Ý kiến nhân dân sửa đổi Hiến pháp rất toàn diện
(VOV)-Sau gần 3 tháng, đã có khoảng 8 triệu ý kiến đóng góp thông qua kênh MTTQ Việt Nam. Cơ bản các ý kiến đồng tình với dự thảo Hiến pháp...
Gần 3 tháng triển khai thực hiện tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã thu hút sự quan tâm và tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã tổ chức hàng trăm cuộc hội thảo, hội nghị lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân vào dự thảo Hiến pháp sửa đổi.
Ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, sau gần 3 tháng triển khai, đã có khoảng 8 triệu ý kiến đóng góp thông qua kênh MTTQ Việt Nam.
Sáng nay (29/3), ông Huỳnh Đảm đã trả lời báo chí về kết quả của việc lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân đóng góp vào dự thảo Hiến pháp 1992.
8 triệu ý kiến đóng góp sửa đổi Hiến pháp
PV: Thưa ông, sau gần 3 tháng MTTQ Việt Nam đã phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai việc lấy ý kiến đóng góp dự thảo Hiến pháp năm 1992, vậy xin ông cho biết kết quả của việc lấy ý kiến này?
Quán triệt Nghị quyết 38 của Quốc hội và Chỉ thị 22 của Bộ Chính trị, 3 tháng qua, MTTQ Việt Nam cùng thành viên MTTQ các cấp tiến hành tổ chức nhiều hình thức đa dạng phong phú và thiết thực để tổ chức cho nhân dân đóng góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992 bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực, có nơi tổ chức tới cộng đồng dân cư, có nơi lấy ý kiến đến từng hộ gia đình.
Ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (ảnh: Minh Hòa) |
Ông Huỳnh Đảm: Đến thời điểm này, qua kênh MTTQ Việt Nam có hơn 8 triệu ý kiến của các tầng lớp nhân dân đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
PV: Qua việc tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân, vậy ông có nhận xét, đánh giá gì về những ý kiến này?
Ông Huỳnh Đảm: Từ khi thống nhất nước nhà và trải qua 3 lần sửa đổi Hiến pháp nhưng chưa có lần nào các tầng lớp nhân dân quan tâm, theo dõi, góp ý kiến cho dự thảo nhiều như lần này. Các ý kiến từ nhân trí, trí thức tiêu biểu trong các dân tộc và người Việt Nam ở nước ngoài và cả chức sắc tôn giáo cũng rất tâm huyết góp ý nhiều ý kiến trách nhiệm, trí tuệ để bổ sung, sửa đổi Hiến pháp.
Qua đây thể hiện quyền làm chủ của nhân dân đối với đất nước, đối với việc sửa đổi Hiến pháp nói riêng và việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Qua đây góp phần làm cho đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân biến thành hiện thực sinh động trên đất nước ta trong thời gian vừa qua.
Hầu hết người dân đồng tình với dự thảo Hiến pháp
PV: Qua theo dõi những ý kiến của nhân dân đóng góp cho dự thảo Hiến pháp, những vấn đề gì được nhân dân quan tâm nhiều nhất?
Ông Huỳnh Đảm: Có thể nói các ý kiến của các tầng lớp nhân dân đóng góp rất toàn diện. Trong quá trình thảo luận có ý kiến khác nhau, nhưng hầu hết ý kiến nhân dân bày tỏ, thể hiện quan tâm và đồng tình với dự thảo sủa đổi Hiến pháp 1992 do Quốc hội công bố.
Trong đó, các tầng lớp nhân dân mong muốn làm sao hiến định vấn đề dân chủ, quyền làm chủ nhân dân, sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc, và hiến định rõ vai trò của Hệ thống chính trị của nước ta trong thời kỳ mới. Trong đó không chỉ khẳng định mà còn bổ sung mạnh mẽ, sâu sắc vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.
Đảng cộng sản Việt Nam không chỉ là lực lượng lãnh đạo mà còn là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng không chỉ liên hệ mật thiết với các tầng lớp nhân dân mà còn trở thành người đầy tớ thật trung thành đối với nhân dân. Chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của mình đối với đất nước, đối với nhân dân.
Các tổ chức Đảng, Đảng viên không chỉ hoạt động theo khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật mà còn gương mẫu trong việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Từ đó, các ý kiến mong muốn, hiến định cơ chế để Đảng thực thi vai trò lãnh đạo của mình và hiến định rõ cơ chế để nhân dân giám sát, tham gia xây dựng Đảng.
Đồng thời, nhân dân cũng bày tỏ, tiếp tục khẳng định nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước của dân, do dân, vì dân, mọi quyền lực thuộc về nhân dân.
Nhân dân cũng đóng góp nhiều ý kiến hiến định rõ cơ chế để nhân dân thực hiện quyền lực của mình trên thực tiễn sao cho cụ thể, sâu sắc. Đồng thời, hiến định rõ vai trò của MTTQ Việt Nam, là bộ phận của Hệ thống chính trị nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của tầng lớp nhân dân. Mặt trận đại diện phát huy khối đại đoàn kết tòa dân tộc và đoàn kết quốc tế, tăng cường đồng thuận xã hội để động viên nhân dân xây dựng bảo vệ tổ quốc, thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội của mình.
Các tầng lớp nhân dân khi thảo luận, góp ý cũng hoan nghênh dự thảo nêu ra quyền con người và bổ sung quyền và nghĩa vụ của công dân. Đây là bước tiến mới so với Hiến pháp hiện hành. Vấn đề đặt ra là nhân dân xem xét, hoàn thiện, hiến định quyền con người, quyền công dân đầy đủ hơn.
Cùng với việc đó, vấn đề đất đai tại các cuộc hội nghị được nhân dân thảo luận sâu rộng, cũng có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng nhân dân mong muốn tiếp tục hiến định sở hữu đất đai là toàn dân. Vấn đề đặt ra là phải có quy định cụ thể rõ ràng và có cơ chế bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giao quyền sử dụng đất.
Khi đề cập đến vấn đề quân đội nhân dân, hầu hết các ý kiến đề nghị phải hiến định vai trò của quân đội nhân dân Việt Nam và công an nhân dân. Đây là đội quân cách mạng, không chỉ tuyệt đối trung thành với Đảng mà còn trung thành với Tổ quốc, trung thành với nhân dân và không chỉ bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc, nhân dân và bảo vệ chế độ này.
Còn vấn đề lập hiến, nhân dân cũng có ý kiến làm sao phải khái quát, xúc tích và rõ ràng. Từ lời nói đầu cho các chương điều khoản để khi ban hành để dễ hiểu, dễ thực thi.
PV: Thưa ông, sắp tới đây sẽ sơ kết việc lấy ý kiến góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Qua 3 tháng triển khai lấy ý kiến nhân dân, Mặt trận rút ra được kinh nghiệm gì?
Ông Huỳnh Đảm: Khi tiến hành công bố lấy ý kiến nhân dân trùng vào Tết nguyên đán nên cũng có phần ảnh hưởng. Mặc dù Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã có văn bản hướng dẫn kéo dài việc lấy ý kiến nhân dân đến 30/9. Thực tế, nhiều địa phương đã thực hiện nhiều cuộc góp ý kiến nhân dân, có nhiều nơi thực hiện tốt, lấy ý kiến đến khu dân cư. Nhưng trong đó, có một số địa phương chưa đạt yêu cầu nên chúng tôi kiến nghị các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền cũng như MTTQ các địa phương, tiếp tục quán triệt tinh thần tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân góp ý vào Hiến pháp thực sự là đợt sinh hoạt chính trị pháp lý toàn dân. Do đó, phải khắc phục khó khăn, tiếp tục cho nhân dân góp ý đầy đủ vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Để Hiến pháp thực sự của nhân dân, kết tinh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Cần có cơ chế bảo hộ người Việt ở nước ngoài
PV: Hiện có gần 4 triệu bà con đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Trong đợt lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp lần này, ông đánh giá như thế nào về sự tham gia cũng như tâm tư, nguyện vọng của bà con thông qua kênh MTTQ Việt Nam?
Ông Huỳnh Đảm: Đồng bào ta ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam. Ý thức và nhận thức sâu sắc vấn đề này, trong quá trình tổ chức để cho các tầng lớp nhân dân góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp, MTTQ Việt Nam cũng đã tập trung tổ chức cho đại diện của đồng bào đang sinh sống ở nước ngoài góp ý vào sửa đổi Hiến pháp. Ngoài việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp trực tiếp, còn thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, thông qua các tổ chức, các hội liên lạc của người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả có những ý kiến gửi thẳng về MTTQ Việt Nam. Có thể nói, qua đó thể hiện sự quan tâm của kiều bào đang sống ở khắp nơi trên thế giới đối với một sự kiện trọng đại của đất nước.
Qua đây có thể nói nhìn chung khi chúng tôi trực tiếp được tổ chức, lắng nghe, hầu hết các ý kiến hoan nghênh Quốc hội công bố, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào ta đang sinh sống ở nước ngoài. Đồng thời khi bà con về Việt Nam cũng hoan nghênh Mặt trận phát huy vai trò của mình trong việc tổ chức lấy ý kiến của bà con. Đây còn thể hiện sinh động, sâu sắc sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Mặt trận đối với bà con kiều bào.
Trong quá trình góp ý, bà con bày tỏ tâm tư nguyện vọng làm sao mong muốn thông qua việc sửa đổi bổ sung Hiến pháp, có hiến định để huy động được sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc. Huy động sức mạnh không chỉ ở trong nước mà của cả bè bạn trên thế giới để xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong đó, bà con mong muốn có một cơ chế tạo ra những điều kiện để tạo cơ hội cho bà con đóng góp xây dựng đất nước, không chỉ về vốn mà cả về chất xám, sự nhiệt huyết của bà con.
Một vấn đề nữa là hiện nay Việt Nam đã có luật về quốc tịch, công nhận 2 quốc tịch, mong muốn của bà con làm sao có hiến định rõ để có cơ chế bảo hộ công dân Việt Nam và người Việt đang sinh sống ở nước ngoài trong điều kiện hội nhập.
Cùng với đó, bà con cũng mong muốn thủ tục hành chính ở trong nước ngày càng được cải cách, giảm bớt hiện tượng nhiêu khê, rườm rà, tạo điều kiện để bà con ngày càng gắn bó hơn với đất nước.
PV: Với vai trò, trách nhiệm của mình, tới đây Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ làm gì để xây dựng bản Hiến pháp thực sự là của nhân dân?
Ông Huỳnh Đảm: Có thể nói với trách nhiệm của mình, trong thời vừa qua, cũng như trong thời gian sắp tới, MTTQ Việt Nam sẽ cùng với các tổ chức thành viên và phối hợp với các cơ quan Nhà nước của Trung ương cũng như chính quyền ở địa phương, làm sao tổ chức đến từng hộ dân, để nhân dân được góp ý theo tinh thần mà Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã có chỉ đạo. Đó là lấy ý kiến đến 30/9.
Còn về phần mình, thông qua việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, chúng tôi tập trung có bản góp ý cụ thể từng chương, từng điều gửi đến Quốc hội. Mặt khác, mặt trận phải tổng hợp làm sao cho đầy đủ ý kiến này để chuyển đến Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và Quốc hội xem xét. Còn bản thân Mặt trận, thông qua lắng nghe ý kiến của nhân dân, Mặt trận cũng có bản góp ý bày tỏ chính kiến của mình với mong muốn, thông qua sửa đổi lần này Hiến pháp thực sự của dân, do dân và vì dân.
PV: Xin cảm ơn ông./.