Thái Lan thiếu lao động trầm trọng khi khách Trung Quốc đông
VOV.VN - Tình trạng thiếu lao động trầm trọng ở các điểm du lịch lớn đang cản trở sự phục hồi của Thái Lan, khi thị trường lớn nhất là Trung Quốc đã mở lại và sẽ kéo theo lượng khách rất lớn.
Dữ liệu từ Bộ Lao động Thái Lan cho thấy Phuket là nơi khủng hoảng lao động nghiêm trọng nhất. Điểm nghỉ mát nổi tiếng này còn thiếu tới 17.000 vị trí việc làm trong ngành du lịch, nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác ở Thái Lan. Chiang Mai ở phía Bắc Thái Lan thiếu khoảng 9.000 lao động, còn Chonburi thiếu 3.000 vị trí.
Krisda Tansakul, cố vấn của Hiệp hội Khách sạn Thái Lan cho biết: “Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi lượng khách đến càng nhiều và chúng tôi không có lực lượng lao động đủ lớn để phục vụ họ. Chúng tôi rất cần thêm nhân công, từ nhân viên phục vụ bàn, nhân viên thu ngân cho đến quản lý khách sạn".
Cơ quan Du lịch Thái Lan dự kiến lượng khách quốc tế đến nước này sẽ đạt 25 triệu vào năm 2023. Tuy nhiên, Hội đồng Du lịch Thái Lan (TCT) đưa ra dự báo lạc quan hơn, là 30 triệu khách quốc tế. Tuy nhiên Chủ tịch TCT - ông Chamnan Srisawat tỏ ra thận trọng nếu khủng hoảng lao động không được giải quyết: “Nếu vấn đề này kéo dài, chúng tôi có thể không đáp ứng được nhu cầu của 25 - 30 triệu khách đến Thái Lan. Điều này có nghĩa chúng tôi sẽ bỏ lỡ các mục tiêu".
Nhưng ngay cả khi ngành du lịch Thái Lan tìm được đủ công nhân, lợi nhuận sẽ bị giảm đi so với tính toán vì chi phí tăng lên. "Các khách sạn cần phải trả hóa đơn tiền điện cao hơn và tìm thêm nhân lực, dẫn đến chi phí lao động cao hơn. Ngay cả tài xế xe buýt của chúng tôi cũng phải trả giá nhiên liệu cao hơn", ông Ekkasit Ngamphichet - Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh và Du lịch Pattaya cho biết.
Vào năm 2019 trước khi dịch Covid-19 ập đến, có khoảng 7,7 triệu lao động làm việc trong ngành du lịch tại Thái Lan. Đại dịch đã ảnh hưởng đến 3,9 triệu trong số này. Khoảng 60% số người nghỉ việc trở về quê làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. 20% tìm kiếm công việc mới ở lĩnh vực khác, trong khi 20% còn lại bắt đầu kinh doanh riêng.
"Những người tìm được công việc mới với thu nhập cao hơn, và nhất là những người bắt đầu kinh doanh riêng, đã cảm thấy an toàn hơn nhiều sau khi chuyển nghề và rất có thể sẽ không quay lại công việc liên quan đến du lịch nữa", Chủ tịch văn phòng TCT tại tỉnh Nakhonratchasima - bà Vacharee Prashyanusorn cho biết.
Quản lý khách sạn là những người đang "đau đầu" nhất, vì họ cần cấp tốc tuyển nhân viên để đáp ứng hàng triệu du khách Trung Quốc sắp đến. "Các chuỗi khách sạn lớn đang bổ sung lực lượng lao động bằng cách đưa ra mức lương cao hơn, còn các khách sạn vừa và nhỏ vẫn gặp vấn đề về thanh khoản, khiến họ khó chi tiêu hơn để thu hút nhân viên mới", ông Chamnan Srisawat nêu thực trạng.
Trong bối cảnh đó, phía TCT phải làm việc với các cơ sở giáo dục trên khắp Thái Lan để tìm kiếm những lao động sẵn sàng lấp đầy các vị trí còn trống. TCT còn sử dụng cả thực tập sinh từ các trường đào tạo về quản trị du lịch và khách sạn. Ngoài ra các khách sạn vừa và nhỏ ở Thái Lan còn được tiếp cận gói vay trị giá 5 tỷ baht từ chính phủ để giải quyết các vấn đề thanh khoản.
“Đó là giải pháp đôi bên cùng có lợi, vì các sinh viên sẽ làm công việc đúng như họ đang học, còn các nhà tuyển dụng có đội ngũ lao động vào đúng thời điểm. Với sự giúp đỡ của ngân hàng, chúng tôi hy vọng ngành du lịch sẽ quay trở lại mức trước khi có COVID-19 vào cuối năm nay”, ông Chamnan Srisawat nói./.