Trách nhiệm của đại biểu HĐND với cử tri còn mờ nhạt?
VOV.VN -“Tính dân chủ đại diện của HĐND còn lu mờ, thể hiện rõ nhất là mối quan hệ giữa cử tri và đại biểu HĐND”- đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền.
Thảo luận về Báo cáo Kết quả giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sáng 15/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị của đoàn giám sát. Nội dung báo cáo đã đánh giá tương đối toàn diện, chỉ ra được những mặt đạt được, những tồn tại, hạn chế cũng như nguyên nhân. Tuy vậy, nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn nhiều vấn đề nhằm nâng cao hoạt động của HĐND trong thời gian tới.
Hoạt động của HĐND còn hình thức: Vì sao?
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng, nếu tiếp cận ở góc độ tính dân chủ đại diện và tính quyền lực nhà nước của HĐND thì báo cáo còn nhiều việc phải làm.
Theo ông Quyền, qua nghiên cứu cho thấy khá lu mờ tính dân chủ đại diện của HĐND, thể hiện rõ nhất là mối quan hệ giữa cử tri và đại biểu HĐND. “Cử tri kiến nghị lên HĐND nhưng không được giải quyết nên người ta kiến nghị tiếp đến đại biểu Quốc hội. Mỗi lần đi tiếp xúc cử tri nhiều người kéo đến, khi hỏi thì họ nói kiến nghị HĐND không xem xét giải quyết”.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp |
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng báo cáo cần phân định cái làm được và chưa làm được trong hoạt động của HĐND. Việc chưa làm được xuất phát từ nguyên nhân nào, từ chính sách pháp luật, tổ chức thực hiện hay bố trí nhân sự. Như vậy thì mới rõ còn cứ nói dàn trải thì không biết do đâu.
Liên quan chức năng cơ bản của HĐND là giám sát, theo ông Quyền, mặt chưa được lớn nhất nhưng báo cáo chưa nêu là làm rõ trách nhiệm của đối tượng chịu giám sát, trong đó có việc cần chỉ ra địa chỉ cụ thể, mức độ trách nhiệm đến đâu còn yếu.
“Giám sát là công việc khó khăn, đòi hỏi chuyên môn, bản lĩnh, kỹ năng nhưng tính hình thức còn cao. Một nguyên nhân chủ yếu cần nêu bật là trách nhiệm của đại biểu HĐND trong mối quan hệ giữa các thiết chế nhà nước và cử tri còn mờ nhạt, do đó khó nâng cao chất lượng hoạt động”, ông Quyền nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính- Ngân sách, ông Phùng Quốc Hiển thì nhấn mạnh, mục đích giám sát phải trả lời câu hỏi: Chất lượng và hiệu quả của HĐND trong 5 năm qua có tiến bộ và đạt yêu cầu gì vì có ý kiến nói chất lượng chưa cao, còn hình thức.
Theo đó, báo cáo cần có đánh giá tổng quát và có minh chứng cho các hoạt động của HĐND. Thứ nhất phải xem việc quyết định những vấn đề quan trọng của HĐND ở địa phương như thế nào, có đáp ứng yêu cầu, chuyển hoá được Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trở thành nghị quyết của HĐND ở địa phương hay không? Bởi họp thì phải đưa ra nghị quyết nhưng chất lượng thế nào phải đánh giá. Và thực tế có đầy đủ nguyên liệu để chứng minh vấn đề này như quyết định về đầu tư phát triển, ngân sách...
Báo cáo cần minh chứng cho được hoạt động giám sát của HĐND góp phần chuyển biến tuân thủ pháp luật của hệ thống chính quyền thế nào.
Mối quan hệ giữa HĐND với cử tri cũng cần đánh giá vì nghị quyết của HĐND không chỉ chuyển hoá nghị quyết của cấp trên mà còn cả ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
“HĐND có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng. Do đó nếu ý chí chính trị giao quyền hạn cho HĐND tốt thì HĐND sẽ làm được nhiệm vụ của mình”, ông Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm.
Con số phải... “biết nói”
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, ông Ksor Phước đề nghị làm rõ vì sao HĐND các tỉnh có số lượng kỳ họp vênh nhau, nơi nhiều nơi ít. Thời lượng cho mỗi kỳ họp có nơi chỉ diễn ra 2,5 ngày thì làm cái gì?
“Về nội dung tiếp xúc cử tri để giải quyết vấn đề, báo cáo cho thấy kết quả cao, có tỉnh giải quyết được 100%. Con số này có đúng thực tế hay không thì khó khó có cơ sở để khẳng định nhưng thực chất lòng dân yên tâm chưa? Qua tiếp xúc cử tri, rồi đài báo phản ánh có việc diễn ra cả hục năm không giải quyết được và óc những việc cử tri nói rất đúng nhưng báo cáo này đều cho thấy êm xuôi cả. Cần bóc tách vấn đề để chỉ rõ”, ông Ksor Phước đề nghị.
Ông Ksor Phước cho rằng báo cáo cũng cần đánh giá vai trò của HĐND trong phát huy nội lực địa phương như thế nào để tự thân vận động vươn lên. Thực tế qua giám sát, khảo sát về công tác dân tộc có nhiều tỉnh, huyện làm rất tốt nhưng có nơi còn ỷ lại chính sách.
“Có tỉnh thu ngân sách mấy nghìn tỷ nhưng địa phương đầu tư chủ yếu ở đồng bằng còn khu vực miền núi cứ chờ Trung ương đầu tư. Vấn đề này là thế nào? Chưa xử lý được vấn đề này, đọc báo cáo thấy không biết HĐND ở nhiều nơi làm gì không hay cứ UBND đưa ra rồi đồng ý?”, ông Ksor Phước băn khoăn.
Đại biểu Trương Thị Mai- Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội |
Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội, bà Trương Thị Mai cho biết báo cáo cho thấy có tỉnh, thành phố HĐND ban hành nghị quyết rất nhiều (như Thái Bình là 53), nơi lại rất ít (Đà Nẵng, Nghệ An), phổ biến từ 20 đến 30 nghị quyết, nhưng chưa cho thấy con số này nói lên điều gì vì nghị quyết thể hiện quyền lực, chức năng giải quyết công việc của HĐND.
Đề cập kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bà Mai cho biết nhìn vào kết quả thì rất tốt, hơn cả kết quả ở Quốc hội vì hai kỳ họp chỉ có 3 người tín nhiệm thấp. Nhưng con số này khớp hay không khớp với thực tế và thể hiện điều gì thì báo cáo cần có đánh giá.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban KH-CN-MT, ông Phan Xuân Dũng cho rằng: Báo cáo giám sát có nhiều số liệu nhưng số liệu “biết nói” chưa nhiều.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trong bối cảnh đã có Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Giám sát của Quốc hội và HĐND thì báo cáo khi rút ra được ưu, nhược điểm rồi thì phải đề cập có “lối ra” của vấn đề cốt lõi là nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, nếu không vẫn là câu chuyện hình thức, không hiệu lực, không hiệu quả, cồng kềnh./.