Làng nghề “đệ nhất dao kéo” Hà Thành hút khách Tây

VOV.VN - Làng rèn Đa Sỹ - ngôi làng “đệ nhất dao kéo đất Thăng Long” - đang trờ thành một địa điểm thu hút khách du lịch nước ngoài bởi nét độc đáo có một không hai ở Thủ đô Hà Nội.

Đa Sỹ là làng nghề rèn truyền thống nổi tiếng và lâu đời ở bên dòng sông Nhuệ thuộc quận Hà Đông, Hà Nội. Từ đầu đến cuối làng Đa Sỹ, đâu đâu cũng vang tiếng máy mài, tiếng búa đập, bễ lò rèn đỏ lửa suốt đêm ngày để tạo ra các sản phẩm dao, kéo, nông cụ,… phục vụ người tiêu dùng cả trong và ngoài nước.

Ở Đa Sỹ, nghề rèn không chỉ đơn thuần là một nghề mà đó còn là nét đẹp văn hóa. Với quyết tâm giữ gìn, phát triển nghề truyền thống của quê hương, các nghệ nhân và những người làm nghề rèn nơi đây vẫn miệt mài, bền bỉ, cần mẫn “giữ lửa” nghề, họ như những bông hoa lửa mãi rực sáng bên những lò rèn hàng trăm năm ở Đa Sỹ.

Gắn việc giữ gìn nghề truyền thống với phát triển du lịch

Sản phẩm rèn của làng Đa Sỹ phong phú về chủng loại, kiểu dáng, nổi tiếng bởi độ bền, sắc, cứng hơn bất cứ sản phẩm nào trong vùng, chủ yếu là dao, kéo, cuốc, xẻng và một số đồ nông cụ, đồ nghề xây dựng. Người dân nơi đây vẫn tự hào bởi khả năng tạo ra những con dao “chặt được cả sắt”.

Tâm huyết với nghề và hướng tới phát triển bền vững, một số gia đình ở làng rèn Đa Sỹ đã gắn việc giữ gìn truyền thống với phát triển du lịch. Du khách tới đây được tham quan, trải nghiệm các công việc để tạo ra sản phẩm và có thể mua về những đồ dùng cần thiết cho gia đình làm kỉ niệm. Thậm chí, du khách được hướng dẫn để có thể tự rèn và khắc tên lên sản phẩm làm đồ lưu niệm.

Về làng Đa Sỹ, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước hình ảnh từ người già đến trẻ, cả nam và nữ đều có thể thực hiện các công đoạn của nghề rèn, một nghề lao động nặng nhọc “bở hơi tai”. Tiếng búa đập, tiếng máy cắt thép xen lẫn tiếng trò chuyện của những người thợ như xua tan nỗi vất vả của nghề.

Tiêu biểu trong phát triển du lịch tại làng rèn là anh Lê Ngọc Lâm - chủ một cơ sở sản xuất có tiếng ở Đa Sỹ. Anh Lâm từng tốt nghiệp đại học và đã mạnh dạn bỏ nghề giám đốc “quần là áo lượt” để về quê làm nghề “tay đe, tay búa” lấm lem trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Anh Lâm chia sẻ, quyết định “bỏ phố về làng” lập nghiệp của anh gặp nhiều áp lực, trong đó, có áp lực về tâm lý, rằng là người “thất bại”, tốt nghiệp đại học rồi mà lại phải bỏ về nhà làm lao động chân tay.

“Đang đi làm có xe ô tô, mặc quần áo đẹp, bỏ về làng làm dao truyền thống, tay chân, quần áo lấm lem, rồi cũng có người nói ra nói vào. Lúc đó tôi chỉ nghĩ, miễn mình làm ăn tử tế thì không có gì phải xấu hổ. Nghề nào cũng đáng trân quý cả, nhất lại là nghề truyền thống của cha ông mình”, anh Lê Ngọc Lâm tâm sự.

Sau gần chục năm kể từ khi quyết định quay về làng phát triển nghề dao truyền thống của ông cha, anh Lâm cho biết, vẫn còn rất nhiều khó khăn phía trước, nhưng cho đến thời điểm này, anh không phải ân hận về lựa chọn của mình. Hiện tại, anh không những nuôi sống được gia đình, mà còn tạo được công ăn việc làm cho nhiều người khác. Và điều khiến anh vui nhất, là anh có được tình yêu, tâm huyết với công việc mình đang làm.

Anh Lâm chia sẻ, điều trăn trở nhất của anh hiện nay là làm sao phát triển được làng nghề, mang lại thu nhập tốt cho bà con, để mọi người sống được với nghề. Một trong những hướng theo anh Lâm đang theo đuổi đó là phát triển theo hướng làm làng nghề du lịch.

“Thực tế, tôi thấy có những làng nghề họ làm du lịch rất tốt. Chẳng hạn các làng về lụa tơ tằm, làm gốm… Hiện nay, nhiều nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một, do sản phẩm truyền thống đứng trước rất nhiều khó khăn khi cạnh tranh với các sản phẩm hiện đại. Tìm được cách “giữ lửa” được nghề truyền thống, tôi thấy là điều rất cần”, anh Lâm bộc bạch.

Khách Tây “mê” lò rèn ở Đa Sỹ

Tại xưởng sản xuất của anh Lê Ngọc Lâm hiện nay, khách du lịch nước ngoài đến tấp nập. Họ vô cùng thích thú với nghề rèn truyền thống nơi đây khi được trải nghiệm cùng lao động với thợ rèn, tự tay rèn được con dao, cái kéo để làm kỷ niệm.

Anh Jonas – một du khách người Đức rất mê nghề rèn thủ công ở Đa Sỹ. “Âm thanh của đe búa, của sắt thép, lò than, mồ hôi và cả những cực nhọc của những người thợ khiến tôi rất ấn tượng. Từng công việc của làng rèn đều rất nặng nhọc nhưng ai nấy đều vui vẻ, phấn khởi. Đó là tình yêu lao động và say sưa với nghề, và đầy trách nhiệm với mỗi sản phẩm họ làm ra”, anh Jonas nói.

Những lò rèn đỏ lửa, tiếng búa nện chan chát, tiếng mài dao… khung cảnh náo nức, khẩn trương ở làng rèn Đa Sỹ cũng khiến ông Bryan – một du khách Mỹ không muốn rời bước khi đến nơi đây.

“Đứng giữa xưởng sản xuất, xung quanh toàn dao, kéo, bễ lò rèn và máy móc, chứng kiến những người thợ tay đe, tay búa, kiên trì bền bỉ mài dao khiến tôi rất khâm phục. Họ rất chăm chỉ, miệt mài và cẩn thận từng chi tiết. Họ cũng phải đối mặt với những khó khăn trong công việc bởi chỉ cần sơ suất một chút là sản phẩm có thể bị hỏng, hoặc họ có thể bị thương. Tôi cũng tự mình tham gia trải nghiệm một vài công đoạn nhỏ và thấy rất thú vị”, ông Bryan bày tỏ.

Là một du khách nữ, nhưng chị Adalene người Pháp cũng không ngại lấm lem. Chị tham gia trải nghiệm công đoạn mài dao bằng máy, và tự tay mài được chiếc dao ưng ý. “Nghề rèn rất khổ cực nhưng tôi thấy những người thợ luôn thân thiện tươi cười. Ông chủ cơ sở sản xuất còn trực tiếp hướng dẫn cho đoàn khách của chúng tôi thông tin về sản phẩm và giúp chúng tôi thực hiện một số công đoạn trong quá trình sản xuất. Chúng tôi cũng có thể khắc tên mình lên sản phẩm để lưu niệm”, chị Adalene thích thú nói.

Không chỉ nghề rèn, hiện nay rất nhiều làng nghề khác cũng đang bị mai một do các sản phẩm truyền thống không đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm hiện đại. Song, với tư duy nhạy bén và lòng yêu nghề. những người thợ tâm huyết ở Đa Sỹ đang giữ gìn “lửa nghề” của cha ông với mô hình làng nghề kết hợp du lịch.

Làng nghề rèn Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) có truyền thống lịch sử lâu đời, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân địa phương.

Chủ tịch Hiệp hội làng nghề làng Đa Sỹ cho biết, khoảng 70% số hộ dân đang tham gia nghề rèn truyền thống của làng, thường mỗi hộ làm chuyên về một loại mặt hàng. Thợ giỏi trong làng có khoảng 20 người. Có khoảng hơn chục người đã được phong danh hiệu nghệ nhân.

Sản phẩm của làng rèn Đa Sỹ rất bền bởi kỹ thuật tôi thép điêu luyện của những người thợ thạo nghề, dày kinh nghiệm với những con dao “chặt được cả sắt”, là niềm tự hào của người dân nơi đây.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Làm giàu từ nghề nuôi cá lồng trên sông Đuống
Làm giàu từ nghề nuôi cá lồng trên sông Đuống

VOV.VN - Với quyết tâm phát triển kinh tế, làm giàu tại quê hương, ông Vũ Văn Chiến ở xã Đức Long, thị xã Quế Võ (Bắc Ninh) đã xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên sông cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Làm giàu từ nghề nuôi cá lồng trên sông Đuống

Làm giàu từ nghề nuôi cá lồng trên sông Đuống

VOV.VN - Với quyết tâm phát triển kinh tế, làm giàu tại quê hương, ông Vũ Văn Chiến ở xã Đức Long, thị xã Quế Võ (Bắc Ninh) đã xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên sông cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Làng nghề bánh nổ, bánh in Duy Xuyên vào Tết
Làng nghề bánh nổ, bánh in Duy Xuyên vào Tết

VOV.VN - Cuối năm, người dân làng nghề làm bánh nổ, bánh in đậu xanh tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam lại rộn ràng tiếng gõ làm bánh cung ứng thị trường Tết. Làm bánh nổ, bánh in vừa có thêm thu nhập vừa là cách giữ nghề truyền thống.

Làng nghề bánh nổ, bánh in Duy Xuyên vào Tết

Làng nghề bánh nổ, bánh in Duy Xuyên vào Tết

VOV.VN - Cuối năm, người dân làng nghề làm bánh nổ, bánh in đậu xanh tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam lại rộn ràng tiếng gõ làm bánh cung ứng thị trường Tết. Làm bánh nổ, bánh in vừa có thêm thu nhập vừa là cách giữ nghề truyền thống.

Bảo tồn làng nghề đan ngư cụ truyền thống ở Quảng Ninh
Bảo tồn làng nghề đan ngư cụ truyền thống ở Quảng Ninh

VOV.VN - Thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đang nỗ lực bảo tồn, phát triển làng nghề đan ngư cụ truyền thống Hưng Học bằng nhiều hình thức, như xây dựng mô hình, điểm đến tham quan, trải nghiệm cho du khách gắn với các sản phẩm OCOP.

Bảo tồn làng nghề đan ngư cụ truyền thống ở Quảng Ninh

Bảo tồn làng nghề đan ngư cụ truyền thống ở Quảng Ninh

VOV.VN - Thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đang nỗ lực bảo tồn, phát triển làng nghề đan ngư cụ truyền thống Hưng Học bằng nhiều hình thức, như xây dựng mô hình, điểm đến tham quan, trải nghiệm cho du khách gắn với các sản phẩm OCOP.