Các ứng dụng “make in Việt Nam” trợ lực cho quá trình chuyển đổi số quốc gia
VOV.VN - Với việc phát triển các ứng dụng “make in Việt Nam” phù hợp với đặc thù của từng giai đoạn, từng lĩnh vực, địa phương, bộ ngành,… quá trình chuyển đổi số quốc gia đã đang đi đúng hướng, đem lại những bước tiến vượt bậc cho nền kinh tế - xã hội số và những lợi ích thiết thực cho người dân.
Ứng dụng của người Việt, thành công vì người Việt
Được ra mắt lần đầu vào tháng 5/2013 với tên gọi Cờ Rôm+, chỉ sau 2 tháng ra mắt, đã thu hút được gần 2 triệu lượt truy cập, đến năm 2014, Cốc Cốc trở thành tên gọi chính tức cho ứng dụng “make in Việt Nam” này.
Sau hơn 10 năm, cho đến thời điểm hiện tại, Cốc Cốc vẫn là trình duyệt và công cụ tìm kiếm “make in Việt Nam” duy nhất, cung cấp tới người dùng internet trong cả nước. Sản phẩm đang được sử dụng bởi 29 triệu người dùng, tương đương 1/3 dân số Việt Nam với khoảng 600 triệu lượt truy vấn tìm kiếm mỗi tháng.
Không chỉ phát triển với tư cách là một ứng dụng về trình duyệt, Cốc Cốc cùng đội ngũ phía sau cũng đã có những nỗ lực, đóng góp trực tiếp vào quá trình chuyển đổi số quốc gia thời gian qua. Từ việc phối hợp với một số nền tảng “make in Việt Nam” khác tổ chức các khóa tập huấn cho hơn 255 ngìn thành viên tổ công nghệ số cộng đồng tại 63 tỉnh thành trong cả nước, Cốc Cốc cũng đã ra mắt bộ giải pháp chuyển đổi số dành cho người dân với các tính năng hỗ trợ Chính phủ số, Xã hội số, Giáo dục điện tử và An ninh mạng. Chỉ tính trong thời gian cao điểm hướng ứng Tháng chuyển đổi số quốc gia (tháng 10 vừa qua), Cốc Cốc đã đạt được khoảng 40 triệu lượt hiển thị thông tin về bộ giải pháp chuyển đổi số và hơn 500 nghìn lượt truy cập website dx.coccoc.com.
Trên cả 2 phiên bản điện thoại và máy tính, từ năm 2022, Cốc Cốc cũng đã phát triển tính năng Chính phủ điện tử. Cho tới nay, công cụ này đã ghi nhận 10 triệu lượt tìm kiếm từ khóa liên quan đến dịch vụ công, hơn 350 nghìn lượt sử dụng tính năng Chính phủ điện tử để tìm kiếm các thông tin về dịch vụ công và hơn 30 nghìn lượt dẫn về trang dichvucong.gov từ tính năng Chính phủ điện tử trên Cốc Cốc.
Là một trong 10 thành viên Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức an toàn thông tin, Cốc Cốc cũng phối hợp cùng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) triển khai các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân và bảo vệ người dân trên không gian mạng.
Không chỉ xây dựng chuỗi video tình huống ngắn nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho người dân qua các tình huống phổ biến thường ngày như: Sử dụng mạng xã hội, mua sắm và thanh toán online, bảo mật thông tin cá nhân trên không gian mạng, nhận diện website độc hại, Cốc Cốc cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho chuyển đổi số trên chính nền tảng của mình, thu hút gần 44.400.000 lượt hiển thị và gần 213.000 lượt nhấp chuột truy cập tới các nội dung đăng tải trên Cổng Không gian mạng quốc gia. Cốc Cốc cũng mới cho ra mắt một số tính năng mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dùng Việt Nam như Cốc Cốc AI Chat, AI Search, trình duyệt Cốc Cốc TV, và các tính năng tìm kiếm theo chuyên đề như “Tìm việc làm”... đem đến những trải nghiệm mới và cơ hội phát triển mới cho người dân.
Gần đây, sau khi thực hiện đánh giá hiệu quả và năng lực triển khai nền tảng số, Cốc Cốc đã tiếp tục được Bộ Thông tin và Truyền thông gia hạn công nhận là Nền tảng số đáp ứng các tiêu chí phục vụ người dân năm 2023.
Có thể nói, với tư cách là một trình duyệt web phổ biến và uy tín tại Việt Nam, Cốc Cốc đang có những đóng góp không nhỏ vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, là một minh chứng cho cái gọi là sáng tạo của người Việt, ứng dụng cho người Việt, vì lợi ích của người Việt.
Cùng với Cốc Cốc, Zalo cũng là một điển hình của ứng dụng “make in Việt Nam” đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Theo báo cáo “The Connected Consumer Quý 3/2024” mới nhất do Decision Lab công bố trong tháng 11 vừa qua, Zalo tiếp tục dẫn đầu các nền tảng nhắn tin tại Việt Nam về tỷ lệ sử dụng và mức độ yêu thích. Với hạng mục “Nền tảng nhắn tin”, Zalo dẫn đầu với tỷ lệ sử dụng đạt 85%, theo sau bởi Facebook với 59% và Messenger đạt 52%. So với Quý 2/2024, tỷ lệ sử dụng Zalo chứng kiến sự tăng trưởng (82% trong Quý II/2024) trong khi tỷ lệ sử dụng Facebook và Messenger giảm nhẹ - tỷ lệ sử dụng Facebook trong Quý 2/2024 đạt 62% và Messenger đạt 53%. Các con số kể trên một lần nững khẳng định vị thế của Zalo là ứng dụng nhắn tin phổ biến và được ưa chuộng nhất Việt Nam.
Báo cáo tài chính hợp nhất Q3/2024 mới được VNG công bố, nền tảng nhắn tin Zalo hiện đang có 77,6 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng (MAU) và gần 1,97 tỷ tin nhắn được gửi đi mỗi ngày.
Cùng với nhu cầu của thị trường và sự nhanh nhạy của đội ngũ lãnh đạo đứng sau, Zalo nhanh chóng phát triển thành một hệ sinh thái số với đầy đủ các mô hình, dịch vụ phục vụ đời sống người Việt trên không gian số như giải trí (zalo video, game Center), các tiện ích đời sống số (ví điện tử zalo pay với hơn 14 triệu người dùng, thanh toán hóa đơn, đặt vé xem phim, lịch trình xe buýt, tra cứu các doanh nghiệp ở gần….), tiện ích tài chính (vay nhanh, thẻ tín dụng, mở tài khoản…), đặc biệt là các dịch vụ công được tích hợp và các mini App…, tất cả đều là những minh chứng rõ rệt cho việc số hóa vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp.
Theo thống kê mới nhất, trên nền tảng của Zalo hiện đã có hơn 16.000 tài khoản Zalo Official Account (Zalo OA), hơn 400 mini app của các cơ qua nhà nước được triển khai, thực hiện kết nối hiệu quả, nhanh chóng, miễn phí giữa người dân với tiện ích công, bao gồm Hành chính công, An ninh, Giáo dục, Y tế…
Riêng trong đợt bão Yagi, Zalo đã hỗ trợ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai gửi đi hơn 143 triệu tin nhắn cập nhật thông tin, hướng dẫn phòng chống bão lũ. Zalo cũng nhanh chóng bật tính năng Zalo SOS giúp người dân tại các tỉnh chịu ảnh hưởng bởi bão cập nhật trạng thái cá nhân. Chỉ trong 10 ngày, Zalo SOS đã ghi nhận khoảng 1 triệu người cập nhật trạng thái an toàn, 151.000 người kết nối hỗ trợ, 87.000 người liên hệ khẩn cấp. Với cơn bão số 6 (bão Trà Mi), Zalo tiếp tục hỗ trợ Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai gửi đi hơn 14 triệu tin nhắn chống, tránh bão.
Mới đây nhất, để chuẩn bị cho đợt rét đậm, rét hại diễn ra từ ngày 26/11, thông qua trang Zalo OA (Official Account) “BCĐ Quốc gia Phòng chống thiên tai”, đã có gần 2,4 triệu tin nhắn được gửi đến người dân các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, giúp người dân kịp thời ứng phó và có các phương án phòng chống thiệt hại sớm nhất, hiệu quả nhất.
Xu hướng của người Việt dùng các sản phẩm, ứng dụng Việt
Theo các chuyên gia, các ứng dụng như Cốc Cốc, Zalo vượt mặt các “ông lớn” nước ngoài không chỉ phản ánh xu hướng người dùng Việt Nam ủng hộ các nền tảng nội địa mà còn khẳng định sự thân thiện và tiện ích mà nền tảng này mang lại. Đây cũng là điểm mấu chốt mà bất kỳ ứng dụng “make in Việt Nam” nào cũng phải đáp ứng được để có thể tham gia vào như một phần của quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hiện nay có sứ mệnh mới là công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thông qua sáng tạo các ứng dụng số, chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực. Bộ trưởng cũng kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hãy đi vào các ngành, các lĩnh vực để sáng tạo các ứng dụng số, giúp CĐS, phát triển KTS cho các ngành và lĩnh vực này. Đây cũng chính là quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Theo Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, việc phát triển chính quyền số, xã hội số và kinh tế số đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Các nền tảng số và ứng dụng số được ví như xương sống để vận hành xã hội số, ứng dụng trong mọi lĩnh vực từ y tế, giáo dục, nông nghiệp, thương mại điện tử, văn hóa du lịch… giúp cho hiệu quả lao động của con người được nâng cao, giảm mức đầu tư, loại bỏ bớt các thủ tục hành chính giấy tờ, tiết kiệm thời gian công sức cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Nhờ có các ứng dụng số, các bác sĩ, cơ quan quản lý y tế có thể xây dựng hồ sơ sức khỏe cho từng người dân, triển khai hoạt động quản lý các trạm y tế xã, phường trên nền tảng số. Cũng nhờ số hóa, các thầy cô có thể xây dựng hồ sơ học tập cá nhân cho học sinh, thay đổi mô hình dạy và học, soạn và chấm bài trên môi trường điện tử. Người nông dân ứng dụng nền tảng số để truy xuất nguồn gốc, giúp người mua an tâm hơn. Doanh nghiệp gửi, nhận hoá đơn điện tử và với cơ quan thuế sử dụng nền tảng công nghệ số…
Để chuyển đổi số đòi hỏi phải có ứng dụng phù hợp, sứ mệnh phát triển các ứng dụng “make in Việt Nam” không chỉ đặt trên vai của các doanh nghiệp công nghệ số nước nhà mà sự tiếp nhận, góp ý, ủng hộ của người dùng Việt cũng tạo điều kiện cho quá trình số hóa, cùng phát triển ở mọi lĩnh vực, ngành nghề của đời sống.