Đường sắt Cát Linh- Hà Đông xin tăng vốn, tiến độ “căng”
Ban quản lý dự án Đường sắt vừa trình Bộ GTVT đề nghị tổng mức đầu tư dự án này gần 868 triệu USD, tăng 315 triệu USD so mức phê duyệt ban đầu.
Tuy vậy, điều mà dư luận quan tâm là liệu con số này đã thực sự chốt ở đây và tuyến đường sắt này có kịp tiến độ vận hành vào đầu năm 2016.
Cần thêm 315 triệu USD
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Quyền Tổng giám đốc Ban QLDA Đường sắt, sau 5 năm thi công, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do thay đổi một loạt yếu tố đầu vào nên tổng mức đầu tư không dừng ở con số 552 triệu USD như kế hoạch ban đầu mà cần thêm 315 triệu USD. Nguyên nhân đẩy chi phí của dự án tăng cao gồm điều chỉnh, bổ sung thiết kế cơ sở; biến động giá nguyên, vật liệu, tỷ giá quy đổi, chế độ chính sách và giải phóng mặt bằng kéo dài…
Dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông “chốt” tổng mức đầu tư gần 868 triệu USD
Cụ thể, để hoàn thành hơn 13km đường sắt đôi, chạy trên cao với 12 ga, từ Cát Linh đến Bến xe Yên Nghĩa, tốc độ chạy tàu tối đa 80km/h cùng hệ thống thiết bị khai thác gồm đoàn tàu có khả năng chở được hơn 1 triệu lượt khách/ngày đêm, sẽ cần tới khoảng 868,04 triệu USD (tương đương 18.001 tỷ đồng).
Trong đó, phần vốn vay ODA Trung Quốc tăng thêm 250,62 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam (chủ yếu dành cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí quản lý dự án…) cần thêm 64,56 triệu USD. Tăng mạnh nhất trong tổng số 315 triệu USD mà Ban QLDA Đường sắt đề nghị “nới” thêm là chi phí xây dựng (tăng 146,3 triệu USD); chi phí thiết bị (tăng 77 triệu USD); mua sắm đoàn tàu (tăng 19,41 triệu USD); chi phí giải phóng mặt bằng (tăng 24,41 triệu USD); lãi vay, phí quản lý, phí cam kết (tăng 21,44 triệu USD).
Trước câu hỏi mức đầu tư điều chỉnh lên 868 triệu USD liệu đã phải con số cuối cùng, lãnh đạo Ban QLDA Đường sắt khẳng định, đây sẽ là mức chốt cuối cùng về tổng mức đầu tư của dự án. Bởi việc điều chỉnh này do Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải lập, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) đã thẩm tra. Dù vậy, không ít người bày tỏ lo ngại, việc quản lý nguồn vốn sẽ rất căng bởi khối lượng công việc còn nhiều, trong khi vốn dự phòng của dự án khá mỏng so với tổng mức đầu tư.
Căng thẳng về tiến độ
Theo báo cáo của Ban QLDA Đường sắt, tính đến ngày 19-11, dự án mới hoàn thành được 320/419 trụ cầu khu gian (đạt 76%); hoàn thành thi công kết cấu trụ của 7/12 nhà ga; hoàn thành đúc được 451/806 phiến dầm, lao lắp 336/806 phiến dầm (5,4/13,3km). Việc xây dựng trụ cầu đang chậm khoảng 6 tháng, đúc và lao lắp dầm chậm khoảng 5 tháng, xây dựng các nhà ga chậm từ 3-5 tháng. Công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản xong, còn vướng mắc 19 hộ ở ga Cát Linh. Trong khi, hạng mục nhà ga Cát Linh được tổng thầu xác nhận là chỉ có thể hoàn thành vào cuối tháng 12-2015, nếu mặt bằng được bàn giao vào đầu tháng 11-2014.
Liên quan đến tiến độ, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận, dự kiến, dự án sẽ hoàn tất xây dựng vào cuối quý IV-2015 để tháng 1-2016 đưa tàu vào chạy thử. Thời gian chạy thử dự kiến khoảng 3 tháng. Như vậy, khoảng tháng 4-2016 mới có thể đưa tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào vận hành thương mại, chậm so với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng mới đây.
“Ban QLDA đang nỗ lực thi công, rà soát, yêu cầu lập lại tiến độ khả thi nhất để rút ngắn thời gian thi công, đưa công trình về đích đáp ứng đúng theo yêu cầu (ngày 31-12-2015 đưa vào khai thác thương mại) nhưng thực sự rất… căng”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói. Ngoài ra, dự án đang phải đối diện với nguy cơ để xảy ra mất an toàn khi thi công đồng loạt trên nhiều tuyến đường huyết mạch. Sau vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra ngày 6-11 vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, toàn bộ phương án thi công đã được lập lại và được Bộ GTVT phê duyệt. Theo đó, đơn vị thi công phải tăng cường cảnh giới cho người đi đường, che chắn kỹ càng không để vật liệu rơi vãi, gây ảnh hưởng đến người dân…/.