Hiệp định TPP: Tổng thống Mỹ Obama gặp cản trở ngay trên sân nhà
VOV.VN -Thượng viện Mỹ vừa bác bỏ việc cho phép Tổng thống Obama thực hiện quyền xúc tiến thương mại TPA đối với Hiệp định TPP.
New York Times đưa tin, Thượng viện Mỹ vừa bác bỏ việc cho phép Tổng thống Mỹ Barack Obama thực hiện quyền xúc tiến thương mại (trade promotion authority -TPA) đối với Hiệp định Thương mại Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trong nhiều năm liền Tổng thống Obama liên tục gặp phải sự phản đối của Đảng Cộng hòa trên mọi lĩnh vực, từ y tế cho đến thương mại. Việc đa số các Thượng nghị sĩ hôm qua (12/5) phản đối quyền được xúc tiến thương mại của Tổng thống Obama cho thấy rõ nhất sự đối kháng Đảng Cộng hòa với đương kim Tổng thống trong suốt nhiệm kỳ của ông.
TPP bị “bế tắc”
New York Times nhận định nguyên nhân ông Obama phải đối phó với Đảng Cộng hòa, hiện chiếm đa số trong Thượng viện, là do Đảng Cộng hòa có thành phần lao động Mỹ và những người ủng hộ tổ chức công đoàn nước này vốn không đồng tình với TPP.
Kết quả 52 phiếu chống/45 phiếu thuận tại Nghị viện hôm 12/5 đã phủ quyết việc thông qua TPA để trao quyền cho ông Obama quyết định về TPP. Để được thông qua, Tổng thống Obama cần tối thiểu 60 phiếu thuận.
Tuy nhiên, việc bỏ phiếu không thông qua này chưa phải là quyết định cuối cùng của Thượng viện Mỹ. Một số Thượng nghị sĩ đã đề xuất thỏa hiệp thông qua việc tổ chức một cuộc bỏ phiếu riêng liên quan đến vấn đề kiểm soát tiền tệ tại một số nước là đối tác thương mại của Mỹ. Sau đó, mở rộng thảo luận liên quan đến TPP, bao gồm việc hỗ trợ cho người lao động bị thôi việc, các thỏa thuận thương mại với Châu Phi và một số thỏa thuận thương mại khác trước khi thông qua tại Nghị viện.
Vấn đề kiểm soát tiền tệ khó đạt đồng thuận nhất tại Nhật Bản và Malaysia - 2 trong số 12 nước đang cố gắng hoàn thành TPP. Điều này có thể gây cản trở lớn cho tiến trình ký kết TPP giữa Mỹ và các đối tác.
TPP: lợi hay hại?
Ngoài ra, còn có một số vấn đề nảy sinh khi Thượng Mỹ xem xét hiệp định TPP khi nhiều nghị sĩ cho rằng, TPP sẽ không giúp ích nhiều cho công nhân Mỹ. Thay vào đó, thỏa thuận này khiến những tập đoàn đa quốc gia được hưởng lợi nhiều hơn.
Theo một số nghị sĩ, TPP sẽ mang lại lợi ích lớn cho một số quốc gia đang phát triển như Peru và Vietnam, trong khi 40% xuất nhập khẩu của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, những quy định phụ kèm theo như loại bỏ ưu đãi thương mại cho các nước tham gia vào hoạt động buôn bán người cũng đang là một trong những vấn đề gây tranh cãi. Những điều khoản liên quan đến lao động trẻ em và nhập khẩu kẹo làm từ coca (loài cây có khả năng gây nghiện) từ Châu Phi cũng là một cản trở.
TPP cũng đang gặp rắc rối với những quy định phụ về kiểm soát tiền tệ, trợ cấp cho công nhân bị thôi việc, thắt chặt các quy định về lao động trẻ em cũng như các vấn đề liên quan đến mất cân bằng thương mại. Theo Nhà Trắng, hiệp định TPP sẽ gặp khó khăn nếu TPA không được thông qua.
Ngay sau kết quả bỏ phiếu được công bố, Tổng thống Obama đã triệu tập 10 Thượng Nghị sĩ để gặp mặt nhằm thuyết phục về TPA. Phía Đảng Cộng hòa cũng không nhượng bộ khi cho rằng Mỹ không thể đáp ứng được quá nhiều điều khoản trong TPP như vậy.
Hiện các Nghị sĩ đang tranh cãi liên quan đến khả năng những quốc gia trong TPP sẽ tác động làm giảm giá đồng tiền nội tệ, khiến hàng xuất khẩu của các nước này rẻ hơn từ đó gây thiệt hại cho nhà sản xuất tại Mỹ./.