Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc TP.HCM ban hành hệ số K
VOV.VN - Hệ số K để điều chỉnh giá so với bảng giá đất nhà nước để từng bước có mức giá đất tiệm cận với giá thị trường, nhưng cũng cần làm rõ thêm cơ sở nào để đặt ra giá trị cho hệ số này.
Mới đây, UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) năm 2023 để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư lấy ý kiến người dân có đất bị thu hồi trên địa bàn. Theo đó, đối với đất ở thì mức điều chỉnh cao nhất là gấp 25 lần, còn với đất nông nghiệp là gấp 38 lần so với bảng giá đất nhà nước ban hành. Vấn đề này, nhiều chuyên gia, DN tại TP.HCM có những quan điểm khác nhau.
Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng
Ông Nguyễn Duy Thành, Tổng Giám đốc Công ty quản lý Nhà toàn cầu (Global Home) cho rằng, việc TP.HCM ban hành hệ số K là một tín hiệu tích cực, vì hiện nay thành phố đang phát triển rất nhiều công trình hạ tầng giao thông. Đơn cử như tuyến Vành đai 3 đang tiến hành cắm mốc để giải phóng mặt bằng, trong tương lai sẽ triển khai đường Vành đai 4. Việc điều chỉnh hệ số K như vậy sẽ có lợi cho người có đất bị thu hồi phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế xã hội.
Cùng quan điểm, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng, nhiều năm nay, thành phố đã áp dụng hệ số K nhưng chỉ dao động khoảng 15 lần so với bảng giá đất của nhà nước. Năm nay, hệ số K được tăng nhiều hơn vì gần đây giá bất động sản cũng đã tăng lên nhiều lần. Chính vì vậy, khi bảng giá đất chưa đến kỳ điều chỉnh (5 năm/lần), nếu áp dụng hệ số K cũ thì người dân sẽ không chịu.
Ông Nghĩa cũng lý giải thêm về việc hệ số K tăng lên, sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công mà cần phải giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân chính là vì khi giải tỏa người dân sẽ phải có nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ, muốn vậy mức giá bồi thường phải hợp lý.
“Đương nhiên giải tỏa, bồi thường phải sát giá thị trường để người ta có tiền mua chỗ khác bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Tôi cho rằng chuyện này chắc chẳn phải diễn ra vì đây sẽ là xu thế”, ông Nghĩa cho biết.
Cần làm rõ cơ sở tính hệ số K
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM đồng tình với quan điểm về việc hệ số K giúp cho việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy ý kiến người dân được thuận lợi hơn cũng như đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, theo luật sư Hậu, thời điểm này TP.HCM chưa nên ban hành hệ số K vì cơ quan soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn đang trong quá trình tiếp thu các ý kiến đóng góp và chưa biết có thay đổi gì hay không. “Giá đất phải thực hiện một cách công khai, minh bạch, làm sao tránh được những tiêu cực trong việc ban hành bảng giá đất với giá thị trường có sự chêch lệch rất nhiều”, Luật sư Hậu nói.
Theo quan điểm của ông Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao Bộ phận tư vấn đầu tư của Công ty Savills Việt Nam, khi đặt ra hệ số K để điều chỉnh giá so với bảng giá đất nhà nước, rõ ràng đây là cách để từng bước có mức giá đất tiệm cận với giá thị trường. Ông Khương bày tỏ đồng tình với việc này, tuy nhiên cũng cần làm rõ thêm cơ sở nào để đặt ra giá trị cho hệ số này. “Tại sao hệ số lại là 25 lần so với đất ở và 38 lần với đất nông nghiệp tôi vẫn chưa hiểu cơ sở cũng như cách tính toán. Đâu là cơ sở vì cũng có nhiều bàn cãi và tranh luận xung quanh vấn đề này”, ông Khương thắc mắc.
Mấu chốt của vấn đề nằm ở bảng giá đất do nhà nước ban hành và mục tiêu có mức giá bồi thường sát với giá thị trường. Do đó, hệ số K cao đến đâu mà không “sát giá thị trường” thì cơ quan quản lý vẫn còn loay hoay với câu chuyện người dân khó đồng thuận với mức áp giá bồi thường khi giải phóng mặt bằng./.