Xu hướng, cơ cấu khách quốc tế đến Đà Nẵng có sự dịch chuyển
VOV.VN - Đang có xu hướng dịch chuyển của một số thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống của TP Đà Nẵng sang các điểm đến mới. Cơ cấu, tỷ lệ khách quốc tế đến Đà Nẵng cũng thay đổi so với trước đây. Lượng khách quốc tế truyền thống của Đà Nẵng như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản đều giảm, trong khi một số thị trường khách mới như: Đài Loan, Ấn Độ đều tăng.
9 tháng năm nay, tổng khách lưu trú tại thành phố Đà Nẵng ước đạt 8,67 triệu lượt, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái, bằng 163% cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 3,17 triệu lượt, tăng 30% cùng kỳ năm ngoái và bằng 134% so cùng kỳ năm 2019.
Theo đánh giá của Ngành Du lịch thành phố Đà Nẵng, cơ cấu khách quốc tế đến Đà Nẵng so với thời điểm năm 2019 có sư thay đổi. Tỷ lệ khách truyền thống như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản đến Đà Nẵng đều giảm, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc giảm 8,5%, Trung Quốc giảm 13,6%.
Trong khi đó, một số thị trường mới tăng mạnh, như Đài Loan tăng 8,1%; Ấn Độ tăng 4,2%, Ô-xtrây-li-a tăng 1,1%, Nga tăng 1,4%... Thực tế này phản ánh xu hướng dịch chuyển của một số thị trường khách truyền thống sang các điểm đến mới.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng phân tích: Khách quốc tế tiếp cận điểm đến có sự thay đổi. Trước năm 2019, mỗi ngày, bình quân có 80 chuyến bay quốc tế đến Đà Nẵng, nhưng năm 2024, bình quân mỗi ngày chỉ còn 50 chuyến bay quốc tế đến, giảm 30 chuyến, nhưng lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng vẫn tăng. Điều này, khẳng định khách quốc tế đến Đà Nẵng từ các chuyến bay nội địa, đường biển, tàu lửa... Sau khi đến Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh trên các chuyến bay quốc tế, họ đến Đà Nẵng từ các chuyến bay nội địa.
Ông Cao Trí Dũng đơn cử, hiện nay, chưa có chuyến bay trực tiếp từ Ấn Độ đến Đà Nẵng nhưng cứ 2 khách Ấn Độ đến Việt Nam thì có một người đến Đà Nẵng. Nhiều chuyến bay nội địa từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đến Đà Nẵng nhưng có đến một nửa là khách quốc tế. Điều này khẳng định, xu hướng khách Châu Âu, Mỹ, Ấn Độ đến Đà Nẵng bằng các đường bay nội địa đang tăng cao.
Ông Cao Trí Dũng cho rằng, xu hướng khách thay đổi, ngành du lịch cũng cần thay đổi hướng tiếp cận: “Tôi nghỉ phải đánh giá cái này, tập trung khai thác khách quốc tế trên các đường bay nội địa đến với Đà Nẵng. Như vậy, hướng tiếp cận đó cực kỳ là cơ bản và nguồn lực thu hút được, một phần là nhờ các dự án sản phẩm lớn và rất lớn của Đà Nẵng. Hiện nay, có 10 khách đến Đà Nẵng thì có 6 khách đi Bà Nà, trong 6 khách đến Bà Nà thì có 5 khách xem Cầu Vàng. Cho nên, thành phố phải tiếp tục đầu tư những dự án, sản phẩm du lịch tương tự để làm mới thu hút khách. Cộng đồng doanh nghiệp rất mong chờ có các dự án, sản phẩm lớn tương tự.”
Đường bay và chuyến bay quốc tế từ các nước đến Đà Nẵng giảm so với năm 2019, thế nhưng lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng tiếp tục tăng. Trong bối cảnh xu hướng và cơ cấu khách quốc tế đến Đà Nẵng thay đổi, ngành du lịch tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến mở đường bay quốc tế đến Đà Nẵng từ các thị trường tiềm năng, đang có xu hướng tăng như Ấn Độ, Đài Loan…
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty TNHH du lịch Duy Nhất Indochine cho rằng, sắp đến sẽ khai trương đường bay thẳng Ahmedabad (Ấn Độ)- Đà Nẵng, là tín hiệu rất tốt để khai thác thị trường khách tại nước đông dân nhất thế giới này, bù đắp nguồn khách cho những thị trường truyền thống bị sụt giảm.
Từ sau dịch Covid-19, thành phố đã tổ chức xúc tiến du lịch tại Ấn Độ và rất thành công, nhưng năm nay không có trong kế hoạch xúc tiến. Theo ông Nguyễn Sơn Thủy, nếu tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thị trường khách Ấn Độ, công đồng doanh nghiệp sẽ tham gia rất nhiều.
Thành phố Đà Nẵng phấn đấu năm 2025, tổng lượt khách lưu trú ước đạt hơn 10,5 triệu lượt, tăng 6% so với năm 2024. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 4,3 triệu lượt, tăng 11%, khách nội địa ước đạt hơn 6,2 triệu lượt. Để đạt được con số này, ngành Du lịch thành phố Đà Nẵng tiếp tục đột phá về xúc tiến mở rộng thị trường, đường bay, kích cầu du lịch.
Ngành du lịch thành phố chủ động đa dạng hóa thị trường khách quốc tế, nỗ lực xúc tiến, tìm kiếm mở rộng thị trường, khôi phục phát triển các đường bay quốc tế trực tiếp, tăng cường tổ chức lễ hội sự kiện thu hút khách và công tác truyền thông – quảng bá điểm đến Đà Nẵng. Thu hút phân khúc khách du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa bản địa, khách MICE, golf, du lịch cưới. Xúc tiến đường bay Qatar, Úc, Osaka (Nhật Bản), tăng thêm đường bay mới từ Ấn Độ.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố xem xét giảm 50% giá vé tham quan các địa điểm thuộc quản lý của UBND thành phố như Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ Thuật, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn dành cho các nhóm khách đi trên các đường bay quốc tế mới đến Đà Nẵng. Thời gian áp dụng 3 tháng, tính từ ngày đường bay mới được khai thác.
"Năm 2025, chúng tôi xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để triển khai 3 khâu đột phá thúc đẩy phát triển du lịch thành phố, gồm đột phá về sản phẩm du lịch, đột phá về thị trường đường bay và đột phá về chất lượng dịch vụ. Chúng tôi sẽ chú trọng vào phân khúc khách có khả năng chi tiêu cao để góp phần gia tăng doanh thu và hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp", bà Hạnh nói.