Bộ Tài chính: Sẽ thanh tra, kiểm tra việc giảm giá cước vận tải
VOV.VN -Bất chấp xu hướng giảm giá của xăng dầu, nhiều doanh nghiệp vận tải, taxi vẫn chưa giảm giá hoặc giảm giá nhỏ giọt.
Giá xăng liên tục giảm 9 lần trong thời gian qua, xuống mức 21.390 đồng/lít, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Bất chấp xu hướng giảm giá của xăng dầu, nhiều doanh nghiệp vận tải, taxi vẫn chưa giảm giá hoặc giảm giá nhỏ giọt.
Mới đây, Bộ Tài chính gửi văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương chỉ đạo doanh nghiệp vận tải tính toán giá thành, kê khai lại giá cước phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu. Bộ Tài chính khẳng định sẽ thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính xung quanh vấn đề này.
PV: Thưa ông, giá xăng dầu trong nước liên tục giảm, trong đó riêng giá xăng giảm 9 lần xuống mức thấp trong nhiều năm trở lại đây, điều này có tác động như thế nào đến giá hàng hóa, đặc biệt là giá cước vận tải?
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trong thời gian vừa qua, liên bộ Tài chính – Công Thương chỉ đạo các công ty xăng dầu đầu mối tiến hành giảm giá đến 9 lần và việc này cũng sẽ tác động đến thị trường, đặc biệt là hàng hóa chịu sự ảnh hưởng của giá xăng dầu, đáng chú ý nhất là giá cước vận tải.
Qua xem xét cơ cấu giá và tính toán thì chúng tôi thấy rằng, tỷ trọng của giá xăng dầu trong cơ cấu giá cước vận tải chiếm 40-45%. Nếu trong cơ cấu giá cố định các chi phí khác mà chỉ tính việc biến động của giá xăng dầu thì đối với mặt hàng xăng giảm 950 đồng vào ngày 7/11 vừa qua sẽ tác động giảm giá cước đối phương tiện đi theo xăng giảm khoảng 400 đồng. Đối với các phương tiện đi theo dầu diezel giảm 520 đồng thì giảm giá cước khoảng 200 đồng.
PV: Thực tế, thời gian qua, khi giá xăng dầu tăng thì ngay lập tức các doanh nghiệp lên phương án tăng giá cước vận tải, nhưng ngược lại, khi giá xăng dầu giảm thì lại chậm trễ, thậm chí không giảm giá cước. Ông có nhận định như thế nao về vấn đề này và phải chăng còn có những khó khăn trong công tác quản lý?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Giá cước vận tải theo quy định Luật giá thì không nằm trong danh mục Nhà nước bình ổn giá mà chỉ thực hiện kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước về giá. Trong thời gian qua, giá xăng dầu trong nước tăng thì các hãng vận tải đã xem xét các yếu tố tăng để kê khai giá tăng. Ngược lại, khi giá xăng dầu giảm thì các hãng vận tải có xu hướng là tính độ trễ. Tuy nhiên về vấn đề thị trường thì cần phải điều tiết cả 2 mặt tăng và giảm. Quan trọng là tính toán sự tác động như thế nào của các yếu tố đầu vào đối với các chi phí để cấu thành lên giá cước vận tải.
PV: Trước thực trạng này, Bộ Tài chính có những động thái như thế nào?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải và các tỉnh, thành phố. Trong đó, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải tính toán lại giá thành, thực hiện lại kê khai giá với các cơ quan chức năng theo biến động giảm của các yếu tố đầu vào.
Mặt khác, chúng tôi đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp nhận việc kê khai giá của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải để xem xét các chi phí đầu vào giảm do giá xăng dầu giảm liên tục 9 lần vừa qua. Chúng tôi cũng chủ động thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra để làm việc với sở tài chính và các cơ quan chức năng trên địa bàn để nắm bắt tình hình, quản lý giá với mặt hàng cước vận tải, tác động đến các mặt hàng sản xuất kinh doanh khác.
Từ đó bình ổn giá với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng…có ảnh hưởng bởi giá cước vận tải. Chúng tôi cũng phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải để nắm bắt tình hình kê khai giá của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và quản lý giá của các cơ quan chức năng địa phương.
PV: Với những doanh nghiệp vận tải còn lừng chừng không giảm giá, thì cơ quan chức năng sẽ có hướng xử lý như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành chức năng thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra tại các địa bàn có ảnh hưởng lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số các tỉnh, thành có thị phần lớn trong kinh doanh vận tải. Nếu doanh nghiệp không thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước thì sẽ có chế tài xử lý cụ thể theo quy định của pháp luật.
PV: Xin cảm ơn ông!./.