Khoảng trống về nhân lực tại các khu vui chơi, giải trí du lịch
VOV.VN - Trong khi hoạt động vui chơi giải trí đã phát triển mạnh tại nhiều địa bàn trọng điểm du lịch của Việt Nam, thậm chí nhiều khu đạt đẳng cấp quốc tế, nhưng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Thiếu nhân lực chất lượng cao đang là vấn đề chung với các khu vui chơi giải trí tại Việt Nam, bên cạnh tính mùa vụ ở một số nơi và các vướng mắc về mặt chính sách. Hoạt động vui chơi giải trí chưa được quan tâm đúng mức mặc dù đây là nhân tố chính để thúc đẩy gia tăng chi tiêu, thời gian lưu trú của khách du lịch, cũng như phát triển kinh tế đêm.
Nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (ITDR) về thực trạng các cơ sở cung cấp dịch vụ vui chơi giải trí cho thấy tại Việt Nam, lĩnh vực này còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhiều khu vui chơi giải trí ở phía Bắc chịu tính mùa vụ, chỉ hoạt động từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm nhưng quanh năm chịu giá điện gần gấp đôi giá điện các đơn vị sản xuất. Các hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar... còn bị hạn chế về thời gian hoạt động. Việc quản lý các phương tiện phục vụ vui chơi giải trí dưới nước còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho các cơ sở cung cấp dịch vụ.
Theo đánh giá của TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng ITDR, các hoạt động vui chơi giải trí đóng vai trò quan trọng trong ngành du lịch, góp phần thúc đẩy gia tăng chi tiêu lưu trú của khách nên các quốc gia phát triển du lịch đều chú trọng loại hình này. Tuy nhiên Việt Nam còn thiếu vắng các nghiên cứu và định hướng, trong khi hoạt động vui chơi giải trí đã phát triển nhanh trong mấy năm gần đây ở một số địa bàn trọng điểm. Dù đã có những khu vui chơi giải trí hiện đại đạt đẳng cấp quốc tế, giúp Việt Nam có vị thế nhất định trong khu vực, nhưng đội ngũ lao động lại không theo kịp với sự phát triển của lĩnh vực này.
"Thực tế các cơ sở đào tạo tại Việt Nam hiện nay thì không có mã ngành về đào tạo nhân lực cho công việc vui chơi giải trí hay công viên chủ đề. Một số vị trí việc làm chênh lệch về tiêu chuẩn, ví dụ như nhân viên cứu hộ cứu nạn... Đầu vào thấp và đa dạng khiến cho chất lượng lao động không cao, vì vậy đào tạo trực tiếp tại chỗ là bắt buộc đối với hầu hết các khu vui chơi giải trí tại Việt Nam", nhóm nghiên cứu của ITDR cho biết.
Để giải bài toán nhân lực cho hoạt động vui chơi giải trí, nhóm nghiên cứu cho rằng cần khuyến khích các cơ sở đào tạo về du lịch mở thêm những mã ngành mới liên quan đến vui chơi giải trí, với định hướng đào tạo theo chiều sâu. Trong đó, cần có chuẩn đầu ra cho một số vị trí việc làm đặc biệt trong lĩnh vực vui chơi giải trí như cứu hộ, cứu nạn, kĩ thuật viên, giám sát viên, kiểm định viên... Các khu vui chơi giải trí cần liên kết chặt chẽ với cơ sở đào tạo để cung ứng lao động thời vụ, cũng như cho sinh viên học tập thực tế về nghiệp vụ, kỹ năng và kiến thức chuyên môn.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để ngành du lịch phát triển bền vững, các công viên giải trí cần tránh sự đơn điệu, trùng lặp lẫn nhau về sản phẩm dịch vụ. Thay vào đó nên phát triển đa dạng loại hình từ trò chơi truyền thống và hiện đại cho đến các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn nhạc nước, các dịch vụ giải trí nghe nhìn kết hợp công nghệ cao... và những sự kiện theo chủ đề hấp dẫn. Như vậy mới có thể thu hút đa dạng đối tượng khách trong nước và quốc tế, góp phần giảm tính mùa vụ trong hoạt động của các khu vui chơi giải trí.