Ngành công nghiệp chế biến chế tạo "oằn mình" chống chọi với Covid-19

VOV.VN - Các mặt hàng công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tới trên 80% kim ngạch xuất khẩu của cả nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch covid-19.

Giải pháp nào để công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng? Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương về vấn đề này.

PV: Thưa ông, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh đến những ngành nghề, lĩnh vực công nghiệp nào, theo các chiều cạnh (nguồn cung và thị trường) như thế nào?

Ông Nguyễn Ngọc Thành: Dịch bệnh đã ảnh hưởng cả từ phía cung (nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất) lẫn cầu (thị trường trong nước, thị trường xuất khẩu) đối với nhiều ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trọng điểm. Cụ thể: Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc và một số quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh (như Hàn Quốc, Nhật Bản) để phục vụ sản xuất.

nganh cong nghiep che bien che tao "oan minh" chong choi voi covid-19 hinh 1
Ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương (Ảnh: KT)

Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp trong các ngành chế biến, chế tạo tại Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động trở lại sau khi các quốc gia này đã qua đỉnh dịch, do đó, nguồn cung nguyên vật liệu, linh phụ kiện nhập khẩu cho các ngành sản xuất tại Việt Nam đã được phục hồi phần lớn. Các doanh nghiệp cũng đã chủ động đa dạng hóa các phương thức vận tải nhập khẩu (đường biển hoặc đường hàng không).

Ảnh hưởng về thị trường tiêu thụ, có thể thấy, ngay trong quý 1 năm 2020, việc sụt giảm nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa đã ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành sản xuất, lắp ráp ô tô; sản xuất đồ uống; sản xuất sản phẩm thuốc lá; sản xuất kim loại; thể hiện ở mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp rất thấp, thậm chí sụt giảm so với cùng kỳ 2019 như đã phân tích.

 Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu – 2 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.

 Lượng đơn hàng xuất khẩu trong các ngành dệt may, da – giày giảm ít nhất 70% do bị hoãn, hủy và tạm thời không đàm phán các đơn hàng mới trong tháng 4 và tháng 5/2020. Ngành sản xuất đồ gỗ cũng sẽ thiếu hụt một lượng lớn đơn hàng mới kể từ tháng 4/2020. Đối với ngành điện tử, dự báo các tháng tiếp theo, các đơn hàng cho ngành điện tử cũng sụt giảm rất nhiều khi thị trường tiêu thụ các sản phẩm điện tử - đặc biệt là sản phẩm điện tử thông minh – trên thế giới dự báo sẽ giảm ít nhất 10% trong năm 2020.

PV: Bộ Công Thương đã có giải pháp gì để hỗ trợ cho sản xuất công nghiệp cũng như thị trường để khơi thông sản xuất - nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm của Việt Nam?

Ông Nguyễn Ngọc Thành: Ở giai đoạn đầu, Covid-19 lan rộng ở Trung Quốc gây khó khăn cho các doanh nghiệp của Việt Nam trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu, Bộ Công Thương đã chỉ đạo hệ thống Thương vụ/Chi nhánh Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài rà soát, tìm hiểu thông tin các thị trường có khả năng cung ứng nguồn nguyên liệu thay thế cho các ngành sản xuất trong nước và làm việc thường xuyên với các Hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất lớn để nắm rõ nhu cầu, kế hoạch sản xuất kinh doanh cụ thể của các doanh nghiệp. Đến nay, về cơ bản các doanh nghiệp đã không còn khó khăn về nguồn hàng khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát ở Trung Quốc.

Để tháo gỡ cho xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở, khơi thông cho xuất khẩu, Bộ Công Thương bám rất sát tình hình từ những ngày cuối tháng 1/2020 và tham mưu với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp để vừa bảo đảm kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, vừa xử lý những ách tắc ở cửa khẩu phù hợp với diễn biến tình hình ở phía Việt Nam cũng như phía Trung Quốc.

nganh cong nghiep che bien che tao "oan minh" chong choi voi covid-19 hinh 2

Giải pháp nào để công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng? (Ảnh: KT)

Đến nay, hoạt động thông quan qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã tích cực trở lại, tuy vậy, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục theo dõi và trao đổi với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ ngành liên quan, có biện pháp khuyến nghị người nông dân điều tiết sản lượng, tạm thời hạn chế đưa hàng lên biên giới. Ngày 23 tháng 3 năm 2020, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng về việc cho phép thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu phụ trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Đối với thị trường châu Âu, Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch hành động để chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA. Kế hoạch hành động này xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện với lộ trình cụ thể.

PV: Từ thực tế khó khăn trong hoạt động sản xuất cho thấy 1 điều rất rõ ràng rằng, việc chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất là yêu cầu tất yếu. Bộ Công Thương nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Ngọc Thành: Việc đánh giá tác động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến các ngành sản xuất trong nước đã cho thấy rõ một trong những điểm yếu lớn nhất của kinh tế Việt Nam: nội lực của ngành sản xuất hạn chế, phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài. Công nghiệp hỗ trợ kém phát triển khiến Việt Nam không tự chủ được về các yếu tố đầu vào của sản xuất dẫn đến tình trạng phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu (mà việc nhập siêu các yếu tố đầu vào cho sản xuất từ Trung Quốc là tình trạng kéo dài từ rất nhiều năm trở lại đây), khiến giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp.

Qua các năm gần đây, các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến chiếm tỷ trọng cao gần 40% trong tổng doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, nhưng chỉ đóng góp khoảng gần 14% GDP, giá trị gia tăng rất thấp so với các ngành công nghiệp khác. Số liệu của OECD cũng cho thấy, 5 năm trở lại đây, trong cơ cấu giá trị gia tăng trong các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, giá trị gia tăng từ nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn, đặc biệt là từ Trung Quốc và Hàn Quốc, trong khi tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa vẫn còn thấp và chưa có nhiều chuyển dịch đáng kể (2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là hàng dệt may và hàng điện tử có tỷ lệ giá trị gia tăng trong nước chỉ lần lượt là hơn 50% và hơn 37%).

Thực trạng này sẽ không chỉ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến công nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong dài hạn trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Vì vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam trong dài hạn.       

PV: Bộ Công Thương có đề xuất giải pháp gì để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của dịch Covid-19 cả trong trước mắt cũng như lâu dài, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Thành: Bộ Công Thương đã có nhiều đề xuất chính sách với Chính phủ về các giải pháp trong ngắn hạn cũng như dài hạn để giúp các ngành công nghiệp nội địa ứng phó hiệu quả với tác động của dịch bệnh cũng như phát triển bền vững. Cụ thể, về các giải pháp khi chuyển sang giai đoạn phòng dịch mới, như: bảo đảm việc doanh nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, là những đối tượng dễ tổn thương nhất do tác động của dịch Covid-19 – có thể tiếp cận tối đa với các chính sách hỗ trợ về tín dụng, thuế và tài chính của Chính phủ nhằm giảm tối đa số doanh nghiệp bị phá sản, giải thể hoặc ngưng hoạt động do tác động của dịch bệnh.

Tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ phúc lợi cho người lao động nói riêng và cho người dân nói chung để đảm bảo an sinh xã hội, tránh gây ra các bất ổn xã hội do gia tăng tỷ lệ thất nghiệp cũng như giảm mức sống của người dân do tác động của dịch bệnh.

Đẩy nhanh việc phục hồi giao thương với Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng nguyên phụ liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất và các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để thúc đẩy lưu thông hàng hoá cho các doanh nghiệp; đồng thời tạo thêm thị trường cho các ngành như sản xuất kim loại, sản xuất đồ gỗ, nội thất...

Tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm các rào cản thị trường nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp công nghiệp đẩy mạnh hoạt động đầu tư, sản xuất; Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục giúp đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp lớn trong các ngành thép, sản xuất ô tô... để góp phần cải thiện mức tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Việt Nam có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp chế tạo và dịch vụ y tế
Việt Nam có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp chế tạo và dịch vụ y tế

Đây là đánh giá của Giám đốc Trung tâm thông tin tình báo kinh tế của Ngân hàng Thương mại Siam, khu vực tư nhân của Thái Lan

Việt Nam có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp chế tạo và dịch vụ y tế

Việt Nam có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp chế tạo và dịch vụ y tế

Đây là đánh giá của Giám đốc Trung tâm thông tin tình báo kinh tế của Ngân hàng Thương mại Siam, khu vực tư nhân của Thái Lan

Cơ hội cho ngành công nghiệp chế tạo Việt Nam
Cơ hội cho ngành công nghiệp chế tạo Việt Nam
GM - Biểu tượng của ngành công nghiệp chế tạo Mỹ sụp đổ
GM - Biểu tượng của ngành công nghiệp chế tạo Mỹ sụp đổ

Sự kiện này đánh dấu vụ phá sản lớn thứ tư trong lịch sử nước Mỹ và làm sụp đổ một trong những biểu tượng công nghiệp của nền kinh tế đầu tàu thế giới.

GM - Biểu tượng của ngành công nghiệp chế tạo Mỹ sụp đổ

GM - Biểu tượng của ngành công nghiệp chế tạo Mỹ sụp đổ

Sự kiện này đánh dấu vụ phá sản lớn thứ tư trong lịch sử nước Mỹ và làm sụp đổ một trong những biểu tượng công nghiệp của nền kinh tế đầu tàu thế giới.