“Ấn tượng hoàng hôn” và những trăn trở…
VOV.VN - 29 tác phẩm của bà Lê Thị Lựu mang tên “Ấn tượng hoàng hôn” vừa được đưa từ Pháp trở về.
Đúng kỷ niệm Ngày Di sản Việt Nam 23/11/2018, Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh khai mạc cuộc triển lãm giới thiệu 29 tác phẩm của bà Lê Thị Lựu (1911- 1988), nữ họa sĩ xuất sắc của mỹ thuật Đông Dương mang tên “Ấn tượng hoàng hôn”, vừa được đưa từ Pháp trở về. Và cũng từ cuộc triển lãm này, nhiều vấn đề đặt ra cho việc các di sản mỹ thuật Việt lưu lạc sẽ “trở về” như thế nào…
Bảo tàng đã được gia đình họa sĩ Lê Thị Lựu tin tưởng hiến tặng những tác phẩm mỹ thuật giá trị của nữ họa sĩ để trưng bày và gìn giữ. Đây cũng là cơ hội để công chúng Việt Nam lần đầu được tiếp cận trực tiếp tranh của nữ họa sĩ xuất sắc của mỹ thuật Đông Dương.
Tài nữ mỹ thuật Đông Dương “trở về”.
Đúng 30 năm sau ngày bà mất, và cũng phải đợi 24 năm kể từ khi chồng bà là ông Ngô Thế Tân ủy quyền cho vợ chồng bà Thụy Khuê năm 1994, trao tặng bảo tàng ở Việt Nam, nữ họa sĩ tài sắc Lê Thị Lựu của mỹ thuật Đông Dương đã được “trở về” theo di nguyện bằng 29 tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao của mình.
Hoa sĩ Lê Thị Lựu. |
Bà Nguyễn Kim Phiến, Phó Giá đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết: Bảo tàng đang lưu giữ 29 của họa sĩ Lê Thị Lựu, được triển lãm trong “Ấn tượng hoàng hôn”, gồm 2 phần: Phần 1có 18 tác phẩm chất liệu lụa, sơn dầu và 2 bản sao chụp tác phẩm của bà do ông Ngô Thế Tân, chồng bà trao cho bà Thụy Khuê giữ từ ngày 8/5/1994, để tặng Việt Nam, cùng nhiều tư liệu hình ảnh, bản thảo thơ, bút tích của họa sĩ. Phần này được ông bà Thụy Khuê- Lê Tât Luyện trao tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh ngày 6/6/2018 tại Paris.
Phần 2 gồm 9 tác phẩm lụa, sơn dầu (8 tác phẩm do họa sĩ Lê Thị Lưu sáng tác và 1 tác phẩm do ông Ngô Thế Tân sáng tác), thuộc sư tập riêng của ông bà Thụy Khuê- Lê Tất Luyện, được ông bà Thụy Khuê trao tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh ngày 19/10/2018 tại Paris.
Nói về tranh Lê Thị Lựu, bà Thụy Khê viết: "Tranh Lê Thị Lựu màu vui nét sáng mà vẫn thoảng buồn, như một vết thương yêu đời: em bé hái hoa đồng biếu mẹ, thiếu nữ cõng em rong chơi trong rừng, thiếu phụ bồng con, ánh mắt hiền hòa âu yếm... có gì hòa bình, an lạc, êm như trong cõi mộng buồn (Ðào nguyên của tác giả chăng?)…
Tranh Lê Thị Lựu "dan díu" với một thiên đường Việt Nam tiền chiến, xa biệt, thời sơn nữ ca, một đêm trong rừng vắng, ẩm thêm sắc thái nghiêm đài về đất cũ của những người cách nước lâu ngày, có những nhịp đời thương nhớ âm vọng trong thời khắc và lòng người, dấy lên trên nền năm tháng cũ một bóng hoàng hôn mơ hồ ôm trùm lên sự vật, khiến cho ai đó, mỗi lần tìm đến tác phẩm Lê Thị Lựu, lại thấy vang lên những bâng khuâng gió nhớ về qua lá đầy…”.
Tác phẩm Ba mẹ con trên cỏ. |
Theo Hội đồng Khoa học mở rộng của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam gồm các họa sĩ có uy tín và năng lực chuyên môn cao khẳng định đây là bộ sưu tập độc nhất không chỉ về số lượng, tập trung ở một họa sĩ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, mà còn là bộ sưu tập có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật và kinh tế, nếu như không muốn nói là vô giá.
Đặc biệt có một số tác phẩm thuộc hàng đảng cấp tạo được dấu ấn quan trọng trong nền hội họa Việt Nam trong mối quan hệ với hội họa thế giới. Những bức tranh này không chỉ vô giá ở ý nghĩa là chứng nhân của một giai đoạn phát triển lịch sử mỹ thuật Việt Nam mà còn rất đắt giá với thị trường tranh quốc tế hiện tại.
Và trăn trở cho các cuộc “trở về” trong tương lai.
29 bức tranh của họa sĩ Lê Thị Lựu “trở về” Việt Nam được an toàn, có thể nói là sự may mắn có phần thần kỳ. Không phải ai cũng biết giá trị “vô giá” của những bức tranh này, ngoài giá trị có tính “di sản” nghệ thuật - mỹ thuật Việt Nam, thì đây thật sự là một “kho báu” có giá trị “liên thành”, không thể tính toán đo đếm được.
Lấy một ví dụ, trong phiên đấu giá Nghệ thuật Đông Nam Á hiện đại và đương đại của nhà Sotheby’s Hong Kong diễn ra 10h ngày 1/4/2018 (9 giờ Việt Nam), bức “Trẻ em nghịch hoa” của Lê Thị Lựu được bán với giá 207.821 USD (khoảng hơn 5 tỉ đồng Việt Nam). Năm 1987 (trước khi bà qua đời một năm), một nhà môi giới nghệ thuật ở Anh đã tìm gặp Lê Thị Lựu để chọn mua một họa phẩm cho bảo tàng tại London, 1 bức tranh của bà được chọn mua với giá 40.000 Bảng.
Trong chuyến mang tranh của bà về Việt Nam, nhất là lần thứ 2, điều lo nhất là làm sao mang được tranh an toàn, trong khi thông tin việc đi sang Pháp nhận tranh đã lâm râm lan trong giới buôn bán tranh quốc tế và cả những nhà sưu tập tranh trong nước chuyên về các tác phẩm thuộc Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương...
Tranh "Thiếu nữ bồng con". |
Khi tất cả những gì bảo đảm cho an toàn của tranh theo thông lệ quốc tế trong việc tương tự là con số “0”, không có vệ sĩ, không có an ninh của mình, tranh không có mua bảo hiểm, không có được sự bảo vệ của nước sở tại (vì không đăng ký hỗ trợ theo Luật của họ)...
Bà Kim Phiến kể lại: “Sau khi nhận tranh, tranh và người gắn với nhau không rời ra. Tôi ý thức giữ an toàn tranh như sinh mạng của mình. Bởi đây không chỉ là tài sản có giá trị nghệ thuật, mà còn là “khối” tài sản khổng lồ, và trên nữa là uy tín và danh dự của Bảo tàng, của chính bản thân tôi.
Từ việc di chuyển trên đường ra sân bay, làm thủ tục an ninh hải quan Pháp, khi ngồi trên máy bay, cho đến lúc xuống sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chưa hết lo… Chỉ đến khi số tranh được cho vào kho cất một cách an toàn, tôi mới thở nhẹ”.
Giá trị như thế, nhưng gần như những cách thức để bảo vệ an toàn cho tranh “trở về” đều rất chơi vơi, chỉ là người nhận tranh tự bảo quản, mang theo cùng hành lý cá nhân, ngoài ra không có thêm bất cứ gì để bảo vệ. Nhưng không thể cứ mang tranh “trở về” theo kiểu “du kích” mãi như thế vì rất phiêu lưu, không loại trừ, sẽ là “mồi ngon” của các nhóm buôn bán tranh, thậm chí của mafia quốc tế chuyên về các tác phẩm mỹ thuật có giá trị.
Bởi sau khi bà Lê Thị Lựu “trở về”, trong tương lai sẽ có một dòng tác phẩm mỹ thuật Việt Nam thuộc thế hệ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương lưu lạc lâu nay xứ người “trở về” bằng con đường biếu tặng, như hiện tại gia đình họa sĩ Lê Phổ đã có ý trao tặng Bảo tàng Việt Nam tranh của ông trong nay mai.
Rồi ngay cả khi đã “trở về”, đã yên vị trong bảo tàng, thì những bức tranh này vẫn chưa được “mua bảo hiểm”, một thông lệ của các bảo tàng thế giới, nhưng còn khá xa lạ ở Việt Nam. Và khi chưa mua bảo hiểm cho tranh, để có những quy chuẩn mang tính quốc tế, thì việc tranh bị sao chép, hay tráo đổi thật- giả, hay trộm cắp…., sẽ có thể xảy ra gây mất uy tín của bảo tàng.
Từ “Ấn tượng hoàng hôn”, cuộc “trở về” của họa sĩ Lê Thị Lựu, nên chăng Cục Mỹ thuật- Nhiếp ảnh và Triển lãm của Bộ VHTTDL và hệ thống Bảo tàng ở Việt Nam cùng hoàn thiện các quy tắc, cách thức trong việc sưu tập các “di sản” thật chuyên nghiệp, phù hợp thông lệ quốc tế. Từ đó hy vọng sẽ có nhiều cuộc “trở về” tương tự, như một cách lưu giữ di sản mỹ thuật Việt tại Việt Nam./.