Nợ xấu của DNNN: Chỉ mua với giá 10-20% giá trị
VOV.VN -Theo qui định là phải mua - bán theo giá thị trường nhưng cốt lõi là món nợ đó có bán được hay không?
Ông Phạm Thanh Quang - Tổng giám đốc DATC cho biết: "Các khoản nợ của DNNN đều được DATC mua với giá rất thấp và hầu hết không có tài sản đảm bảo. Bởi thực tế, các khoản nợ này gần như là khó đòi, không thu được. Thông thường, DATC chỉ mua với giá 10%-20%, 30% giá trị sổ sách đổ lại. Mua như vậy là mình mua rủi ro. DATC mua rẻ như vậy nhưng mình vẫn phải chịu rủi ro".
PV: Thưa ông, Chính phủ đã cho phép DNNN được bán nợ xấu. Theo qui định thì các khoản nợ này phải có tài sản đảm bảo. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Phạm Thanh Quang: Thực ra, có tài sản đảm bảo thì tốt hơn và an toàn hơn. Nhưng ở ta, đâu phải “đè” nhà máy, nhà xưởng ra để bán và thu tiền ngay được. Mua nợ ở đây chủ yếu là để tái cấu trúc DN. Mục tiêu là nhưng vậy, còn hãn hữu lắm không lấy ra được thì buộc phải bán tài sản để thu nợ và phải thỏa thuận với chủ nợ, con nợ để giải quyết. Đến khi hết cách thì mới bán tài sản đảm bảo.
Thực ra một DN có nhiều khoản nợ khác liên quan. Cho nên khi mua bán nợ phải đàm phán được cả những khoản nợ liên quan thì mới xây dựng phương án mua được… Nghị định qui định như vậy nhưng không đơn giản, để đi vào hoạt động thì rất phức tạp, không phải đơn thuần chỉ liên quan đến một khoản nợ mà phải tổng thể như nợ ngân hàng, nợ DN khác, nợ thuế, bảo hiểm… Khi đặt vấn đề mua nợ xấu thì phải xem xét kỹ liệu DN có phục hồi không? Cái quan trọng là nếu nó không phục hồi thì chẳng có ý nghĩa gì cả, chỉ là một thuật toán thôi.
PV: DNNN chỉ được bán khoản nợ đã được trích lập dự phòng rủi ro theo qui định. Người bán và người mua phải được thỏa thuận giá. Nhưng nếu bán lỗ thì người đứng đầu DN phải chịu trách nhiệm. Nghe chừng đây là một qui định rất khó thực hiện, thưa ông?
Ông Phạm Thanh Quang: Qui định này chỉ nói tới vế xử lý tồn tại của DNNN, TCT để giải quyết tồn tại ấy. Giờ phát sinh rất nhiều khoản nợ phải thu mà không thu được (nợ khó đòi) thì phải xử lý thế nào? Nhiều DN đã phải treo mãi khoản nợ đến giờ phải bán ra để thu nợ. DATC đã có mấy nghìn tỷ như vậy rồi nhưng có thu được đâu. Trên sổ thì vẫn cân bằng nhưng không thu được, ảnh hưởng đến vốn, nhưng lại không hạch toán lỗ. Đến khi thua lỗ, phải trích lập dự phòng thì mới tính vào sổ sách. Đến bây giờ phải trích lập dự phòng rủi ro thì phải có lãi, mới có nguồn bù đắp, hạch toán, tính toán.
PV: Khi mua một khoản nợ của DNNN phải mua theo giá thị trường, theo ông có khả thi?
Ông Phạm Thanh Quang: Thực ra, nếu để mãi thì DN cũng không thu được nợ và không thể nào thu được, sẽ tăng nợ phải trả. Nếu bán lại cho DATC hay một tổ chức tài chính nào đó với giá chỉ bằng 10%, 15% giá trị... thì vẫn thu được một khoản về để lấy nguồn quay vòng hoạt động. Khi trích lập dự phòng xong rồi, bán đi thì DN còn có tiền thu về, xóa bớt nợ cho các phần vay của DN khác.
Mình là chủ nợ rồi thì phải cơ cấu lại để chuyển nợ thành vốn góp, xóa bớt nợ, thậm chí là mua lại công nợ khác, góp thêm vốn hay thậm chí là việc mua lại các khoản nợ khác… Nói là mua khoản nợ nhưng phải tính toán, đánh giá rất kỹ các vấn đề liên quan để xác định có mua được không, mua giá bao nhiêu… có phục hồi được DN không và có thu được khoản nợ về hay không.
PV: Nhưng nếu mua với giá quá thấp thì lại DN lại tiếp tục rơi vào cảnh thua lỗ, thưa ông?
Ông Phạm Thanh Quang: Cuối cùng vẫn phải là anh có bán được nợ không. Khi nào anh bán được thì theo giá thị trường còn nếu không bán được thì chẳng giải quyết được gì cả.
Nói chung, các khoản nợ đều được mua với giá rất thấp và hầu hết không có tài sản đảm bảo. Khoản nợ của DN gần như là khó đòi, không thu được. Thông thường, DATC chỉ mua với giá 10%-20%, 30% đổ lại mà vẫn phải chịu rủi ro. Vì vốn dĩ các khoản nợ xấu đã là khó rồi, bao năm không thu hồi được, thậm chí là đã đưa nhau ra tòa án…
PV: Có ý kiến cho rằng, với những DN quá “bê bết” thì nên để phá sản, ông có đồng ý với quan điểm này?
Ông Phạm Thanh Quang: Theo tôi vẫn phải lựa chọn phương án. Bình thường DN không trả được nợ đã rơi vào tình trạng DN phá sản rồi. Thế nhưng, phải xác định có cứu được không, cứu thì được cái gì, không cứu thì có tốt hơn… Nếu để cứu nó mà phải bỏ nhiều tiền, công sức mà hiệu quả xã hội không có gì thì cho phá sản là xong.
Nếu cứu mà giải quyết được việc làm cho người lao động, ổn định xã hội và nhiều hệ lụy khác thì nên cứu.
Nói phá sản chỉ là một câu rất đơn giản và chỉ là về lý thuyết. Nhiều DN thực tế đã phá sản 10 năm nay rồi nhưng không phá sản được. Bởi lẽ, thủ tục phá sản của mình rất nhiêu khê cho nên chết không chôn được.
PV: Xin cảm ơn ông!/.