Đối phó dịch sởi: Không chỉ trông chờ vào giảm tải!
VOV.VN -Đã đến lúc dịch sởi cần những biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để ứng phó.
Dịch sởi “hoành hành” từ cuối năm 2013 và cho đến thời điểm này, số bệnh nhân mắc sởi trong cả nước đã lên tới hơn 7.000 ca, trong đó có 108 ca tử vong (theo báo cáo đến ngày 16/4). Ngay sau cuộc thị sát của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Bệnh viện Nhi Trung ương, ngày 16/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng nhiều chuyên gia dịch tễ tiếp tục đến kiểm tra tình hình bệnh sởi tại bệnh viện này. Tại đây, vấn đề diễn biến dịch bệnh, số ca tử vong, phác đồ điều trị cũng như tình trạng quá tải của một số bệnh viện tuyến đầu đã được lãnh đạo ngành Y tế đề cập. Tuy nhiên, đã đến lúc dịch sởi cần những biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để ứng phó.
Các bé bị biến chứng nặng do sởi đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Ảnh: Thanh niên) |
Tại Bệnh viện Nhi trung ương, nơi được báo cáo có 103 ca tử vong do sởi, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến kiểm tra công tác điều trị, thăm các bệnh nhân mắc sởi đang điều trị tại khoa Truyền nhiễm của bệnh viện này.
Dù trước đó hơn một tuần, tại cuộc họp trực tuyến của ngành, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, sởi đã qua thời kỳ đỉnh dịch và số ca mắc/tuần đang giảm dần. Tuy nhiên, những ngày gần đây, Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 20 trẻ mắc sởi/ngày. Ngày cao điểm nhất có đến gần 30 trẻ nhập viện, trong đó có những cháu đã biến chứng nặng, ngừng tuần hoàn, phải thở bằng máy.
Ghi nhận của PV vào sáng 16/4 cho thấy, khu vực tầng 2 dành cho bệnh nhi nội trú khoa Truyền nhiễm đều trong tình trạng quá tải. Điều dễ nhận thấy là dù đã tăng thêm khá nhiều giường bệnh cho bệnh nhi mắc sởi, nhưng hầu hết các giường đều có tới 4 bệnh nhi. Tình trạng lây nhiễm chéo, đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám và điều trị các bệnh khác nhưng bị lây bệnh sởi khá trầm trọng.
Tại các phòng bệnh có bệnh nhi sởi nặng phải thở máy, khuôn mặt phụ huynh thất thần vì ngày dài lo âu, vì những đêm trắng sinh – tử bên giường bệnh con mình. Bệnh sởi năm nay đã trở thành cơn ác mộng của không ít gia đình. Sau khi thị sát, thăm hỏi các gia đình có con mắc sởi nặng, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định: “Ngoài miền Bắc này họ chỉ về Bệnh viện Nhi vì họ tin tưởng vào bệnh viện. Thế nhưng khi người dồn lên đây, một là nặng thì tử vong, hai là quá tải, quá tải thì không ở đâu chất lượng được. Thứ hai là dễ bị nhiễm trùng bệnh viện. Điều cơ bản nhất hiện nay là bệnh sởi nhẹ nên khám chữa bệnh ở tuyến ban đầu”.
Với diễn tiến nhanh và nguy hiểm của sởi, rất nhiều ông bố, bà mẹ không đành lòng cho con điều trị tại bệnh viện tuyến dưới. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng thừa nhận, rất nhiều bệnh viện các tỉnh có trẻ mắc sởi nhưng không có bệnh nhân, trong khi Bệnh viện Nhi Trung ương, khoa Nhi- Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Saint Paul lại quá tải bệnh nhi sởi.
Tương tự, Bệnh viện các bệnh nhiệt đới Trung ương cũng đang có hơn 300 ca mắc sởi, trong đó có 90% là bệnh nhân lớn tuổi. Ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện các bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, với bệnh nhi mắc sởi, biến chứng cơ bản là nhiễm trùng, bội nhiễm đường hô hấp. Còn với người lớn, biến chứng cơ bản là não viêm, nhưng rất may là chưa có ca tử vong nào ở người lớn mắc sởi.
Đáng chú ý, theo ông Nguyễn Văn Kính, cách đây 2 ngày, ngành Y tế đã bổ sung phác đồ điều trị cho trẻ mắc sởi. Theo đó, Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế đã thống nhất sử dụng phác đồ năm 2009-2010 nhưng bổ sung thêm cách sử dụng gamma globulin là một loại thuốc tăng cường miễn dịch để tăng cường sức đề kháng của cơ thể. “Với hai loại thuốc này, việc sử dụng tiêm bắp hay tiêm tĩnh mạch cho bệnh nhân sẽ phụ thuộc vào mức độ nặng – nhẹ của ca bệnh. Ngoài ra, các cơ sở y tế cần có sự kết hợp điều trị để phát hiện sớm biến chứng hô hấp, viêm não để giảm bớt số tử vong” – ông Kính cho biết thêm.
Về vấn đề có hay không việc ngành Y tế giấu diếm, không công bố dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, ngành Y tế không giấu dịch, bởi nếu giấu dịch thì đã không công bố 108 ca tử vong. Theo đó, 108 ca tử vong thì có 25 ca tử vong hoàn toàn do sởi, còn các trường hợp khác là tử vong do mắc bệnh khác rồi nhiễm sởi hoặc bị sởi nhẹ nhưng trên cơ địa trẻ bị các bệnh khác như suy dinh dưỡng, tim bẩm sinh, bệnh chuyển hóa...
Tại cuộc thị sát, ngoài nhắc đến việc tiêm vaccine, vệ sinh phòng dịch, người đứng đầu ngành Y tế cho rằng, để giảm các ca tử vong, các ca bệnh nặng do sởi, một trong những giải pháp của ngành Y tế là tăng cường vai trò của các bệnh viện vệ tinh để giảm tải bệnh viện.
“Các bệnh viện vệ tinh họ nói rằng, người bệnh không vào đấy, vào đấy dứt khoát đòi lên trên này, giữ lại cũng không được. Lên trên này cũng không từ chối được, họ bảo nếu về con họ chết, họ sẽ kiện. Vì vậy, điều cần tuyên truyền như Bệnh viện Saint Paul là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhi, vì vậy việc vào Saint Paul cũng giống vào Bệnh viện Nhi này” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.
Sau cuộc thị sát của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã cho thấy, dịch sởi năm nay đã và đang có nhiều diễn biến bất thường, đáng lo và cần đặc biệt lưu tâm. Và với những diễn biến đó, khó có ông bố, bà mẹ nào yên tâm để con em mình điều trị tại các bệnh viện tuyến dưới vốn còn thiếu thốn trang thiết bị máy móc cũng như y bác sỹ giỏi. Con số 108 bệnh nhi tử vong do sởi có thể sẽ không dừng lại nếu ngành Y tế chỉ kêu gọi bệnh nhân sởi hạn chế đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong mùa dịch. Đã đến lúc, cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, bởi câu chuyện phòng chống dịch sởi năm nay rõ ràng không chỉ trông chờ vào việc tiêm vét vaccine, tuân thủ vệ sinh thân thể hay giảm tải bệnh viện./