Du xuân chốn nước non... rồng
Không chỉ là vùng đất có địa danh rồng, Bình Định còn là xứ sở của thành quách, đền đài, chùa tháp cũng gắn liền với tên rồng thiêng.
Bình Định là một vùng đất đặc biệt với phía Đông là biển cả, ba mặt Tây, Nam, Bắc là ba dãy non xanh nối nhau lại thành hình một chiếc ngai rồng vĩ đại. Vì vậy, tôi gọi Bình Định là chốn “nước non rồng”.
Năm Nhâm Thìn này, chúng ta cùng du Xuân về Bình Định với những địa danh, chùa chiền, ngà tháp mang tên con rồng linh thiêng, huyền thoại và đầy thi vị này.
Trước hết, xin mời các bạn về với non nước Hương Sơn phong cảnh hữu tình, lại có nhiều cổ tích. Đây là địa danh với "Ba mặt đồng xanh một mặt sông/ Non Hương đoanh lộn gió hương lồng/ Sườn cây điểm sỏi phơi vằn báo/ Dòng sóng chen mây ảnh vẩy rồng/ Lũy chất trung can hàng đá dựng/ Nền xây thánh đức lớp rêu phong/ Cùng non tháp cổ bền mưa nắng/ Tiếng địch chiều hôm gửi nhớ nhung”.
Quả đúng như lời ca, nơi đây có những tên núi, tên sông khá nổi tiếng mà trong đó có những hòn núi mang thành tố “Long” như hòn Hưng Long (Bình Khê) hay hòn Khánh Long đầy huyền thoại. Người ta ví hòn Khánh Long với hòn Trà Sơn như anh em sinh đôi. Chỉ khác nhau một điểm đó là hòn Trà Sơn có đá mọc ở sườn phía Tây, còn hòn Khánh Long thì hoàn toàn bằng đất sỏi.
Mũi Vi rồng |
Theo truyền thuyết kể lại, ngày xưa, xưa lắm, lúc mà ông Trời, bà Đất hết khăng khít với nhau, ông bay lên cao, bà hạ xuống thấp, bỏ nước non mây ráng bơ vơ. Ông Khổng Lồ lo việc sắp đặt núi non cho có thứ tự. Sau khi sắp xếp xong các dãy núi ở Bình Định, ông lựa hai hòn núi cân đối rồi quay nhanh đi chơi. Nhìn nước nhìn mây, cao hứng quên cả gánh núi trên vai. Đòn gánh chích, đôi gióng nghiêng, đôi núi lăn cù xuống đất. Núi rớt thình lình, Khổng Lồ vừa giật mình vừa mất thăng bằng suýt ngã. Để khỏi ngã, ông liền bầm chặt một chân xuống đất, một chân bước dãng ra trước mặt để chống. Tuy khỏi bị ngã, nhưng bị cụt hứng, ông tức mình bỏ núi lại đó, gánh gióng không đi đến nơi khác. Hai hòn núi bỏ lại đó là hòn Trà Sơn và hòn Khánh Long. Thật là : “Khổng Lồ gánh núi đi chơi/ Gánh nghiêng gióng đổ bỏ rơi hai hòn/ Hóa thành một cặp cừu non/ Chờ ông trở lại mãi còn nằm đây/ Bâng khuâng nhìn nước nhìn mây/ Gió mưa dầu dãi vóc gầy đôi phân/ Cơ trời mở lối thanh vân/ Cừu non trở hóa kỳ lân vẫy vùng”.
Hòn Khánh Long đẹp bởi nơi đây có nước suối chảy quanh năm, có hoa thơm, quả ngọt và sắc lúa chín vàng. Bên cạnh Khánh Long là một hòn Trà Sơn cũng đầy huyền bí. Núi Trà Sơn hợp với ba ngọn thổ sơn khác nằm ở phía Đông, thành một bộ tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng. Đứng ở Trà Sơn ngó về hướng Đông Bắc có hòn Kỳ Đồng cao chưa đầy 100 thước. Hòn Kỳ Đồng nối liên kết với những gò đống dài uốn khúc như hình một con Khủng Long mà các thầy địa lý gọi là con Thanh Long. Dưới chân Kỳ Đồng có bàu nước rộng chừng ba mẫu rất sâu, nước không bao giờ cạn. Đó là Bàu Sấu. Vì có Bàu Sấu nên Kỳ Đồng có danh hiệu là “Thanh Long ẩm thủy”.
Hòn Kỳ Đồng còn gắn với một sự kiện lịch sử bi hùng mà cho đến bây giờ còn phảng phất trong mấy câu thơ: “Không tính làm chi cuộc mất còn/ Nợ trai trả đặng ấy là khôn/ Gió đưa hồn nghĩa gươm ba thước/ Đá tạc lòng trung núi mấy hòn/ Tái ngắt mặt gian xương tợ giá/ Đỏ lòa bìa sách máu là son/ Rồi đây ngọc luật đưa xuân lại/ Một gốc mai gì nảy rậm non”.
Cũng trên dãi đất này còn có hòn Mò O. Hòn Mò O cao khoảng 345 thước, nằm giữa vùng đất An Nhơn và Phù Cát. Mò O tiếp nhận đến hai sơm mạch. Một từ Kỳ Đồng xuống, một từ Chà Rang sang đến thôn Phú Thành (Phù Cát), qua các gò Tân Nghi, Nghĩa Hòa … thì nhập với mạch Kỳ Đồng vào Mò O, thành “Lưỡng Long nhập thủ” nghĩa là hai con rồng vào một cái đầu. Và hòn Mò O là “Đình Tức Long”, tức là con rồng dừng lại để thở rồi chạy xuống 7 hòn núi đất ở Chánh Mẫn (Phù Cát).
Tháp Dương Long |
Đến với vùng đất Tuy Phước có một hòn núi mang tên “Hàm Long”. Hàm Long không cao cũng không lớn. Hình núi giống như đầu rồng. Trước núi, nơi “miệng rồng” có ngôi chùa thờ Phật gọi là Long Sơn Tự. Núi Hàm Long nằm ôm ngôi chùa Long Sơn Tự đã trở thành một nơi u tĩnh thanh lương. Cách Hàm Long không xa có một ngọn nhúi nhỏ đứng sát mé bể. Đó là hòn Vi Rồng. Vi Rồng thuộc thôn Tân Phụng. Dáng nhỏ và thấp (105 thước) toàn đá và bị xẻ làm đôi, một nửa ở trên cạn, một nửa ở dưới nước, trong giống như chiếc bánh ít xẻ dọc. Dưới chân nửa núi ở dưới nước, nằm ngổn ngang những tấm đá mỏng, hình tròn như vảy cá, người ta gọi đó là “Đá Vảy Rồng”. Về cái tích của “Đá Vảy Rồng” có truyền thuyết cho rằng, hòn Vi Rồng ngày xưa nguyên một khối, hình giống vi cá chép. Đời nhà Đường, Cao Biền sang nước ta, đi tìm nơi thắng địa để ếm. Trông thấy hòn Vi Rồng linh khí kết tụ, bèn chém đứt để trừ hậu họa. Long mạch bị chém đứt, vảy rồng rơi, máu rồng đổ, lâu ngày đọng lại thành son và vảy cứng lại thành đá. Đó là “Đá Vảy Rồng”…
Không chỉ là vùng đất có địa danh rồng, Bình Định còn là xứ sở của thành quách, đền đài, chùa tháp cũng gắn liền với tên rồng thiêng. Một nhà thơ nào đó khi viếng thăm tháp Cánh Tiên ở chốn non rồng này đã thốt lên: “Rồng thiêng tiên cỡi đi đâu ?/ Cánh Tiên để đó dãi dầu nắng mưa/ Cùng non tháp giữ tình xưa/ Trải qua dâu bể vẫn chưa núng lòng/ Đồ Bàn còn núi còn sông/ Còn tiên kết cánh, còn rồng tuôn mây”. Quả thực, đây là vùng đất mà “Cầu Đôi mà tháp cũng đôi/ Dễ chi nhân nghĩa mà rời được nhau/ Vững vàng tháp cổ ai xây/ Bên kia Thủ Thiện bên này Dương Long/ Nước sông trong dò lòng dâu bể/ Tiếng anh hùng tạc để nghìn thu!”.
Không chỉ có Tháp Đôi, nơi đây còn có tháp Long Triều ở thôn Xuân Mỹ, rồi tháp Thủ Thiện và nhất là tháp Dương Long- cách thành phố Quy Nhơ chừng 30 km. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trong các tháp ở Bình Định, tháp Dương Long ít hư hơn hết và cũng đẹp hơn hết. Tháp Dương Long thuộc xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, cách Quy Nhơn khoảng 50 km, tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ 12. Tháp là một quần thể gồm 3 tháp. Tháp giữa cao 40m, hai tháp 2 bên cao 38m. Phần thân tháp được xây bằng gạch, các góc được ghép bằng những tảng đá lớn và trang trí điêu khắc đều bằng đá. Cửa tháp quay hướng Đông và được nâng lên khá cao khoảng 1,5m và khung cửa là những khối đá lớn. Những chi tiết được trang trí ở đây đều rất lớn, chạm trổ trên sa thạch với những đường nét rõ ràng và còn giữ được lâu. Với nghệ thuật điêu khắc chạm trổ tinh xảo, các đường nét vừa hoành tráng, lộng lẫy, vừa tinh tế mềm mại, các họa tiết trang trí sống động, tháp được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1980. Ngoài tháp Dương Long, nhiều ngôi chùa ở Bình Định cũng mang tên rồng thiêng.
Có thể kể đến ngôi chùa Long Khánh, ngôi chùa nằm ở trung tâm thành phố Qui Nhơn, trên đường Trần Cao Vân. Chùa được xây dựng vào năm 1715, dưới thời vua Lê Dụ Tông, do tổ sư Đức Sơn - người Trung Quốc sáng lập. Lúc bấy giờ chủ yếu là phục vụ cho cộng đồng người Hoa ở quanh vùng. Tính đến nay, chùa Long Khánh đã qua 14 đời trụ trì. Chùa hiện còn lưu giữ một số bảo vật quý như: Chiếc khánh đồng dùng để khai hiệu lệnh, dài 75cm, cao 25,5cm được đúc vào thời điểm khánh thành chùa (1715); Thái Bình Hồng Chung (chuông Hồng Thái) được đúc vào năm 1805, triều vua Gia Long, và tấm dấu biểu trưng Long Khánh Tự được kiến tạo vào năm 1813 thời vua Gia Long. Rồi một ngôi chùa khác mang tên là chùa Sơn Long. Chùa nằm trên địa phận xã Nhơn Bình, thành phố Qui Nhơn. Chùa do Thiền sư Bửu Quang khởi dựng vào cuối thế kỷ 17 có tên là “Thiền Thất Giang Long” ở huyện Tuy Viễn, phủ Tuy Ninh, trấn Bình Định. Chùa tọa lạc trên sườn núi Trường Úc.
Đến năm 1744, chùa được Thiền sư Thanh Thiền cho di chuyển về địa điểm hiện nay sát chân núi, cách cầu Trường Úc 700m về hướng đông và đổi tên là chùa Sơn Long. Tương truyền, dưới chân núi phía sau chùa, xưa kia có một tảng đá rất lớn trông như miệng rồng có hàm trên, hàm dưới với một cái lưỡi nhô ra nên gọi là đá Hàm Long. Nay do sự tàn phá của thời gia nên dấu ấn này không còn nữa. Trong chùa có 15 ngôi mộ tháp lớn nhỏ, có những ngôi mộ vẫn còn giữ nét rêu phong, cũ kỹ của mấy trăm năm về trước, có mộ tháp đã được trùng tu khang trang hơn. Đến Sơn Long, bạn còn được chiêm ngưỡng bức tượng Phật Lồi 7 đầu rồng bằng đá nặng 1,5 tấn, cao 3,1m với hoa văn chạm khắc sau lưng. Bức tượng này được xác định của người Chăm tạc từ thế kỷ thứ 8.
Mùa Xuân năm Nhâm Thìn du Xuân về với Bình Định xứ Nẫu thân thương cùng với những địa danh, chùa tháp mang tên rồng thiêng thì có thú vui nào bằng. Mùa Xuân đang về, lộc biếc chồi non, hoa tươi lá thắm, nào xin mời các bạn lên đường…/.