Lật tẩy chiêu trò, mánh khóe để gian lận thuế VAT

VOV.VN - Dù có nhiều mánh khóe gian lận tinh vi, nhưng năm 2020, qua công tác thanh tra, kiểm tra hơn 22.000 doanh nghiệp, Cục Thuế TP HCM phát hiện nhiều trường hợp vi phạm và truy thu, truy phạt, truy hoàn thuế trên 4.000 tỷ đồng.

Mới đây, ở TP HCM và Đồng Nai có 2 doanh nghiệp bị cơ quan thuế ra quyết định thu hồi tiền hoàn thuế giá trị gia tăng với số tiền từ hơn chục tỷ đồng đến gần 400 tỷ đồng do có dấu hiệu gian lận thuế.

Vụ việc đã được chuyển cơ quan công an điều tra. Có thể nói tình trạng lợi dụng chính sách tạo thuận lợi trong việc kê khai thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng để gian lận, chiếm đoạt tiền thuế vẫn xảy ra phổ biến, cần tăng cường hơn công tác quản lý  để ngăn chặn.

Dùng chiêu “ve sầu thoát xác” để hợp thức hóa đơn

Qua 2 trường hợp của Công ty TNHH Quốc tế Hoàng Nam Anh ở Đồng Nai và Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thu Duc House ) ở TP HCM bị cơ quan thuế ra quyết định thu hồi tiền hoàn thuế giá trị gia tăng cho thấy đường dây mua bán của các doanh nghiệp này rất tinh vi, phức tạp. 

quyet_dinh_cuong_che_thue_cua_cuc_thue_tp.hcm_lien_quan_den_quyet_dinh_cuc_thue_thanh_tho_thu_hoi_tien_hoan_thue_gia_tri_gia_tang_gan_400_ty_dong_cua_thu_duc_house.jpg

Theo Tổng cục Hải quan, riêng trường hợp của Thu Duc House, có đến 70 doanh nghiệp liên quan. Các doanh nghiệp này chuyển tiền với số lượng rất lớn, hàng ngàn tỷ đồng qua nhiều ngân hàng khác nhau, mua bán lòng vòng, nâng giá hàng hóa để được hoàn thuế giá trị gia tăng.

Theo một số chuyên gia kinh tế, đây là phương thức, thủ đoạn thường gặp để chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT. Họ thành lập nhiều doanh nghiệp để mua bán hóa đơn, có trường hợp qua vài chục doanh nghiệp, cho đến khi hóa đơn được hợp pháp hóa, bằng cách mua bán hàng hóa thật, xuất hóa đơn thật.

Chiêu này được doanh nghiệp gọi là “ve sầu thoát xác”. Đến khâu cuối thì các doanh nghiệp “ma” mất dấu, trong khi đó cán bộ thuế thường chỉ có thể kiểm tra hóa đơn ở khâu mua, bán gần nhất.

Một cách nữa là doanh nghiệp xuất khẩu hàng nhưng gian lận số lượng hàng hóa hoặc làm giả chứng từ xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Được, Giám đốc Công ty Tư vấn Thuế Trọng Tín cho rằng, Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch -Đầu tư và Bộ Công an cần có quy chế phối hợp rà soát chặt chẽ, phát hiện những doanh nghiệp “ma” có dấu hiệu vi phạm.

"Việc thành lập doanh nghiệp hiện nay rất đơn giản nhưng chúng ta thiếu chế tài để xử lý nghiêm khắc đối với doanh nghiệp ma nhằm mua bán hóa đơn nên doanh nghiệp lợi dụng chính sách thông thoáng, khe hở của pháp luật để trục lợi" - ông Được bày tỏ.

Theo nhiều chuyên gia về thuế, để ngăn chặn việc gian lận hoàn thuế VAT, cơ quan thuế phải thành lập bộ phận chuyên hoàn thuế để đánh giá rủi ro, phân loại, hồ sơ nào đáng ngờ phải tiến hành kiểm tra tận gốc.

Với quy định hiện nay, trường hợp hoàn thuế VAT trước, kiểm tra sau chỉ trong 3 ngày, trường hợp kiểm tra trước, hoàn thuế sau thời gian không quá 40 ngày, nên nếu một doanh nghiệp muốn gian lận thuế, họ sẽ thành lập nhiều doanh nghiệp con, mua bán lòng vòng qua vài chục doanh nghiệp. Khi đó cơ quan thuế rất khó đủ nhân lực để kiểm tra, trong khi cơ sở hạ tầng công nghệ thông  tin của ngành thuế còn hạn chế.

Theo TS. Trần Trung Kiên, Giám đốc Chương trình Đào tạo quản lý thuế, Trường Đại học Kinh tế TP HCM, ngành thuế và hải quan phải có sự phối hợp chặt chẽ và kết nối, chia sẻ thông tin để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Ngoài ra, ngành thuế phải có sự phối hợp với các tham tán thương mại ở nước ngoài để khi cần thiết có thể nhanh chóng xác minh những giao dịch, mua bán với doanh nghiệp các nước.

"Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, đặc biệt là thuế và hải quan. Khi có 1 lô hàng có dấu hiệu rủi ro cao thì hải quan phải gửi dữ liệu cho thuế xác minh, hoặc cảnh báo với cơ quan thuế. Khi doanh nghiệp chưa làm thủ tục hoàn thuế thì chúng ta kiểm tra xem đầu vào của doanh nghiệp này có phải phục vụ hoạt động xuất khẩu hay không? Chúng ta không đợi khi có hồ sơ hoàn thuế thì mới xác minh lại đầu vào" - TS. Trần Trung Kiên chỉ rõ.

Quan trọng hơn, Tổng cục thuế, phải xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng công nghệ  thông tin để khi cần thiết, cục thuế các địa phương có thể tổng hợp, đối chiếu, phân tích thông tin, kiểm tra hóa đơn đó là giả hay thật. Việc này đòi hỏi tất cả các doanh nghiệp phải sử dụng hóa đơn điện tử.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cho rằng: “Chúng ta phải áp dụng công nghệ thông tin để kịp thời phát hiện việc gian lận thuế, mua bán hóa đơn, cách này để hạn chế làm phiền doanh nghiệp. Việc hoàn thuế VAT xuất khẩu luôn gắn với hàng hóa qua cảng, cửa khẩu, nếu để sai sót ở đây thì cán bộ hải quan, cửa khẩu phải chịu trách nhiệm".

Phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin

TP HCM là nơi thu ngân sách nhiều nhất của cả nước. Năm 2020, Cục Thuế TP hoàn thuế VAT cho gần 2.370 hồ sơ với tổng số tiền trên 14.000 tỷ đồng. Năm 2020, qua công tác thanh tra, kiểm tra hơn 22.000 doanh nghiệp, Cục Thuế thành phố phát hiện nhiều trường hợp vi phạm và truy thu, truy phạt, truy hoàn thuế trên 4.000 tỷ đồng. 

Mới đây, sau vụ Thu Duc House, ông Lê Duy Minh - Cục  trưởng Cục Thuế TP HCM cho biết, sẽ tăng cường biện pháp quản lý hoàn thuế VAT, kịp thời ngăn chặn những trường hợp gian lận.

Trong đó, Cục Thuế thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với hải quan và các ngành có liên quan đưa thông tin lên cổng chung của các đơn vị, giống như dữ liệu của thành phố thông minh. Khi đó, sở, ngành nào cần thì có thể lên lấy thông tin, về hải quan thì có thể biết doanh nghiệp mở bao nhiêu tờ khai hải quan để đối chiếu.

“Ngay từ đầu khi được cấp phép, doanh nghiệp xuất khẩu với số lượng lớn hàng hóa không đúng với bản chất ngành nghề của doanh nghiệp thì chúng ta sẽ kiểm ngay bằng hệ thống kết nối công nghệ thông tin, chứ chúng ta đi xác minh từng vụ việc thì rất vất vả và không hiệu quả” - ông Lê Duy Minh nhấn mạnh.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hàng trăm ngàn doanh nghiệp và nhiều người dân vẫn nghiêm túc đóng thuế cho Nhà nước, thì không có lý do gì lại để một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách hoàn thuế để gian lận, trục lợi, chiếm đoạt tiền thuế, ảnh hưởng đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Ngành thuế cần nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để hiện đại hóa công tác quản lý thuế và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng có để có những giải pháp hiệu quả hơn trong chống  gian lận thuế VAT./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Siết chặt kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế
Siết chặt kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế

VOV.VN - Trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế có nhiều diễn biến phức tạp trong dịp Tết Nguyên đán 2021, Tổng cục Hải quan yêu cầu tăng cường các biện pháp nghiệp vụ giám sát hoạt động này.

Siết chặt kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế

Siết chặt kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế

VOV.VN - Trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế có nhiều diễn biến phức tạp trong dịp Tết Nguyên đán 2021, Tổng cục Hải quan yêu cầu tăng cường các biện pháp nghiệp vụ giám sát hoạt động này.

Thái Lan còn thời gian để đàm phán với Mỹ về ưu đãi thuế nhập khẩu
Thái Lan còn thời gian để đàm phán với Mỹ về ưu đãi thuế nhập khẩu

VOV.VN - Thái Lan có thời gian đàm phán với Mỹ về việc đình chỉ ưu đãi miễn thuế đối với hàng nhập khẩu trước khi quyết định này có hiệu lực vào tháng 4/2020.

Thái Lan còn thời gian để đàm phán với Mỹ về ưu đãi thuế nhập khẩu

Thái Lan còn thời gian để đàm phán với Mỹ về ưu đãi thuế nhập khẩu

VOV.VN - Thái Lan có thời gian đàm phán với Mỹ về việc đình chỉ ưu đãi miễn thuế đối với hàng nhập khẩu trước khi quyết định này có hiệu lực vào tháng 4/2020.

Bộ Tài chính yêu cầu ngành thuế tăng cường chống gian lận thuế
Bộ Tài chính yêu cầu ngành thuế tăng cường chống gian lận thuế

VOV.VN - Mỗi ngày làm việc, ngành thuế phải thu được khoảng 4.000 tỷ đồng mới có thể hoàn thành dự toán của ngân sách Trung ương cũng như ngân sách địa phương.

Bộ Tài chính yêu cầu ngành thuế tăng cường chống gian lận thuế

Bộ Tài chính yêu cầu ngành thuế tăng cường chống gian lận thuế

VOV.VN - Mỗi ngày làm việc, ngành thuế phải thu được khoảng 4.000 tỷ đồng mới có thể hoàn thành dự toán của ngân sách Trung ương cũng như ngân sách địa phương.

Phá đường dây cho thuê thiết bị công nghệ để gian lận thi cử
Phá đường dây cho thuê thiết bị công nghệ để gian lận thi cử

Đối tượng Thành khai nhận đã cho hàng trăm lượt học sinh, sinh viên thuê các thiết bị công nghệ nhằm mục đích sử dụng để gian lận trong thi cử.

Phá đường dây cho thuê thiết bị công nghệ để gian lận thi cử

Phá đường dây cho thuê thiết bị công nghệ để gian lận thi cử

Đối tượng Thành khai nhận đã cho hàng trăm lượt học sinh, sinh viên thuê các thiết bị công nghệ nhằm mục đích sử dụng để gian lận trong thi cử.