Hàng Tết dồn dập đổ về Hà Nội
Trên địa bàn TP Hà Nội, nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết khá dồi dào, giá cả có dấu hiệu bắt đầu tăng.
Ngoài lượng hàng tự cung ứng, TP Hà Nội khai thác thêm nguồn hàng từ một số tỉnh lân cận như: thủy sản, gạo từ Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thái Bình; rau xanh từ Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc; gà đồi Yên Thế (Bắc Giang)...
Nguồn cung dồi dào
Khảo sát tại chợ đầu mối Đồng Xuân ngày 18/1, các mặt hàng đồ khô, măng, miến, bánh, mứt kẹo, hạt dưa, hạt bí… đã bắt đầu vào đợt cao điểm với lượng hàng về nhiều hơn 2 tuần trước từ 20%-30%. Theo các tiểu thương, 2 tuần cuối năm là cao điểm mua sắm Tết nên các đại lý, cửa hàng tạp hóa bắt đầu “đánh về” lượng hàng lớn từ các tỉnh và các chợ đầu mối. Đến sau ngày 23 tháng chạp, dự báo lượng hàng về có thể gấp 1,5 lần thời điểm này.
Lượng hàng phục vụ Tết đổ về các chợ trên địa bàn TP Hà Nội tăng từ 20%-30% so với ngày thường
Bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, khẳng định cung ứng đủ hàng hóa ra thị trường dịp Tết, đặc biệt là hàng hóa bình ổn giá, gồm: 5.500 tấn gạo, 900 tấn thịt lợn, 6 triệu quả trứng gia cầm, 1.500 lít dầu ăn, 2.000 tấn rau củ… Mặt hàng bánh, mứt, kẹo bảo đảm cung ứng gần 29.000 tấn sản phẩm. Các chợ đầu mối cũng cam kết luân chuyển hàng hóa tăng 50%-60% so với ngày thường.
Giá rục rịch tăng
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nhận định giá cả năm nay không tăng mạnh, chỉ khoảng 5%-10% do sức mua yếu. Nhiều cửa hàng, siêu thị quy mô trung bình hoặc nhỏ lẻ thậm chí doanh số bán hàng sụt giảm so với năm trước. Ông Phú cũng cho biết đối với các mặt hàng đồ khô phục vụ Tết như măng, nấm hương, miến… có mức tăng giá từ 10%-12% so với tháng trước và nhiều khả năng sẽ đứng ở mức này. Tuy nhiên, các mặt hàng cao cấp như thủy hải sản, gà ta, hoa quả đặc sản có thể tăng giá đến 30% trong 2 tuần áp Tết. Cũng theo ông Phú, 90% hàng hóa hiện nay để thị trường quyết định giá nên mặc dù đã có chủ trương bình ổn nhưng thực tế giá cả vẫn... khó bình ổn.
Tại chợ đầu mối Đồng Xuân, chỉ riêng mặt hàng măng khô đã tăng giá ít nhất 10% so với ngày thường. Đồng thời xuất hiện nhiều loại măng với mức giá khác nhau, có chênh lệch giữa các quầy hàng. Ví dụ, tại 1 quầy hàng, măng vầu loại 1 có giá 170.000 đồng/kg, loại 2 là 150.000 đồng/kg, măng rối giá bán 120.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá măng vầu tại một số quầy khác là 180.000 đồng/kg và được người bán giải thích là măng ngon, loại “cao cấp” từ Tuyên Quang chuyển về. Nhiều loại khác như măng lưỡi lợn Cao Bằng, giá được “hét” từ 250.000-350.000 đồng/kg; tôm khô có giá dao động từ 600.000 - 900.000 đồng/kg tùy loại, tăng khoảng 5% - 10% so với giá thường ngày.
Tại các chợ dân sinh, tôm khô, nấm hương, miến, mứt các loại…, giá cũng đã tăng khoảng 10%-20%. Nấm hương có giá 400.000 đồng/kg, tôm khô loại cao cấp giá bán lên tới 1 triệu đồng/kg.../.