"Phù phép" đất đồi thành đất vàng tại Đắk Nông: Sai phạm tràn lan, xử lý nửa vời

Đắk Nông làm gì để ngăn chặn "phù phép" đất đồi thành đất vàng

VOV.VN - Như VOV đã đề cập, tình trạng “sốt đất” tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Nông nói riêng từ cuối năm ngoái đến nay vẫn chưa hạ nhiệt. Trong bối cảnh đó, hàng loạt những quả đồi, ngọn núi đã và đang bị băm vằm để lấy mặt bằng phục vụ nhu cầu buôn bán, sang nhượng.

Trong cơn sốt đất chưa từng có, giá đất ở xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông đang cao ngất ngưởng và kéo theo đó, nhiều quả đồi trên các trục đường chính, đường nhánh đang bị san ủi trái phép để phục vụ hoạt động buôn bán bất động sản. Ông Phạm Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Cơ cho biết, hầu hết các trường hợp được phát hiện nhưng nhiều trường hợp xã đành bất lực trong khâu xử lý vi phạm. Điển hình là vi phạm san lấp đồi núi tại khu vực cầu Đắk Tih, cạnh Quốc lộ 14, xã đã nhiều lần lập biên bản xử lý nhưng chưa thể ngăn chặn triệt để. Ông Quân nhận định có sự lách luật, biến tướng trong hoạt động san lấp mặt bằng và kinh doanh bất động sản khiến cho chính quyền địa phương gặp khó trong khâu xử lý và ngăn chặn vi phạm.

“Phòng Tư pháp, Phòng Tài nguyên Môi trường cũng xuống phối hợp. Người san lấp thì không phải chủ đất. Xử lý thì phải xử lý người chính chủ đất, nhưng liên hệ ông chính chủ đất thì không liên hệ được, ông ấy ở Sài Gòn không chịu lên. Mà người ta cứ biến tướng theo kiểu vậy, khi xử lý rất khó vì có người tư vấn, họ lách luật. Chính quyền cũng lập biên đình chỉ nhưng không thể ngày nào cũng có cán bộ ở dưới đó túc trực” - ông Quân nói.

Ông Lê Văn Hoàng, Phó chủ tịch UBND huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông cho biết, có một số khó khăn và bất cập trong khâu xử lý vi phạm đối với hoạt động san đồi, bạt núi trái phép. Thứ nhất là mức phạt hiện nay đang còn rất thấp, theo Nghị định 91 năm 2019 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với hành vi huỷ hoại đất thì mức phạt tối đa ở cấp xã là 5 triệu đồng và ở cấp huyện chỉ là 50 triệu đồng. Trong khi đó, giá trị các thửa đất sau khi san lấp có thể đến hàng tỷ đồng, người vi phạm sẵn sàng vi phạm và nộp phạt.

Đồng thời, quy định về khắc phục hậu quả là “khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm” đối với vi phạm san đồi, bạt núi là gần như không thể. Vấn đề này cần được nghiên cứu, sửa đổi để luật pháp áp dụng vào thực tiễn có hiệu quả, có tính răn đe.

“Đồi núi bây giờ san lấp rồi mà khôi phục lại tình trạng ban đầu thì rất là khó. Hiện nay Chính phủ đang xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Đất đai, về phía địa phương cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền để mà có giải pháp sửa đổi như thế nào đó cho phù hợp và đi vào thực tiễn” - ông Hoàng nêu ý kiến.

Cùng với những khó khăn, vướng mắc về mặt quy định, luật pháp xử lý vi phạm, ông Đỗ Tấn Sương, Chủ tịch UBND Thành phố Gia Nghĩa cho rằng, tình trạng san lấp mặt bằng trái phép sẽ còn phức tạp khi mà sốt đất chưa đạt đỉnh. Ông Sương phân tích, Gia Nghĩa mới lên thành phố được 2 năm, giá đất ở thành phố hiện nay đã tăng so với trước khá nhiều nhưng vẫn chưa phải là cao. Người dân hiện vẫn bán đất sào, bán đất ha ở vùng ven và bán mét ngang mặt tiền ở vùng trung tâm chứ chưa bán m2 như ở các thành phố lớn.

Khi bất động sản ở thành phố còn tăng, còn thu hút các nhà đầu tư thì hoạt động phân lô, tách thửa, san lấp mặt bằng sẽ tiếp tục tăng. Trong khi nhu cầu xây dựng của người dân là có thật, nhưng việc quy hoạch hiện nay chưa đáp ứng được thực tiễn với quy hoạch chi tiết chỉ đạt 6.000/27.000ha và tập trung chủ yếu vùng trung tâm thành phố.

“Qua mùa dịch thì nhiều người dân ở Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai cũng muốn lên mua 5-7 sào, một ha, cũng muốn nhà vườn, nhà rẫy. Nhưng khó khăn nhất của mình hiện nay là chưa xử lý kịp nhu cầu nhà vườn, nhà rẫy đó. Vì đất đó, đang đất nông nghiệp, thành phố mình chưa quy hoạch được hết, chưa theo kịp thực tế, muốn làm được thì phải có quy hoạch chi tiết” - ông Sương nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tú, tân chủ tịch UBND huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông cho rằng, để xảy ra tình trạng san đồi, bạt núi, san lấp mặt bằng trái phép có trách nhiệm rất lớn của chính quyền cơ sở và huyện đang tập trung chấn chỉnh chính đội ngũ này.

“Ngoài vấn đề xử lý đối với người vi phạm thì phải xem xét trách nhiệm ở dưới cấp xã, phường, thị trấn, phải xem lại công tác quản lý đã tốt chưa. Nếu như vi phạm xảy ra nhiều, thì phải xem trách nhiệm của các ông cán bộ ở đó, nhất là đồng chí địa chính và kể cả lãnh đạo xã” - ông Tú cho biết.

Ông Lê Trọng Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định, hoạt động san đồi, bạt núi, san lấp mặt bằng trái phép trên địa bàn thời gian qua là đáng báo động, có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm ở một số khu vực, vị trí sai phạm. Hoạt động kinh doanh bất động sản, phân lô, tách thửa ở một số nơi còn thiếu minh bạch, chưa lành mạnh, một phần là do các quy định của luật pháp cũng như quy định của địa phương chưa chặt chẽ. Điều này dẫn tới hệ luỵ là nhà nước thất thu thuế, quy hoạch bị phá vỡ và thị trường bất động sản bất ổn.

Để chấn chỉnh, Ban cán sự Đảng của UBND tỉnh đang chỉ đạo xây dựng nghị quyết về thực thi công vụ từ lãnh đạo tỉnh cho tới tận cấp xã, phường, tổ dân phố. Đối với những địa bàn nóng về vi phạm người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, UBND tỉnh Đắk Nông cũng đang chỉ đạo các sở ngành tham mưu để UBND tỉnh ra văn bản chấn chỉnh các họat động liên quan đến kinh doanh bất động sản, phân lô, tách thửa.

“Gần đây Chính phủ cũng đã ban hành quy định về hoạt động bất động sản, việc này UBND tỉnh đã giao cho Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì với Sở Xây dựng, với các địa phương, sẽ tham mưu UBND tỉnh để chấn chỉnh trong việc kinh doanh bất động sản phải hợp pháp. Thứ hai, là công tác quản lý đất đai về tách thửa và xây dựng. Phải có những quy định để địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát. Vấn đề thứ 3 là phải đánh giá có còn kẽ hở gì trong Quyết định 22 năm 2021 UBND tỉnh ban hành để triệt tiêu triệt để trong việc xây dựng kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch sử dụng đất, tránh tạo ra lợi ích nhóm, phân thửa nhỏ không đúng quy hoạch đã được phê duyệt” - ông Yên cho biết.

Từ cuối năm 2021 đến nay, việc sốt đất ở Đắk Nông cùng với tác dụng tích cực là thúc đẩy thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương thì cũng đã kéo theo nhiều hệ luỵ và nhiều đối tượng lợi dụng để trục lợi, rõ nhất là hoạt động san đồi, bạt núi trái phép. Hoạt động diễn ra một cách rầm rộ, phá vỡ quy hoạch, cảnh quan cũng như phá vỡ kết cấu tự nhiên của địa hình, tiềm ẩn nguy cơ khi có thiên tai, lũ lụt.

Sự ngang nhiên, bất chấp của nhiều đối tượng vi phạm cho thấy cùng với sự yếu kém, buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền địa phương cũng còn có những lổ hổng về luật pháp, chế tài xử lý vi phạm và công tác điều hành, quản lý cán bộ ở địa phương. Nhiều nơi có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm, cần thiết phải có sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của các cấp chính quyền tỉnh Đắk Nông./.

Cùng loạt bài:

Đắk Nông rầm rộ san đồi, bạt núi trái phép

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mua đám đất hoang giữa cơn sốt, người đổi đời, kẻ trắng tay
Mua đám đất hoang giữa cơn sốt, người đổi đời, kẻ trắng tay

VOV.VN - Mua 10 sào đất trồng cây lâu năm tại Ba Vì, Hà Nội, không ngờ gia đình tôi nhiều năm nay phải đi ở thuê, vợ chồng lục đục, cãi vã nhau thường xuyên vì đất.

Mua đám đất hoang giữa cơn sốt, người đổi đời, kẻ trắng tay

Mua đám đất hoang giữa cơn sốt, người đổi đời, kẻ trắng tay

VOV.VN - Mua 10 sào đất trồng cây lâu năm tại Ba Vì, Hà Nội, không ngờ gia đình tôi nhiều năm nay phải đi ở thuê, vợ chồng lục đục, cãi vã nhau thường xuyên vì đất.

Gần 100 hộ dân ở Long Biên, Hà Nội phản đối việc lấp hồ, phân lô bán đất
Gần 100 hộ dân ở Long Biên, Hà Nội phản đối việc lấp hồ, phân lô bán đất

VOV.VN - Gần 100 hộ dân ở tổ 11 và 12 phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, thành phố Hà Nội đã “đội đơn” kiến nghị các cấp chính quyền không triển khai lấp 1,2 ha mặt hồ tự nhiên làm đất ở.

Gần 100 hộ dân ở Long Biên, Hà Nội phản đối việc lấp hồ, phân lô bán đất

Gần 100 hộ dân ở Long Biên, Hà Nội phản đối việc lấp hồ, phân lô bán đất

VOV.VN - Gần 100 hộ dân ở tổ 11 và 12 phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, thành phố Hà Nội đã “đội đơn” kiến nghị các cấp chính quyền không triển khai lấp 1,2 ha mặt hồ tự nhiên làm đất ở.

Cảnh báo tình trạng chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở tại Đà Nẵng
Cảnh báo tình trạng chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở tại Đà Nẵng

VOV.VN - Một số đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân về quy định pháp luật, để tung tin và nhận làm hồ sơ chuyển mục đích đất nông nghiệp nhằm thu lợi cá nhân.

Cảnh báo tình trạng chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở tại Đà Nẵng

Cảnh báo tình trạng chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất ở tại Đà Nẵng

VOV.VN - Một số đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân về quy định pháp luật, để tung tin và nhận làm hồ sơ chuyển mục đích đất nông nghiệp nhằm thu lợi cá nhân.