Tiểu đội 11 cô gái sông Hương anh hùng: Ước nguyện của người còn sống
VOV.VN -Bà Hoàng Thị Nở, đội viên Tiểu đội cô gái sông Hương cho biết, ước nguyện của những người còn sống là tổ chức một ngày giỗ chung, tưởng nhớ đồng đội của mình.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 11 cô gái trong Tiểu đội Sông Hương chỉ có 5 người còn sống trở về quê hương, mỗi người một công việc khác nhau.
Ngoài bà Nguyễn Thị Xê theo chồng về Ninh Bình, 4 người còn lại đều sống và làm việc tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bây giờ, họ đã lên chức bà, sống vui, sống khỏe cùng con cháu. Tuổi cao, vết thương chiến tranh hành hạ cơ thể già yếu nhưng có dịp là các chị tìm đến thăm hỏi, động viên lẫn nhau vượt qua những khó khăn đời thường.
Bà Chế Thị Mừng kể lại chuyện tham gia chiến đấu của Tiểu đội nữ 11 cô gái Sông Hương cho thế hệ trẻ |
Bây giờ, hoàn cảnh gia đình nhiều người trong Tiểu đội cô gái Sông Hương chưa hết khó khăn, rất cần được giúp đỡ. Bà Mừng ái ngại với cuộc sống hiện tại của gia đình liệt sỹ Đỗ Thị Hoa cả 5 anh em đều liệt sỹ, bà nội và mẹ chị Hoa là những Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Nhiều người thân trong gia đình này đã hy sinh, chỉ còn người cháu dâu lo việc thờ phụng hương khói trong điều kiện nghèo khó. Bà Mừng và đồng đội còn sống có tâm nguyện giúp đỡ gia đình các chị đã hy sinh nhưng “lực bất tòng tâm”.
“Giờ gia đình họ đã hy sinh hết rồi. Vừa rồi tôi đặt vấn đề với một đơn vị đề nghị họ giúp đỡ và họ đã sẵn sàng. Tôi sẽ đi về từng gia đình các chị đã hy sinh để thắp hương, có gì đóng góp nấy”, bà Mừng bày tỏ.
Ngôi nhà bà Nguyễn Thị Hạnh, em dâu Liệt sỹ Đỗ Thị Cúc đã xuống cấp, bà mong muốn được hỗ trợ sửa chữa nhà ở |
Làng Vân Thê, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế, quê hương của Tiểu đội cô gái sông Hương nằm giữa cánh đồng chiêm trũng, giờ có nhiều đổi thay đáng kể. Làng quê này nổi tiếng với nghề trồng hoa Tết. Trong chiến tranh, nơi đây từng nổi tiếng là “chiếc nôi cách mạng”. Gia đình của 11 cô gái sông Hương chịu nhiều đau thương, mất mát vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trên tường nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Hường, cháu dâu của liệt sỹ Đỗ Thị Hoa, treo dày đặc những tấm Bằng Tổ quốc ghi công; Huân, Huy chương các loại.
Bà Hường tâm sự, gia đình bên chồng có 2 mẹ được trao tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và 5 người là liệt sỹ. Căn nhà nhỏ của bà Hường xây dựng đã lâu nay xuống cấp nghiêm trọng, mưa gió thấm dột tứ bề. Bà Hường ước ao có ngôi nhà khang trang.
“Mỗi lần tới dịp lễ, các cô ấy hay về thăm hỏi, họ về hưu rồi hay mua mấy hộp bánh, thăm cây hương là tình cảm rồi. Trong nhà có nhiều liệt sỹ nhưng nhiều lúc thấy buồn. Giờ không mong làm lại nhà mà chỉ ao ước có 10 triệu đồng để thay mái ngói nhà để có nơi thờ tự liệt sỹ”, bà Hường nói.
Mỗi lần nhớ đồng đội, bà Hoàng Thị Nở lại lấy tấm hình năm xưa ra nhìn |
“Năm nào các cô cũng có gặp nhau nhưng ở đây còn lại 3 cô thôi, người khác ở xa thì ít gặp. Mỗi lần ôn lại truyền thống nhớ các chị lắm. Mình còn sống là may mắn và quí lắm dù chị em ai cũng có bệnh tật”, bà Nở tâm sự.
Cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của Tiểu đội du kích “11 cô gái sông Hương” trong suốt 26 ngày đêm bảo vệ thành phố Huế Mậu Thân năm 1968 như một huyền thoại. Nửa thế kỷ trôi qua, câu chuyện “11 cô gái Sông Hương” được mọi người truyền tụng nhắc nhớ, trở thành niềm tự hào của bao thế hệ người dân xứ Huế. Đó cũng là hình ảnh anh hùng của phụ nữ Việt Nam./.