.