Doanh nghiệp bán lẻ sẽ cạnh tranh khốc liệt năm 2014
VOV.VN -Nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài tấn công ồ ạt vào thị trường Việt Nam sẽ tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt.
Con số khoảng 7.000 doanh nghiệp mới thành lập trong những tháng cuối năm 2013 cho thấy dấu hiệu về sự hồi sinh của một trong những động lực chính phát triển nền kinh tế của đất nước. Mặc dù còn không ít khó khăn và thách thức, nhưng nhiều doanh nghiệp tin tưởng rằng, năm 2014 mở ra nhiều cơ hội mới, cùng với đó là sự cộng hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Ngay từ những ngày đầu năm mới, cán bộ, công nhân viên của Công Ty Cổ Phần Công nghiệp Cao Su Miền Nam (Casumina) hối hả bắt tay vào thực hiện những đơn hàng đầu tiên xuất khẩu sang các nước Myanma và Pakistan, với trị giá trên 1 triệu USD mỗi thị trường.
Nhiều cơ hội kinh doanh năm 2014 nhưng cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn |
Ông Phạm Hồng Phú, Tổng Giám đốc Casumina, cho biết, năm qua, xuất khẩu chiếm 30% trên doanh số của công ty. Dự kiến, năm nay xuất khẩu sẽ tăng trưởng 15% và trong tương lai chiếm tới 50%. Nhận định về triển vọng kinh tế trong năm mới, ông Phú cho rằng: “Năm 2014, kinh tế có dấu hiệu khả quan hơn. Các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho bất động sản, rồi lãi vay hạ hơn. Năm 2014 sản xuất kinh doanh khởi sắc hơn, các đầu tư của nhà nước khởi động trở lại thì các doanh nghiệp cũng có cơ hội hơn. Tiền tệ ổn định thì các doanh nghiệp cũng bắt đầu vay vốn trở lại để sản xuất.”
Năm 2014 được dự báo là năm mà các Hiệp định thương mại sẽ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Dự kiến đầu năm nay, các nước thành viên tiếp tục thúc đẩy hướng tới kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong thời gian sớm nhất. Với 12 nước tham gia, chiếm hơn 30% xuất nhập khẩu toàn cầu, Hiệp định sẽ mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, nhất là với những ngành hàng có thế mạnh như nông nghiệp, dệt may, da giày… sang những thị trường lớn.
Ông Nguyễn Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam nói: “Nếu thỏa thuận được vấn đề quy tắc xuất xứ, có thể hy vọng thuế quan hàng hóa đi từ Việt Nam sang các nước TPP giảm dần về 0%. Tận dụng được hiệp định thì cơ hội mở rộng thị phần tại các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản…hết sức lớn đồng thời đem lại cả lợi ích cho cả người sản xuất. Hiệu quả cho sản xuất kinh doanh nếu chúng ta tận dụng được cơ hội này là rất lớn.”
Với khối doanh nghiệp bán lẻ, năm 2014 còn không ít thách thức, khi sức mua thường có độ trễ so với nền kinh tế. Trong khi đó, nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài tấn công ồ ạt vào thị trường Việt Nam, tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt.
Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), cho rằng: “Năm 2014 sẽ có những cạnh tranh khốc liệt. Chỉ có doanh nghiệp nào có sức cạnh tranh cao mới trụ vững. Các doanh nghiệp cần biết tận dụng tối đa chính sách của chính phủ. Có nhiều chính sách, nhưng với chính sách về tiền tệ linh hoạt, lãi suất ngân hàng đã tốt hơn. Chúng tôi tiếp cận vốn đã dễ hơn. Những doanh nghiệp đã trụ được năm 2013 thì năm 2014 sẽ trụ vững và phát triển nữa, nếu doanh nghiệp tìm được phương án kinh doanh tốt, đây sẽ là thời cơ tốt để phát triển.”
Các chuyên gia dự báo năm 2014, nhiều cơ chế, chính sách của Chính phủ từ những năm trước như: cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư; Hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho; tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng và xử lý nợ xấu…sẽ đồng thời phát huy hiệu quả.
Bà Mai Thị Thu – Giám đốc Trung tâm Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, nhiều doanh nghiệp đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất và tiếp tục hoạt động đã chứng minh được nguồn lực và tính khả thi trong sản xuất kinh doanh. Vì vậy, khi Chính phủ kiên định thực hiện các chính sách hỗ trợ trong năm 2014, sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp tăng trưởng trở lại.
Với nhận định bức tranh doanh nghiệp 2014 phục hồi, nhưng để bền vững hơn cho giai đoạn phát triển mới, theo bà Thu, cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phục hồi sản xuất; giải quyết tồn kho phải tích cực hơn, nhất là bất động sản. Với doanh nghiệp thì tìm kiếm thị trường là quan trọng, nên cần phát triểm thị trường trong nước, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu và khơi thông tín dụng cho doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp.
Năm 2014 cũng là năm “tăng tốc” phát triển để đạt mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2011-2015. Do vậy, dự báo Chính phủ sẽ có những giải pháp quyết liệt để thúc đẩy tăng trưởng và cải cách kinh tế, mà trọng tâm là phát triển doanh nghiệp thay vì sử dụng công cụ đầu tư công làm động lực chủ yếu như trước đây. Tuy nhiên, để các chính sách có thể cộng hưởng phát huy tác dụng, rất cần sự phối hợp chặt chẽ trong điều phối vĩ mô và bản thân mỗi doanh nghiệp cần tận dụng tốt các cơ hội cả trong và ngoài nước để phát triển bền vững hơn trong tương lai./.