Hàng Việt thêm nhiều cơ hội tại thị trường châu Phi
Châu Phi có nhu cầu lớn về nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm, hàng dệt may, da, điện tử, xe máy, thiết bị nông nghiệp, dược phẩm, cà phê,…
Nhiều lợi thế nền tảng
Da giày là một trong nhiều mặt hàng tiếp tục có tiềm năng xuất khẩu vào Châu Phi |
Đặc biệt, Việt Nam đã có quan hệ xuất nhập khẩu với toàn bộ 55 nước Châu Phi; cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo, dệt may, da giày, máy móc thiết bị, máy vi tính và linh kiện, máy móc nông nghiệp, sản phẩm cơ khí, đồ nhựa, sản phẩm gỗ, xe máy và linh kiện, thực phẩm chế biến…
Các thị trường trọng điểm gồm: Nam Phi, Ai Cập, Bờ Biển Ngà, Angola, Nigeria, Ghana, Tanzannia…
“Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này đã bước đầu có chỗ đứng và tạo được uy tín đối với người tiêu dùng châu Phi”- bà Thoa cho biết.
Hơn nữa, Việt Nam đã tham gia nhiều chương trình hợp tác theo mô hình ba bên giữa Việt Nam với các nước Châu Phi và các tổ chức quốc tế hoặc nước thứ ba.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng lưu ý đến lợi thế vĩ mô của thị trường Châu Phi: Hiện khu vực Châu Phi đang ở giai đoạn tăng trưởng cao trong hơn 10 năm qua, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng đã và sẽ ngày càng tăng. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tranh thủ thời cơ này để tiếp cận thị trường và cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao đó.
Là cơ quan cầu nối về ngôn ngữ trong hợp tác thương mại, bà Angele Bonane, đại diện Tổ chức Pháp ngữ quốc tế OIF cho biết: Châu Phi có nhu cầu lớn về nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm (gạo, gia vị), hàng dệt may, da, điện tử, xe máy, thiết bị nông nghiệp, dược phẩm, cà phê,…
Cần biết vượt qua thách thức
Mặc dù có nhiều tiềm năng nêu trên, nhưng để xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này đạt hiệu quả cao hơn nữa, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, bản thân từ phía các doanh của Việt Nam phải biết chủ động vượt qua thách thức, biếm tiềm năng thành lợi thế.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, đang có nhiều rào cản hiện hữu là khoảng cách địa lý xa, chi phí vận chuyển cao; giao dịch thương mại còn qua nhiều trung gian; rào cản về ngôn ngữ…
Dệt may là mặt hàng đang tạo được uy tín với người tiêu dùng Châu Phi |
Là doanh nghiệp đang đầu tư và có nhiều thành công tại khu vực châu Phi, ông Lê Đăng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel chia sẻ rằng, với khoảng 1 tỷ dân, châu Phi là thị trường đang phát triển và rất tiềm năng đối với Việt Nam. Tuy nhiên, có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại Châu Phi, nhưng hoạt động còn rời rạc, nhỏ lẻ, chưa có sự gắn kết, hỗ trợ nhau. Các doanh nghiệp đều thiếu thông tin về thị trường, tự mình mò mẫm nên có nhiều rủi ro. Các thị trường đều chưa có ngân hàng hỗ trợ nên kém hiệu quả, nhất là vấn đề chuyển lợi nhuận về nước. Vấn đề tuyển dụng nhân lực gặp nhiều khó khăn.
“Còn số lượng lớn doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến thị trường châu Phi nhưng chưa dám hợp tác thương mại. Do doanh nghiệp chưa có đủ thông tin về thị trường, chưa tự tin vào khả năng thành công của mình, còn e ngại trước những rủi ro và thách thức nên chưa mạnh dạn hợp tác. Trên nhiều lĩnh vực còn thiếu doanh nghiệp lớn đi tiên phong, khai phá thị trường nên các doanh nghiệp nhỏ càng e ngại.
Ông Dũng lưu ý rằng: Doanh nghiệp tìm được cơ hội và đối tác hợp tác là rất quan trọng, tuy nhiên nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ nước sở tại, thiếu các chính sách hỗ trợ cụ thể thì hoạt động của các doanh nghiệp rất khó thành công.
Trước những thách thức này, VCCI đã thành lập diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Châu Phi – Trung Đông trên cơ sở diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Châu Phi. Diễn đàn này sẽ có vai trò cầu nối thúc đẩy trao đổi thương mại và hợp tác kinh tế giữa cộng đồng doanh nghiệp các bên, là kênh thông tin, chắp mối hợp tác, cung cấp các chính sách trong khung khổ pháp lý, thương mại đầu tư; nơi tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp…
Nhưng để thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi thực sự hiệu quả, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: “Cơ hội thực sự chỉ dành cho các doanh nghiệp am hiểu đối tác, thị trường, dám chấp nhận rủi ro, dám đi tiên phong mở đường. Và, Chính phủ không làm thay các doanh nghiệp, Chính phủ chỉ tạo điều kiện thuận lợi thông qua xây dựng môi trường quan hệ chính trị hữu nghị, hợp tác và hành lang pháp lý để đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả”.
Đồng quan điểm này, bà Kwakwa, Giám đốc WB tại Hà Nội nhấn mạnh thêm: Cơ hội luôn đi kèm thách thức, muốn thành công, cần sự nỗ lực trước hết của chính các doanh nghiệp (doanh nghiệp cần tăng cường giao lưu để hiểu biết văn hóa, tìm hiểu nhu cầu, tiêu chuẩn mà thị trường đòi hỏi…).
Còn bà Angele Bonane (Tổ chức OIF) khuyến cáo rằng, doanh nghiệp Việt cần tạo niềm tin với các nhà nhập khẩu đến từ châu Phi; cải thiện sản lượng và chất lượng sản phẩm; tăng cường quảng bá sản phẩm…/.