Nợ xấu của DNNN muốn bán cũng không dễ!
VOV.VN -Trong khi đó, khả năng hỗ trợ của ngân sách nhà nước để giảm nợ của khu vực DNNN sẽ vô cùng khó khăn.
Một cách dễ thấy nhất, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước là khu vực DNNN có quy mô lớn nhưng hoạt động kém hiệu quả đã góp phần kéo dài giai đoạn suy thoái kinh tế của Việt Nam hiện nay. Điều này thể hiện bằng các con số thua lỗ hoặc lợi nhuận thấp, như các trường hợp của Vinashin và Vinalines và nhiều tập đoàn kinh tế khác.
Bên cạnh việc là tác nhân đóng góp trực tiếp làm cho kinh tế suy giảm, khu vực DNNN còn gây ra nợ xấu đáng kể cho hệ thống tín dụng. Nợ xấu từ khu vực DNNN rất khó giải quyết là một trong những nguyên nhân chính khiến cho tín dụng của nền kinh tế bị đóng băng như trong hai năm vừa qua. Hơn nữa, khi các DNNN thu hẹp sản xuất để tái cơ cấu, cầu từ khu vực này đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân sẽ bị sụt giảm. Các kênh tác động này tạo ra sự suy giảm sản xuất chung của toàn bộ nền kinh tế.
Sản xuất kinh doanh năm sau thấp hơn năm trước
Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN của Chính phủ, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực DNNN năm 2012 tiếp tục giảm sút so với năm 2011. Cụ thể, tổng nợ của 73 tập đoàn kinh tế và tổng công ty là 1.334.903 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân là 1,82 (so với 1,77 năm 2011); tổng tài sản/nợ phải trả là 1,6. Tổng lợi nhuận trước thuế giảm 5% so với năm 2011, tổng nộp ngân sách giảm 12% so với số thực hiện năm 2011. Lỗ của các tập đoàn và tổng công ty khoảng 2.253 tỷ đồng, và có 10 đơn vị có số lỗ lũy kế lên đến tổng cộng 17.730 tỷ đồng.
Vinashin là dẫn chứng điển hình về DNNN thua lỗ |
Thực trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau cũng được phản ánh thông qua các số liệu tài chính của khối các tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN ngày 16/1/2013, nợ phải thu của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2012 là 326.556 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2011. Trong khi đó tổng doanh thu của khu vực này chỉ đạt 1.621.000 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2011. Như vậy, hệ số vòng quay các khoản phải thu của khu vực tập đoàn, tổng công ty nhà nước chỉ ở mức 4,96 thấp hơn mức 5,35 của năm 2011, cho thấy khu vực này cũng bị chiếm dụng vốn ngày càng nhiều. Nợ xấu khu vực DNNN chiếm tỷ trọng lớn nhưng rất khó giải quyết bằng giải pháp thị trường.
Khu vực DNNN không đứng ngoài khó khăn chung mà các các doanh nghiệp trong cả nước đang phải đối mặt. Không những thế, các DNNN còn có thể bị coi như là nguyên nhân gây ra nợ xấu và những mất cân đối lớn về cơ cấu kinh tế hiện nay.
Theo Đề án tái cấu trúc khu vực DNNN thì tính đến tháng 9/2011 dư nợ vay ngân hàng của các doanh nghiệp nhà nước lớn đạt trên 415.000 tỷ đồng, tương đương gần 17% tổng dự nợ tín dụng tại các ngân hàng.
Số liệu cập nhật cho năm 2012 từ báo cáo của UBGSTCQG thì khu vực DNNN chiếm 18% tổng dư nợ toàn hệ thống, tương đương 494 nghìn tỷ đồng. Nợ vay của 12 tập đoàn kinh tế nhà nước lên tới gần 218.740 tỷ đồng. Trong đó dư nợ lớn nhất thuộc về Tập đoàn Dầu khí (PVN - 72.300 tỷ), Điện lực (EVN - 62.800 tỷ đồng), Than và khoáng sản (Vinacomin - 19.600 tỷ đồng).
Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tính đến cuối 2012, nợ xấu của DNNN chiếm 11,82% tổng nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và 5,05% dư nợ đối với DNNN. Từ những số liệu này thì số nợ xấu của khu vực DNNN có thể ước tính là 24,95 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, UBGSTCQG cũng lưu ý rằng tỷ lệ nợ xấu này chưa bao gồm nợ xấu của Vinashin tại các tổ chức tín dụng trong nước (ước tính khoảng 19,8 nghìn tỷ đồng năm 2010) và nợ đã được cơ cấu lại theo Quyết định 780 của NHNN (ước chiếm khoảng 10% tổng dư nợ năm 2012). Theo tính toán này thì nợ xấu và nợ cơ cấu lại của khu vực DNNN năm 2012, bao gồm cả nợ được cơ cấu lại cho Vinashin, sẽ vào khoảng 44,75 nghìn tỷ đồng. Nếu như phần khu vực DNNN còn lại (không kể Vinashin) chiếm 15% phần nợ đã được các tổ chức tín dụng cho cơ cấu lại (ước khoảng 28,3 nghìn tỷ đồng) thì tổng số nợ xấu và nợ cơ cấu lại của khu vực DNNN sẽ vào khoảng 73,05 nghìn tỷ đồng.
Một đặc điểm nữa về nợ xấu của khu vực DNNN cần lưu ý là khu vực này được vay ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển (VDB) và tỷ lệ nợ xấu ở VDB cũng rất lớn. Theo báo cáo Kiểm toán Nhà nước về tình hình hoạt động kinh doanh của các tổ chức tài chính thì tỷ lệ
nợ xấu của VDB ở mức 12,05% vào cuối 2010. Với tình hình nợ xấu chung của toàn hệ thống năm 2011 cao hơn năm 2010 và năm 2012 lại cao hơn 2011 thì tỷ lệ nợ xấu của VDB hiện tại có thể cao hơn rất nhiều con số trên. Bởi nợ xấu tại VDB được tính riêng, ngoài số nợ xấu tại hệ thống các tổ chức tín dụng, nên nếu tính gộp cả nợ tại VDB
thì con số nợ xấu và nợ phải cơ cấu lại tại khu vực DNNN sẽ còn lớn hơn các con số ước tính ở trên.
Nợ của DNNN - thách thức của nền kinh tế
Nợ xấu tại khu vực DNNN rất khó giải quyết. Khác với các DN tư nhân, có thể dễ dàng bán tài sản hoặc nhượng cổ phần cho các doanh nghiệp khác để có tiền trả nợ ngân hàng nhằm tránh phá sản, các DNNN rất khó có thể bán tài sản hoặc cổ phần nhà nước theo giá
thị trường trong giai đoạn kinh tế suy giảm. Vì vậy, các khoản nợ mà các DNNN vay thường phải trông đợi vào sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước dưới các hình thức xóa nợ, khoanh nợ, chuyển nợ, bổ sung vốn...
Tại Diễn đàn đối tác Phát triển Việt Nam 2013, Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách; ban hành và triển khai thực hiện Nghị định về phân công, phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN và phần vốn Nhà nước đầu tư vào DN. Tính đến tháng 6/2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 17/21 đề án tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước (TCT91), quyết định dừng thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế đối với 2 tập đoàn ngành xây dựng. Các Bộ đã phê duyệt 26 đề án tái cơ cấu tổng công ty trực thuộc. Về cơ bản đã hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp giai đoạn 2011-2015 trên phạm vi toàn quốc (99/101 đề án đã trình). Năm 2012 cổ phần hóa được 13 DN, 9 tháng năm 2013 cổ phần hóa được 27 DN. Số DN 100% vốn Nhà nước giảm từ 5.655 doanh nghiệp năm 2001 đến nay còn 1.257 doanh nghiệp. Hiện nay, DNNN đóng góp trên 33% tăng trưởng GDP, trên 30% tổng thu ngân sách Nhà nước (chưa tính thu từ dầu thô qua Tập đoàn Dầu khí).
Bộ trưởng Vinh cũng thừa nhận, việc cơ cấu lại các DNNN, cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN còn chậm và gặp những khó khăn, vướng mắc do không có đủ nguồn lực để hỗ trợ tài chính và những cản trở bởi khuôn khổ pháp lý. Việc tách chức năng quản lý Nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước còn lúng túng, quản trị DN chậm đổi mới, hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn thấp.
Còn theo quan sát của ông Seck Yee Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Singapore (SBG) tại Việt Nam, nhiều DNNN đang hoạt động thiếu hiệu quả, phát sinh lỗ với dư nợ trong nước của DNNN đã lên tới khoảng 145.000 tỷ VND, trong đó 20-30% là nợ không thể hoàn trả”. Ông Seck Yee Chung cho rằng, khi DNNN trở thành gánh nặng cho nền kinh tế thì cải cách khu vực này sẽ là đòi hỏi thiết yếu để bảo đảm nền kinh tế Việt Nam đi đúng hướng.
Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV), ông Sato Motonobu cho rằng, để tái cơ cấu nền kinh tế hiệu quả thì đặc biệt yêu cầu cần phải tái cơ cấu triệt để các DNNN. Thực tế hiện nay, đang có một sân chơi không bình đẳng giữa DNNN và tư nhân trong cách tiếp cận vốn. Trong khi các DNNN có thể xin cấp vốn từ các tổ chức tài chính, thì có rất nhiều trường hợp các DN tư nhân xin vay vốn vô cùng khó khăn.
Ông Sato Motonobu lo ngại, tình trạng này nếu cứ tiếp diễn thì dòng vốn sẽ chỉ chảy đến các DNNN có hiệu suất kinh doanh thấp và năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng sẽ không còn.
Nghị định 206 về quản lý nợ do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ vừa chính thức có hiệu lực, được nhiều người hy vọng sẽ “thổi” một luồng sinh khí mới vào số nợ xấu mà các DNNN đang nắm giữ. Bởi lẽ, Nghị định này cho phép doanh nghiệp được quyền bán các khoản nợ phải thu đã quá hạn thanh toán, nợ phải thu khó đòi, nợ phải thu không đòi được để thu hồi vốn trên nguyên tắc trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định. Doanh nghiệp chỉ được bán nợ cho các tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh mua bán nợ, không được bán nợ trực tiếp cho khách nợ.
Hiệu quả của Nghị định với thực tế còn cần thời gian nhưng đến giờ này các khoản nợ xấu của DNNN đang thực sự đè nặng lên toàn bộ nền kinh tế. Bởi thời gian qua, các hình thức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, từ khoanh nợ (chẳng hạn như việc khoanh nợ cho Vinashin tại các NHTM), hình thức chuyển nợ (như của Vinashin cho Vinalines và PVN) có thể khiến các DNNN khác lâm vào khó khăn và cuối cùng gánh nặng lại đè lên vai Nhà nước; hình thức bổ sung vốn (như tăng vốn điều lệ cho Vinashin từ 9.000 tỷ lên 14.655 tỷ đồng) thì đó vẫn là tiền từ ngân sách nhà nước. Khoản vay 45 triệu USD từ ngân hàng ANZ cho dự án Xi măng Đồng Bành do Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) hay Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE) đầu tư cũng được Bộ Tài chính đứng ra bảo lãnh khi dự án này rơi vào tình trạng thua lỗ không trả được nợ.
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính, trong bối cảnh tỷ lệ nợ công của Việt Nam ở mức cao 54,9% GDP cuối năm 2011, và thâm hụt ngân sách trong năm 2012 tăng trở lại mức 4,8% GDP từ mức 4,4% GDP năm 2011, thì khả năng hỗ trợ của ngân sách nhà nước để giảm nợ của khu vực DNNN sẽ vô cùng khó khăn. Điều này hàm ý rằng việc giải quyết nợ xấu của khu vực DNNN sẽ thực sự là một bài toán nan giải đối với Việt Nam./.