Lãng phí lớn nhưng không ai chịu trách nhiệm
VOV.VN -Nhiều đại biểu nhắc đến việc loại bỏ khỏi qui hoạch 400 dự án thủy điện đã gây lãng phí vô cùng lớn.
Phát biểu ý kiến trong phiên thảo luận dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) sáng nay (4/11), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải nêu đích danh người gây lãng phí, người đứng đầu ra quyết định gây lãng phí.
Theo ý kiến của nhiều đại biểu, thực tế chưa ai bị xử lý vì gây lãng phí, nhưng ai cũng biết lãng phí có gây hậu quả nghiêm trọng hơn cả tham ô, ví dụ như việc qui hoạch đất đai, xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản, ô tô, thậm chí là việc tổ chức biên chế, xây dựng tiêu chuẩn định mức không hợp lý. Nhiều đại biểu nhắc đến việc loại bỏ ra khỏi qui hoạch 400 dự án thủy điện thời gian vừa qua cũng là thể hiện sự lãng phí nghiêm trọng. Hay như việc đào đường, vỉa hè tràn lan do thiếu sự kết nối giữa các cơ quan liên quan…Việc lãng phí thời gian, tiền của cũng chưa được thống kê chính xác.
“Ngoài việc phải chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả kinh tế thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm pháp lý. Nếu khắc phục được thì giảm trách nhiệm pháp lý chứ không miễn” - Đại biểu Lê Đắc Lâm (đoàn Bình Thuận) nêu ý kiến.
Trước đó, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).
Có ý kiến cho rằng, một số quy định của Dự thảo luật chưa có tính khả thi cao, nhất là về cơ chế, chính sách; về trách nhiệm của người đứng đầu; về cơ chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; THTK, CLP trong nhân dân. Đề nghị nghiên cứu, bổ sung để tăng tính khả thi của Luật.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo phối hợp, rà soát và bổ sung vào Dự thảo luật những quy định cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; hành vi lãng phí và chế tài xử lý; cơ chế giám sát của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; nguyên tắc THTK, CLP trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân...; đồng thời, giao cho Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính khả thi của Luật.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh sửa theo hướng quy định cụ thể trách nhiệm trực tiếp, liên đới trong từng trường hợp vi phạm quy định về THTK, CLP; trách nhiệm trong công khai, xử lý thông tin phát hiện lãng phí, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về THTK, CLP theo thẩm quyền. Đặc biệt, đã bổ sung vào Dự thảo luật trách nhiệm và chế tài xử lý đối với người có thẩm quyền không xử lý các hành vi vi phạm Luật THTK, CLP để bảo đảm tính khả thi cũng như tính nghiêm minh của pháp luật, khắc phục tình trạng có sai phạm mà không bị xử lý. Nội dung sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu được quy định tại Điều 7 và xử lý trách nhiệm cụ thể quy định tại Điều 78 của Dự thảo luật.
Ngoài ra, qua thảo luận, có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đồng tình quy định tập trung vào các lĩnh vực xảy ra lãng phí lớn như Dự thảo luật và đề nghị bổ sung quy định cụ thể THTK, CLP trong giáo dục đào tạo, y tế, trong tổ chức bộ máy nhà nước. Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định cụ thể mang tính toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như tổ chức lễ hội, ma chay, cưới hỏi... để tránh việc huy động gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Theo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban đã chỉ đạo xây dựng bổ sung 02 điều mới vào Dự thảo luật (Điều 22, Điều 23) quy định về THTK, CLP trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, đồng thời bổ sung quy định về hành vi lãng phí trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, lĩnh vực y tế và chế tài xử lý tương ứng. Trong đó, lĩnh vực giáo dục đào tạo tập trung quy định về xây dựng, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch đào tạo và chương trình, nội dung giáo dục; lĩnh vực y tế tập trung quy định về xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, đầu tư dự án, công trình, mua sắm trang thiết bị y tế là những vấn đề dễ xảy ra lãng phí lớn. Bổ sung khoản 4 Điều 54 quy định về “Việc tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức ...” để tránh lãng phí.
Một số ý kiến đề nghị cần quy định và làm rõ điều kiện đối với công trình của địa phương, tránh tổ chức động thổ, khánh thành tràn lan, gây lãng phí.
Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, Dự thảo luật đã quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành đối với công trình quan trọng quốc gia. Đối với các công trình của địa phương, do điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, mỗi thời kỳ khác nhau, nếu quy định cứng trong Luật sẽ khó khăn trong thực hiện, do đó giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và yêu cầu chống lãng phí.
Luật điều chỉnh cả tiêu dùng của nhân dân
Về phạm vi điều chỉnh, qua thảo luận, có 2 loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định về phạm vi điều chỉnh như Dự thảo luật; Loại ý kiến thứ hai đề nghị chỉ quy định THTK, CLP đối với khu vực Nhà nước, không quy định đối với khu vực sản xuất, kinh doanh ngoài nhà nước và tiêu dùng của nhân dân vì lãng phí xảy ra và gây bức xúc trong xã hội chủ yếu trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Ngoài ra, nếu chỉ dừng ở mức độ khuyến cáo và không có chế tài xử lý thì cân nhắc có thể không nên quy định trong Luật. Mặt khác, việc quy định THTK, CLP trong Luật đối với khu vực sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân đòi hỏi Nhà nước phải kiểm soát, điều chỉnh các hoạt động này, điều này có thể dẫn đến hạn chế quyền sở hữu về tài sản của các tổ chức, cá nhân.
Chính vì thế, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị giữ phạm vi điều chỉnh như Dự thảo luật. Theo giải trình của Ủy ban, Luật THTK, CLP có liên quan đến hầu hết quy định thuộc các luật khác, nhưng vì những luật này chưa quy định đầy đủ các hành vi, chế tài xử lý đối với một số điểm chính, việc chính trong một số lĩnh vực quan trọng đã và đang xảy ra lãng phí lớn. Quy định về phạm vi điều chỉnh như Dự thảo luật, một mặt, bảo đảm quyền tự định đoạt tài sản thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của Hiến pháp; mặt khác, vẫn bảo đảm thực hiện chủ trương “tiết kiệm là quốc sách”, nhằm khuyến khích và nâng cao ý thức tiết kiệm, chống lãng phí trong nhân dân.
"Theo đó, nội dung của Luật (sửa đổi) tập trung quy định về THTK, CLP trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước; đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân tuy có quy định nhưng chỉ mang tính nguyên tắc để điều chỉnh có trọng tâm, tập trung vào những lĩnh vực, hoạt động dễ xảy ra lãng phí, ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng và giao cho Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương quy định chi tiết nhằm tạo ý thức, chuẩn mực, nếp sống văn minh, lành mạnh, tiết kiệm trong sản xuất, tiêu dùng của nhân dân” – ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Ngoài ra, để tránh việc huy động, sử dụng các nguồn lực ngoài NSNN, gây lãng phí xã hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định về THTK, CLP trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân là cần thiết; nếu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân lãng phí có tính chất xã hội thì Nhà nước phải có biện pháp điều chỉnh bằng cơ chế chính sách. Hiện nay, tiêu dùng xã hội có biểu hiện lãng phí, tiêu dùng quá khả năng tài chính thực tế, đặc biệt là trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội và các hoạt động văn hóa khác; việc vận động quyên góp, huy động các nguồn lực trong dân còn tùy tiện, không minh bạch, sử dụng lãng phí...
Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Dự thảo luật bổ sung nguyên tắc THTK, CLP trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân (Điều 63), bảo đảm quyền sở hữu của các tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về THTK, CLP trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội, quy định về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan thông tin đại chúng trong tổ chức thực hiện chủ trương THTK, CLP trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân./.