Hỗ trợ doanh nghiệp cần thiết thực, tránh hô hào khẩu hiệu
VOV.VN -Theo chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp "chết" nhiều 4 tháng qua là đáng lo ngại, cần có chính sách hỗ trợ thiết thực, tránh hô hào khẩu hiệu.
4 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh hoặc hoàn tất thủ tục giải thể tiếp tục tăng mạnh. Đại diện Bộ KHĐT cho rằng, việc doanh nghiệp “chết” như vậy là bình thường, còn nhiều chuyên gia cho rằng, cần phân tích cụ thể từng trường hợp để có đánh giá đúng đắn và có giải pháp phù hợp.
Doanh nghiệp “sống” nhiều hơn “chết” thì không đáng lo
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm 2016, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của cả nước là 46.052 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là 19.444 doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông, khi nào doanh nghiệp mới thành lập còn cao hơn doanh nghiệp rút khỏi thị trường thì lúc đó ta thấy nền kinh tế vẫn ổn (Ảnh minh họa: KT) |
Đáng lưu ý, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 9.450 doanh nghiệp, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể của cả nước là 15.685 doanh nghiệp, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước.
Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng chiếm 92,5% trên tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể. So sánh với cùng kỳ của năm 2015 thì số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ tăng 24,5%.
Số doanh nghiệp “chết” tiếp tục tăng
Về con số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể, Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông cho rằng, nội hàm con số 40% doanh nghiệp chết, không nên hiểu là ngay năm nay “chết”, hay quý I “chết”. Cần theo dõi doanh nghiệp ra đời, đóng cửa vì nhiều lý do khác nhau, nhưng khi nào doanh nghiệp mới thành lập còn cao hơn doanh nghiệp rút khỏi thị trường thì lúc đó ta thấy nền kinh tế vẫn ổn, cần bình tĩnh, con số đó không phản ánh tuyệt đối về sức khỏe nền kinh tế. Không phải mọi doanh nghiệp ra khỏi thị trường đều là doanh nghiệp chết, không phải là doanh nghiệp yếu. Đây là xu thế bình thường trên thế giới.
Hỗ trợ cần thiết thực
Cùng quan điểm này, theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nói về doanh nghiệp giải thể cần phân biệt có doanh nghiệp khó khăn, phải giải thể thật, tuy nhiên cũng có những doanh nghiệp không biết lượng sức mình nên dẫn đến tình trạng phá sản, giải thể nên là câu chuyện bình thường. “Trong cơ chế thị trường có doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp mới giải thể cũng là bình thường. Chúng ta đừng áy náy nhiều về các doanh nghiệp giải thể”- ông Võ nhấn mạnh.
Không phải mọi doanh nghiệp ra khỏi thị trường đều… chết
Doanh nghiệp tư nhân nội địa đang gặp nhiều khó khăn
“Doanh nghiệp tư nhân là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Trong tương quan với DNNN và doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp tư nhân nội địa đang còn gặp nhiều khó khăn (từ tiếp cận đất, tiếp cận vốn, các thủ tục phiền hà…), dù họ là lực lượng chủ yếu cùng với kinh tế hộ hiện đang tạo nhiều việc làm nhất, đáp ứng các nhu cầu tại chỗ ở khắp các địa bàn của đất nước. Hơn thế, bên cạnh các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ chiếm tỷ trọng trên 90-95% thì các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn ngày càng có vị trí quan trọng để liên kết doanh nghiệp thành chuỗi, có khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, gắn kết trong mạng sản xuất toàn cầu và ngày càng tăng thêm giá trị gia tăng của kinh tế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, thoát dần tình trạng gia công ở công đoạn công nghệ thấp, giá trị thấp.
Chúng tôi hy vọng Chính phủ sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn để các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu có thể bình đẳng cạnh tranh và phát triển trong môi trường cạnh tranh toàn cầu”- GS. TSKH Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam.
“Cái mà chúng ta đang lỡ cỡ hiện nay từ quản lý ngân hàng, thị trường vốn, tài chính, đất đai, tài nguyên vẫn “dở dăng, dở đèn”, nửa bao cấp, nửa thị trường thì những bất lợi nhất của bao cấp và cả những bất lợi nhất của thị trường đều cùng xuất hiện”- ông Võ đánh giá.
Còn chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ lo ngại: Tình hình rất khó khăn, trong quý 1/2016, số doanh nghiệp mới tăng thêm so với doanh nghiệp giải thể chỉ hơn khoảng 3%. Về nguyên nhân, do môi trường kinh doanh chưa thực sự được tháo cởi như mong muốn (chủ yếu là thủ tục hành chính, tiếp cận vốn, đất đai, thuế…); đồng thời do thị trường kinh tế thế giới chưa phục hồi trở lại, còn chập chờn, trong khi thị trường trong nước đang trong quá trình hội nhập, nên ngày càng cạnh tranh khó hơn.
Vì thế, theo ông Lưu Bích Hồ, “cần hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục những khó khăn một cách thiết thực hơn, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các cơ quan quản lý, tổ chức ngành hàng, hiệp hội, những giới liên quan cần chung tay hỗ trợ doanh nghiệp. Cần thiết thực từ thể chế đến hành động hỗ trợ cụ thể chứ không thể hô hào, khẩu hiệu”./.