Bộ Công Thương: Cần xem xét kĩ mô hình Taxi Uber
VOV.VN -Quan điểm của Bộ Công Thương là cần có sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành đối với hoạt động của Uber tại Việt Nam.
Bộ Công Thương mới có báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về hoạt động của Uber tại Việt Nam. Bộ này cho rằng, dù xếp Uber vào loại hình đơn vị vận tải hay đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thì Uber vẫn là một mô hình tổ chức hoạt động kinh doanh mới, dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố mới chưa được quy định và kiểm soát đầy đủ bởi các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, trong trường hợp Công ty Uber không phải là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, không trực tiếp có hợp đồng với các lái xe và vận hành mạng lưới xe, chỉ cung cấp giải pháp công nghệ nên Uber phải tuân thủ các quy định về hoạt động kinh doanh, thương mại và thương mại điện tử của Chính phủ.
Trong trường hợp Uber trực tiếp tổ chức hoạt động kinh doanh và vận hành mạng lưới xe thì Uber là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách. Do đó, Công ty Uber cũng phải tuân thủ các quy định trong Nghị định của Chính phủ về kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô. Bộ GTVT cần có các quy định mới về điều kiện kinh doanh vận tải và cách thức quản lý phù hợp.
Uber là mô hình tổ chức hoạt động kinh doanh mới. (Ảnh: KT)
Một vấn đề lớn khác cũng được Bộ Công Thương chỉ rõ là việc Uber áp dụng phương thức thanh toán qua thẻ mà không cần chữ ký xác nhận của chủ thẻ khi ghi nhận giao dịch thanh toán sẽ tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho người tiêu dùng.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần có quy định về những giao dịch thanh toán thẻ không cần xác nhận như trên; đồng thời có biện pháp quản lý theo dõi luồng tiền trong trường hợp đơn vị cung cấp dịch vụ không hiện diện tại Việt Nam nhưng vẫn thu tiền khách hàng qua thẻ thanh toán quốc tế.
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng, với mô hình hiện nay, Uber đang hoạt động như doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử trên nền tảng thiết bị di động. Trong khi hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về hoạt động này vì thế chưa có cơ chế cũng như công cụ để quản lý ứng dụng Uber và các ứng dụng tương tự.
Trước những vướng mắc trên, Bộ Công Thương cho rằng, để quản lý một cách toàn diện và hiệu quả hoạt động của Uber và các mô hình kinh doanh tương tự đòi hỏi một tư duy quản lý mới và sự phối hợp của các Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương./.