Nhật Bản coi Việt Nam là cửa ngõ thúc đẩy quan hệ với ASEAN
VOV.VN -TS Hoàng Anh Tuấn: Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư và đặc biệt cơ sở hạ tầng…
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản và tham dự Hội nghị cấp cao quan hệ Đối thoại ASEAN-Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã kết thúc thành công và đạt được nhiều dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước nói riêng và khu vực ASEAN nói chung.
Điểm nhấn trong chuyến thăm này, hai Thủ tướng trao đổi và thống nhất nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy mạnh mẽ, toàn diện quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản. Thủ tướng Shinzo Abe cũng đã công bố khoản ODA trị giá 1 tỷ USD dành cho Việt Nam để triển khai các dự án thuộc đợt 2 năm tài khóa 2013.
Phóng viên VOV online đã có cuộc phỏng vấn TS Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao về kết quả chuyến thăm này.
PV: Xin ông cho biết ý nghĩa và kết quả về chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và tham dự Hội nghị cấp cao quan hệ Đối thoại ASEAN-Nhật Bản diễn ra từ ngày 12 đến 15/12/2013?
TS Hoàng Anh Tuấn: Ngay sau khi nhậm chức (12/2012), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã điện đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và tháng 1/2013 Thủ tướng Abe đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của mình.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Điều này cho thấy sự coi trọng của Nhật Bản đối với vị trí, tầm quan trọng của Việt Nam cũng như mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản đã được chính phủ và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Do đó, trong chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngoài việc tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ Đối thoại ASEAN-Nhật Bản và dự Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn hội đàm song phương với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để thúc đẩy quan hệ nhiều mặt giữa Việt Nam và Nhật Bản, đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản đi vào chiều sâu, phát triển thực chất thông qua việc cụ thể hóa một số thỏa thuận hợp tác mà hai bên đã đạt được trong chuyến thăm của Thủ tướng Abe tới Việt Nam vào tháng 1/2013 và “Chiến lược Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020”.
Ngoài ra, cùng với lãnh đạo các nước ASEAN khác, Thủ tướng cũng cũng với các nhà lãnh đạo ASEAN khác và Thủ tướng nước chủ nhà cùng bàn các biện pháp tăng cường quan và thắt chặt hơn quan hệ đối tác Nhật Bản – ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh ASEAN đang hướng tới xây dựng cộng đồng vào năm 2015.
Nhật Bản luôn là một đối tác quan trọng của Việt Nam
PV: Vậy, ông đánh giá như thế nào về vai trò của Nhật Bản trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản cũng như ASEAN - Nhật Bản, trong vòng 40 năm qua, đặc biệt về lĩnh vực kinh tế?.
TS Hoàng Anh Tuấn: Năm 2013 đánh dấu mốc 40 năm Quan hệ hữu nghị và hợp tác ASEAN – Nhật Bản cũng như quan hệ 40 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản.
Mặc dù có những lúc thăng trầm, song nhìn chung quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đã có nhiều bước phát triển tốt đẹp. Nhật Bản luôn là một đối tác quan trọng của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế. Năm 1992 Nhật Bản đã mở lại viện trợ cho Việt Nam.
Nhật Bản cũng là quốc gia G7 đầu tiên công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường (10/2011). Hiện tại Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, nhà đầu tư số một và đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam. Năm 2012, Việt Nam xuất siêu sang Nhật Bản gần 2 tỷ USD.
Ngoài kinh tế, Nhật Bản cũng là đối tác phát triển hàng đầu của Việt Nam. Từ năm 1992 đến nay, Nhật Bản đã giúp Việt Nam đào tạo khoảng 31.000 tu nghiệp sinh. Hiện có khoảng 18.000 lao động Việt Nam tại Nhật Bản và con số này vẫn liên tục tăng trong những năm gần đây.
Nhật Bản cũng giúp Việt Nam rất nhiều trong việc bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử cả ở ba miền Bắc, Trung, Nam như phố cổ Hội An, Làng cổ Đường Lâm…
Các nhà lãnh đạo ASEAN-Nhật Bản dự hội nghị (ảnh: Thành Chung) |
Đối với ASEAN, ngay từ khi thành lập, Nhật Bản đã là một đối tác tin cậy của Hiệp hội này. Hiện nay, Nhật Bản và ASEAN đang hướng đến quan hệ hợp tác toàn diện, bao gồm đối tác vì hòa bình và phát triển; đối tác vì thịnh vượng; đối tác vì chất lượng cuộc sống và đối tác “từ trái tim đến trái tim”. Trong 40 năm qua, Nhật Bản đã giúp đỡ cho sự tăng trưởng của Hiệp hội ASEAN thông qua đầu tư, thương mại cũng như viện trợ phát triển. Bản thân ASEAN cũng chiếm vị trí quan trọng đối với sự phát triển của Nhật Bản.
Nhân dịp Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần này, Nhật Bản hứa dành cho ASEAN 20 tỷ USD viện trợ ODA trong vòng 5 năm tới và 100 triệu USD cho Quỹ Hội nhập Nhật Bản-ASEAN.
Ngoài ra, trong bối cảnh Nhật Bản đang đẩy mạnh thực hiện giai đoạn 3 của chính sách Abenomics với chủ trương tăng cường vai trò khu vực và quốc tế, thì với vai trò trung tâm của ASEAN trong các cơ chế như EAS, ARF, ADMM+, ASEAN+3…, ASEAN sẽ giúp Nhật Bản phát huy ảnh hưởng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng như trên trường quốc tế.
Cam kết viện trợ chính thức 20 tỷ USD cho ASEAN
PV: Theo ông, cơ hội hợp tác giữa ASEAN – Nhật Bản thời gian tới là gì?
TS Hoàng Anh Tuấn: Mối quan hệ Đối tác ASEAN – Nhật Bản đã và đang mang lại những lợi ích to lớn cho cả hai bên và còn rất nhiều tiềm năng để hai bên tiếp tục khai thác. Hội nghị cấp cao kỷ niệm 40 quan hệ ASEAN – Nhật Bản có vai trò như một chất xúc tác để làm sâu sắc thêm và tăng cường đối tác hợp tác ASEAN - Nhật Bản trong tương lai.
Về đầu tư, Tokyo đang chuyển dịch trọng tâm đầu tư từ Trung Quốc sang ASEAN do chi phí sản xuất ở Trung Quốc đang tăng lên. Từ năm 2011, ASEAN đã trở địa bàn thứ 2 (sau EU) trong số các địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản với 18,8 tỷ USD.
Năm ngoái, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản vào ASEAN đạt 14,4 tỷ USD, vượt lên trên cả con số 13,5 tỷ USD nước này đầu tư vào Trung Quốc. Năm nay, đầu tự từ Nhật Bản vào ASEAN vẫn giữ ở mức cao, đạt 8,2 tỷ tính đến tháng 5/2013, gần gấp đôi với con số 4,2 tỷ USD đầu tư vào Trung Quốc. Do đó, đây là cơ hội lớn cho các quốc gia ASEAN tranh thủ vốn đầu tư từ Nhật Bản để phát triển kinh tế.
Về thương mại, ASEAN hiện là đối tác lớn thứ hai của Nhật Bản. Với thị trường 620 triệu dân, ASEAN được kỳ vọng là thị trường tiêu thụ lớn cho nền kinh tế hướng vào xuất khẩu của Nhật Bản. Chính vì vậy có thể nói ASEAN là một trung tâm kinh tế, đóng góp quan trọng vào sự phục hồi của của nền kinh tế Nhật Bản thông qua chính sách kinh tế Abenomics. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế Nhật Bản cũng sẽ mang đến lợi ích kinh tế cho cả khu vực ASEAN, nhất là sau khi quá trình đàm phán TPP kết thúc.
Trong lĩnh vực tài chính, Nhật Bản chủ trương giúp ASEAN ổn định thị trường tài chính khu vực và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, đầu tư thông qua việc tăng cường các thỏa thuận trao đổi tiền tệ giữa Nhật Bản và ASEAN.
Tại Hội nghị cấp cao lần này, Nhật Bản đã cam kết viện trợ chính thức 20 tỷ USD cho ASEAN, nhằm giúp khu vực xây dựng cơ sở hạ tầng và phòng ngừa thiên tai cũng như hợp tác an ninh hàng hải. Đây là cơ hội tốt để các quốc gia khu vực và Việt Nam tranh thủ để phát triển đất nước.
Việt Nam - cửa ngõ thúc đẩy quan hệ Nhật Bản- ASEAN
PV: Như vậy ASEAN đang có nhiều cơ hội để hợp tác với Nhật Bản trong thời gian tới. Vậy các quốc gia ASEAN và Việt Nam cần phải làm gì tận dụng những cơ hội này?
TS Hoàng Anh Tuấn: Những cam kết tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Nhật Bản lần này cho thấy cho thấy Nhật Bản đang hướng tới các nền kinh tế khu vực cũng như tìm kiếm cơ hội cho các doanh nghiệp Nhật Bản.
Đây là một thời cơ tốt cho các quốc gia ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng để phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh khu vực chưa thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính. Bằng việc tham gia cả Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và TPP, Nhật Bản đang là nhân tố then chốt trong quan hệ kinh tế của ASEAN, trong bối cảnh Mỹ không tham gia RCEP, còn Trung Quốc đứng ngoài TPP.
Để tận dụng được những cơ hội do Nhật Bản mang lại trong thời gian tới, thì điều quan trọng, theo tôi, ASEAN cần phải duy trì được sự đồng thuận giữa các thành viên để tạo thành một thực thể thống nhất không chỉ trong vấn đề kinh tế mà còn trong việc duy trì hòa bình, ổn định và đảm bảo việc thực thi luật pháp quốc tế cũng như có được tiếng nói chung trong các diễn đàn khu vực mà ASEAN làm trung tâm như EAS, ARF, ADMM+….
Để làm được điều này thì điều kiện tiên quyết là các quốc gia ASEAN cần thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế nội khối. Việc này đòi hỏi các quốc gia cần kiên trì mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế. Không chỉ các quốc gia ASEAN mà kể cả Nhật Bản cũng cần giúp các quốc gia ASEAN 4 thu hẹp khoảng cách phát triển với ASEAN 6.
Đối với Việt Nam, chúng ta có thuận lợi nhờ vị trí trung tâm và Nhật Bản coi Việt Nam là cửa ngõ để thúc đẩy quan hệ với ASEAN trong thời gian tới. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư và đặc biệt cơ sở hạ tầng để tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế. Có như vậy, Việt Nam mới có thể tận dụng được những cơ hội mà Quan hệ Đối tác ASEAN – Nhật Bản cũng như Đối tác Chiến lược Việt Nam - Nhật Bản mang lại.
Và với mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN 2015, chủ trương hội nhập quốc tế cũng như quyết tâm thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của Đảng và nhà nước ta, chúng ta tin rằng Việt Nam sẽ vượt qua mọi khó khăn trên, tận dụng một cách hiệu quả nhất những cơ hội Nhật Bản mạng lại, nhằm thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản cũng như quan hệ ASEAN – Nhật Bản, vì lợi ích nhân dân hai bên góp phần duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu khu vực.
PV: Xin cảm ơn ông!.