Du lịch xứ Thanh: Đánh thức tiềm năng
(VOV) - Quan trọng nhất là giải các bài toán về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực du lịch và xây dựng hình ảnh.
Hòa quyện lịch sử và thiên nhiên
Ông Vương Văn Việt |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt chia sẻ, Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi khởi phát của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam. Thanh Hoá được biết đến với nhiều danh lam thắng cảnh hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.
Nói đến du lịch Thanh Hoá, nhiều người đều biết đến Sầm Sơn - nơi tắm biển lý tưởng mà người Pháp đã biết khai thác cách đây 100 năm và nhanh chóng trở thành nơi nghỉ mát nổi tiếng. Tuy nhiên, bờ biển dài trên 100km còn cho phép Thanh Hoá đầu tư phát triển thêm nhiều khu du lịch biển hấp dẫn khác, như khu du lịch nghỉ mát Nam Sầm Sơn, khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hoá), Hải Hoà (huyện Tĩnh Gia)...
Không chỉ có du lịch biển, nếu đi về phía Bắc của Thanh Hoá, du khách sẽ đến với huyện Nga Sơn, nơi có động Từ Thức với rất nhiều điều kỳ thú do thiên nhiên tạo ra, theo truyền thuyết đây là nơi Từ Thức gặp Tiên. Ngược về phía Tây Nam, đến huyện Như Thanh có vườn quốc gia Bến En- nơi phong cảnh núi, hồ thơ mộng, cùng những cây cổ thụ và nhiều loài động vật quý hiếm. Cách thành phố Thanh Hoá 80km về phía Tây, ở huyện Cẩm Thuỷ có “suối cá thần” Cẩm Lương đẹp như tranh vẽ, đồng thời du khách có dịp tìm hiểu rõ hơn về những nét đẹp văn hoá, phong tục tập quán mang đậm dấu ấn người Mường nơi đây...
Đối với những du khách say mê lịch sử, theo ông Vương Văn Việt, không thể bỏ qua di tích Thành Nhà Hồ với những kiến trúc độc đáo, đặc sắc được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới; đền thờ Lê Hoàn; khu di tích lịch sử Lam Kinh; Khu Lăng miếu Triệu Tường ở làng Gia Miêu, xã Hà Long, Hà Trung là di tích khảo cổ cấp quốc gia; phủ Chúa Trịnh; khu di tích lịch sử đền Bà Triệu; Hàm Rồng... Ngoài ra, Thanh Hoá còn có những di sản văn hoá bao gồm các trò chơi dân gian, các làn điệu xứ Thanh, các lễ hội và nhiều hoạt động văn hoá khác...
Ông Vương Văn Việt tin tưởng, với những danh thắng được thiên nhiên ban tặng, lại ở vị trí cửa ngõ nối liền Bắc Bộ với Trung Bộ và Nam Bộ, cách Thủ đô Hà Nội chỉ hơn 100 km, nằm trên huyết mạch giao thông lớn, có các tuyến Quốc lộ chạy qua như: Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc Nam, chắc chắn Thanh Hoá sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước nếu được đầu tư xứng tầm.
Điểm đến hấp dẫn- tại sao không?
Tuy nhiên, ông Vương Văn Việt cũng thừa nhận, những kết quả mà ngành du lịch Thanh Hoá đã đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có. Tốc độ phát triển còn chậm, cơ sở hạ tầng du lịch chưa đồng bộ; chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch và khai thác tài nguyên du lịch còn nhiều bất cập; chất lượng dịch vụ còn thấp, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, tính cạnh tranh chưa cao; đầu tư cho du lịch chưa thoả đáng;…
Để du lịch ngày càng phát triển, theo ông Vương Văn Việt, Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch, trong đó tập trung giới thiệu về tiềm năng du lịch của tỉnh đến với du khách. Đồng thời, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự giác bảo vệ cảnh quan, môi trường du lịch; xây dựng phong cách ứng xử văn minh, lịch sự, thân thiện, mến khách không chỉ đối với những người trực tiếp làm du lịch, mà còn đối với cả cộng đồng dân cư. Đặc biệt, công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch phải xác định phù hợp với quá trình hội nhập và phát triển.
“Chúng tôi kiên quyết xoá bỏ và xử lý nghiêm những hành vi trộm cắp, gây mất trật tự an ninh; bắt chẹt, chèo kéo khách, nạn cò mời chào, bán các dịch vụ kém chất lượng làm mất đi hình ảnh đẹp của du lịch Thanh Hoá trong lòng du khách”, ông Việt khẳng định.
Ông Vương Văn Việt cũng nhấn mạnh: “Về xây dựng văn hóa du lịch, trước hết Thanh Hóa đặt trọng tâm với Sầm Sơn. Chúng tôi quyết tâm Sầm Sơn phải có chuyển biến, khởi sắc và thật sự là hình ảnh đẹp trong lòng du khách”.
Về chiến lược phát triển du lịch Thanh Hóa, Phó Chủ tịch Vương Văn Việt cũng cho biết, Thanh Hóa sẽ quan tâm đầu tư, bảo tồn, tôn tạo những khu vực trọng điểm phục vụ khách tham quan như: Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, Khu lịch sử Lam Kinh, suối cá thần Cẩm Lương. Những điểm này sẽ phải được nghiên cứu để hình thành nên các tour du lịch, như: Sầm Sơn- Thanh Nhà Hồ- Suối Cá; Sầm Sơn- Thành Nhà Hồ- Lam Kinh…
Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ sẽ là điểm nhấn du lịch của xứ Thanh trong tương lai |
Ngoài ra, với thế mạnh vốn có là du lịch biển, Thanh Hóa cũng đang và sẽ quan tâm đầu tư, thu hút đầu tư. Quan trọng hơn, ông Vương Văn Việt cho rằng phải nắm bắt được nhu cầu và có sự đầu tư thích đáng theo một lộ trình cụ thể thì sự phát triển mới đúng trọng tâm.
Đơn cử như du lịch nghỉ mát ở Tĩnh Gia- huyện thuộc vùng Nam Thanh- Bắc Nghệ, nơi đang được đầu tư các dự án phát triển kinh tế lớn như Khu kinh tế Nghi Sơn. Theo ông Vương Văn Việt, trên cơ sở đó phải nghĩ ngay đến câu chuyện đầu tư nhà nghỉ, khách sạn, vui chơi giải trí như thế nào để cho không chỉ du khách mà trước hết là phục vụ cho các nhà đầu tư, làm ăn tại Thanh Hóa, tại Nghi Sơn. Đây là một trong những điểm nhấn giúp cho Tĩnh Gia nói riêng, toàn bộ vùng đó có sự khởi sắc và là một giải pháp để giúp cho một số những vùng khó khăn nhanh chóng thoát nghèo bền vững.
Tuy nhiên, để hướng đến những mục tiêu đó, ngay từ bây giờ, Thanh Hóa còn rất nhiều việc phải làm, mà quan trọng nhất là giải các bài toán về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực du lịch và xây dựng hình ảnh là một điểm đến hấp dẫn. “Tiềm năng là như thế, nhưng thực tế khai thác tiềm năng đến thời điểm này chưa tương xứng, chúng tôi chưa bằng lòng. Với sự quan tâm đầu tư, hy vọng, trong tương lai gần, Thanh Hóa sẽ trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước”- ông Vương Văn Việt nói./.