Toàn cảnh phiên thảo luận ngày 31/10 về tình hình kinh tế-xã hội

VOV.VN - Các đại biểu cho rằng, nền kinh tế còn nhiều thách thức, Chính phủ cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Hôm nay (31/11), Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Phiên thảo luận được VOV tường thuật trực tiếp trên Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp (VOV1) và phát trực tuyến trên VOV.VN từ 8h.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng cho rằng nền kinh tế chưa ra khỏi khó khăn, nợ công đang rất đáng lo. Trong tình hình như vậy, nhưng kỷ luật tài khóa của chúng ta chưa nghiêm. Báo cáo của Chính phủ về tình hình chi ngân sách Nhà nước năm nay cho thấy hầu hết các ngành đều vượt chi. Tiêu biểu như chi sự nghiệp y tế vượt trên 4000 tỷ đồng; chi giáo dục, đào tạo, dạy nghề vượt chi hơn 1500 tỷ đồng. Ngành nào lĩnh vực nào cũng vượt chi, chỉ có ngành dân số kế hoạch hóa gia đình và chi KHCN không vượt. Kỷ luật tài khóa như vậy là kém. Trong tình hình khó khăn ngân sách như hiện nay, nơi nào, ngành nào vượt chi thì cần phải biết xấu hổ. Người dễ dãi cho phép vượt chi cũng nên phải biết xấu hổ.  

Cũng theo Báo cáo của Chính phủ, năm nay chúng ta xuất siêu, có ý kiến cho rằng đó là tích cực, vui mừng. Tôi cho rằng, xuất siêu đó không nói lên sự chuyển biến tích cực nào cả khi mà hàng chục nghìn doanh nghiệp đang đình đốn trong sản xuất hay giải thể; khi mà chúng ta đang phải đôn đáo tìm thị trường mới để nhập các nguyên liệu do công nghiệp phụ trợ của ta không đảm đương nổi vì quá yếu kém.

Để tiến lên xuất siêu thực sự và sự vươn lên thực sự thì việc tái cơ cấu nền kinh tế là rất quan trọng.

Báo cáo của Chính phủ cũng nói phương hướng tìm thêm thị trường mới, đa dạng hóa để không phụ thuộc vào một thị trường. Đây là chủ trương đúng đắn nhưng tôi muốn bổ sung thêm rằng, cần cảnh giác với các thị trường dễ tính. Ở các thị trường này, hàng hóa của chúng ta chất lượng thấp vẫn bán được. Nhiều người thấy thế lấy làm mừng nên ngày càng tập trung vào thị trường này. Hậu quả là ta cứ yên tâm duy trì một nền sản xuất đáp ứng cho loại thị trường cấp thấp, quen theo lối kinh doanh kiểu cũ. Với tư duy và thói quen này không thay đổi thì nền kinh tế của ta chỉ mãi sản xuất ra các hoạt vừa kém về chất, xấu về mẫu mã, hàm lượng KHCN bất chấp các chỉ tiêu…

Hiện nay, nền sản xuất của chúng ta chưa phát triển, buộc chúng ta phải dính líu với loại thị trường cấp thấp này. Nhưng về lâu dài cần tích cực tái cơ cấu kinh tế để sớm “chia tay” loại thị trường này.

Nếu cứ cặp kè, thậm chí lệ thuộc với loại thị trường này thì mãi mãi nền kinh tế của ta không thể cất cánh. Do vậy, tôi đề nghị chúng ta cần cảnh giác với loại thị trường dễ tính.

Tôi cũng rất tán thành với báo cáo Chính phủ khi đưa ra định hướng phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng và tỷ trọng giá trị nội địa cao. Nhiều ngành sản xuất của ta cần nhanh chóng chuyển đổi theo phương hướng này. 

*********

Trong phiên thảo luận đầu tiên, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ. Sự quyết tâm từ Trung ương đến địa phương của các cấp, ngành đã góp phần vào sự chuyển biến về tình hình kinh tế xã hội, được sự ủng hộ của nhân dân: Phản ứng về hành động xâm phạm chủ quyền ở Biển Đông; các chỉ đạo uốn nắn chấn chỉnh tình hình của Bộ Giao thông, Bộ Công an, Kế hoạch đầu tư…

Đại biểu Quốc hội cũng chia sẻ về sự yếu kém, sự chuyển biến chậm chạm của một số lĩnh vực mà báo cáo đã đề cập như phát triển chưa vững chắc, thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, tái cơ cấu quá chậm….

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và nền kinh tế, Đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai)  đề nghị Chính phủ quan tâm 5 vấn đề. Trong đó mục tiêu tổng quát cần tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân; kịp thời triển khai giải pháp về thuế, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX doanh nghiệp theo hướng hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, công nghiệp phụ trợ; điều chỉnh về thủ tục cho vay, tín chấp, thế chấp, giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn…

Phân tích nguyên nhân năng suất lao động ở Việt Nam thấp, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cho rằng: Lao động VN còn khá nhiều điểm hạn chế, đông về số lượng nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, ít qua đào tạo. Hệ thống giáo dục đào tạo thiên về lý thuyết, thiếu đào tạo kỹ năng; sự chưa nhịp nhàng về cung của đào tạo và cầu của thị trường và những bất cập của hệ thống đào tạo hàng năm khiến nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, thế nên mới có tình trạng thủ khoa đi làm thợ mộc; kỹ sư làm xe ôm; cử nhân làm giúp việc; việc tổ chức lao động chưa khoa học, còn nhiều quản trị theo thói quen, tùy tiện; năng lực cạnh tranh chưa được chú trọng đúng mức; cạnh tranh chủ yếu bằng giá khiến nhiều DN chỉ cần giảm giá để cạnh tranh thay vì tăng chất lượng; bộ máy hành chính cồng kềnh.

Một nguyên nhân khác là do công nghệ lạc hậu, công nghệ của các ngành xuất khẩu của Việt Nam không thay đổi sau 10 năm; tỷ trọng các ngành sử dụng công nghệ cao chỉ 12-13%.... điều này phản ánh sự tụt hậu khá xa về năng lực cạnh tranh công nghệ. Bên cạnh đó, hiệu quả việc sử dụng vốn đầu tư đạt thấp, chủ yếu do đầu tư dàn trải thiếu trọng điểm, thất thoát, lãng phí.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bộ trưởng Tài chính: Nợ công trong giới hạn cho phép
Bộ trưởng Tài chính: Nợ công trong giới hạn cho phép

VOV.VN -Bộ trưởng mong sự chia sẻ của đại biểu và cử tri. Nợ công hiện nay đang nằm trong giới hạn cho phép nhưng thực tế đang gặp nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Tài chính: Nợ công trong giới hạn cho phép

Bộ trưởng Tài chính: Nợ công trong giới hạn cho phép

VOV.VN -Bộ trưởng mong sự chia sẻ của đại biểu và cử tri. Nợ công hiện nay đang nằm trong giới hạn cho phép nhưng thực tế đang gặp nhiều khó khăn.