Sự thật chuyện nông dân bỏ ruộng
VOV.VN-Thu nhập từ làm ruộng quá thấp, nông dân “cực chẳng đã” phải bỏ ruộng tìm việc mưu sinh, tương lai họ chờ “trời sinh voi sẽ sinh cỏ"...
Một sào lãi… 300.000 đồng!
Thái Bình là một tỉnh thuần nông ở đồng bằng Sông Hồng, cũng vốn là vùng đất lúa nổi tiếng từ thời đất nước còn chưa thống nhất. Những tưởng “bờ xôi, ruộng mật” mãi là máu thịt của nông dân nơi đây. Vậy mà nay, dẫn chúng tôi ra thăm cánh Đồng Khơi, một trong những cánh đồng vốn màu mỡ tại Thái Bình, ông Nguyễn Quốc Trị, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Vĩnh Thắng, xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình, trầm ngâm: “Cả khu ruộng này rộng 13 ha, đã bỏ không cho cỏ mọc từ 5 năm nay rồi. Tiếc lắm...”.
Ông Nguyễn Quốc Trị trước cánh Đồng Khơi |
Đăm chiêu nhìn cánh đồng cỏ mọc và như bị chặt ra thành nhiều khúc vì đường giao thông và nhà tầng, ông Trị kể: “Khu đất này trước bà con thường trầm trồ là “chiêm sau chùa, mùa Đồng Khơi” vì nó màu mỡ, hiệu quả. Nhưng từ khi làm đường giao thông tránh thành phố, rồi có chủ trương nâng cấp xã Phú Xuân lên phường, nó thành bãi cỏ hoang. Hơn 100 hộ dân có ruộng bỏ hoang trong đó”.
Bài 1: Sự thật chuyện nông dân bỏ ruộng
Bài 2: “Ôm” ruộng, ôm buồn và ôm… nợ
Bài 3: “Cởi trói” cho nông nghiệp từ tư duy nhà quản lý
Bài 4: Cần thực chất hóa các liên kết trong nông nghiệp
Bài 5: Giải pháp nào gia tăng giá trị nông sản?
Vóc người nhỏ thó, khuôn mặt sạm đen, nhễ nhại mồ hôi, chị Liễu bảo: “Tôi đi tìm việc làm từ sáng đến giờ chưa được. Trông vào mấy sào ruộng, chả đủ ăn...”.
Nhà chị Liễu 5 nhân khẩu, được chia 6,2 sào ruộng, trong đó 2,1 sào ở Đồng Khơi đã phải bỏ trắng mấy năm nay vì không thể tưới tiêu, rồi chuột phá, sâu hại. Còn 4,1 sào đang cấy, chị Liễu nhẩm tính: Nếu được mùa thì bình quân năng suất được khoảng 3 tạ lúa/sào/năm. Tiền mua phân bón, vật tư... mỗi sào, gồm: 150.000 đồng cày bừa, 150.000 đồng phân bón, 50.000 đồng thuốc diệt ốc và diệt cỏ, thuốc sâu 60.000 đồng, tuốt lúa 50.000 đồng, thuốc đánh chuột 20.000 đồng; tiền công cấy, gặt… chưa tính.
Khi thu hoạch, bán lúa nếu được giá 600.000 đồng/tạ, sẽ thu được khoảng 1 triệu đồng/sào/vụ. Trừ chi phí, lãi khoảng 500.000 đồng/sào/vụ.
Đó là nhà chị Liễu tự bỏ sức ra làm, lấy công làm lãi. Nếu phải thuê cấy, thuê gặt, coi như hòa, thậm chí lỗ.
“Giá như số ruộng ở Đồng Khơi không phải bỏ trắng, mỗi năm chỗ đó cũng thu thêm được 5,5 tạ, thêm vào cho đỡ công lam lũ. Đằng này…”- chị Liễu thở dài. Vì thế mà giờ đây, hằng ngày chồng chị Liễu đi làm thợ xây trong thành phố. Còn những lúc rỗi vụ, chị Liễu cũng “đi làm phụ hồ, vì nếu bám vào ruộng lấy tiền đâu nuôi con đi học”.
Chị Liễu: Vừa xong vụ, cả nhà chỉ có bằng này thóc! |
Làm thuê thêm ngoài ruộng đồng như thế, mỗi tháng vợ chồng chị Liễu cũng kiếm thêm được khoảng 4,5 triệu đồng. Chị Liễu bảo: “Tôi đã 46 tuổi rồi, không đi làm công nhân được nên phải cố, chứ tội gì mà làm ruộng, bỏ quách cho xong… Ngay 4 sào nhà tôi đang cấy thì 1,3 sào thường xuyên bị ngập úng, lắm vụ cấy mà không được thu…”.
Là một lão nông làm ruộng “gia truyền”, ông Trị đồng tình với chị Liễu: “Nhà tôi có hơn 2 sào ruộng. Biết làm không có lãi, nhưng vẫn phải làm, vì tôi không làm thì ai làm? Là cán bộ, tôi phải làm gương thôi…!”.
Ông Trị còn bảo, ở xã này, cánh trẻ khỏe họ đi làm công nhân trong khu công nghiệp hoặc lên các thành phố làm thuê cả rồi. Làng giờ vắng lắm. Mà phải thôi, nếu làm công nhân, ít nhất cũng được 2,5-2,8 triệu đồng/tháng/người. Chứ làm ruộng, quần quật mấy tháng, lãi chỉ vài trăm nghìn/sào.
Theo ông Trị, từ khi có chủ trương xã Phú Xuân sẽ trở thành phường, không có đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp ở đây nữa, mặc dù đồng đất vẫn nông nghiệp. Trước khi làm đường tránh quốc lộ 10, cấp trên bảo sẽ làm đường gom để nhân dân đi làm đồng, nhưng đến nay vẫn không có. Thủy lợi cũng không có, nên dân bỏ ruộng. “Thấy đất bỏ hoang thì tiếc lắm chứ. Chúng tôi cũng đã kêu lên trên, kêu cả lên đại biểu Quốc hội rồi. Nhưng tiếp xúc cử tri xong, không thấy ai phản hồi gì cả!”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, cho rằng: “Chuyện đó không đáng lo. Cả xã có 21,7 ha bỏ hoang như Đồng Khơi. Nhưng vẫn còn gần 200 ha cấy trồng được (trước là 450 ha đất lúa, nay đã bị thu hồi hơn 200 ha). Mà diện tích còn lại cũng đã quy hoạch làm công nghiệp, dịch vụ thương mại… Dự án có cả rồi, chỉ chờ nhà đầu tư. Nếu từ nay đến năm 2020 các nhà đầu tư tích cực vào thì đất nông nghiệp ở đây sẽ hầu như không còn.”
Hơn nữa, cùng theo ông Lâm: “Thành phố đang rất tích cực để tháng 6/2014 lên đô thị loại 2. Đương nhiên, trong đó xã Phú Xuân sẽ thành phường. Hiện tại, Phú Xuân thuận lợi là có mấy khu công nghiệp quanh đây, bà con mở nhà trọ, nấu cơm bán cho công nhân, hoặc đi làm công nhân. Đơn cử, bán nồi canh mỗi ngày lãi 40.000 đồng cũng đủ ăn. Còn làm công nhân ít nhất cũng được 2 triệu đồng/tháng/người, quy ra 4 tạ thóc. Như thế thì ai làm ruộng nữa”.
Không biết khi nào xã mới “lên đời” được như ông Lâm đang kỳ vọng. Trước mắt, nhiều bà con ở thôn Thắng Cựu rất sợ xã sẽ lên phường. Như chị Bùi Thị Hà, một nông dân năm nay 40 tuổi, ở xóm 2, than thở: “Từ ngày dập rìu lên phố, thấy đã khổ hơn. Chúng tôi không thích lên phố đâu. Lên thì con cái đi học tốn kém hơn, ưu tiên ít đi. Rồi thì chịu nước thải, ô nhiễm…”.
Ai mua ruộng, được giá sẽ bán ngay
Đất nông nghiệp bỏ hoang hiện chiếm khoảng 10% diện tích đất lúa tại HTX Vĩnh Thắng, chủ yếu do đô thị hóa. Ông Trị bảo, bà con mong được đầu tư xây kênh mương hoặc trạm bơm để tưới tiêu, sẽ không bỏ hoang ruộng nữa. Nhưng vì chờ mãi không thấy đầu tư gì, thành thử “khu này, nếu ai trả tiền mua lại ruộng, dân bán luôn”.
Những tưởng chuyện ở xã Phú Xuân là hiếm, nhưng khi đến tỉnh Hải Dương (cũng là một vựa lúa), chúng tôi vẫn gặp lại cảnh nhiều nông bỏ ruộng và sẵn sàng bán ruộng nếu được giá.
Tại thôn Mạc Động (xã Tân Dân, thị xã Chí Linh), ông Trưởng thôn Nguyễn Văn Trường cho biết: “Thôn có gần 50 hộ bỏ ruộng trắng gần 3 ha từ 2 năm nay. Do giá cả vật tư, dịch vụ đầu vào cao, giá lúa thì thấp, dân không có lãi. Rồi cả chuột, sâu bệnh phá hoại quá…”.
Ông Nguyễn Tiến Thắng, một lão nông ở thôn Mạc Động kể rất hào hứng: “Nhà tôi có 8 sào ruộng, nhưng hiện tại chỉ cấy 3 sào, 5 sào cho người khác nhưng họ cũng bỏ trắng vì làm thì lỗ...”.
Nhà ông Thắng giờ làm dịch vụ buôn bán nhỏ (tạp hóa), “lãi cũng đủ sống, nhưng là đủ tồn tại, chứ không phát triển được. Bỏ ruộng hoang như thế thì tiếc, nhưng tôi làm dịch vụ, mỗi buổi sáng dù kiếm được 5.000 đồng vẫn còn thấy đáng hơn làm lúa”- ông Thắng đứng trước cửa hàng tạp hóa của mình ở ngã ba đầu làng mà kể.
Đó là nhà ông Thắng còn có tí điều kiện mà buôn bán như thế, chứ dân làng Mạc Động bỏ ruộng là đi làm thuê đủ nghề từ gánh gạch, làm thợ xây, thợ hồ hoặc lên thành phố làm thuê, cửu vạn…
Cách tính toán, ứng xử với ruộng đồng như ông Thắng cũng là dễ hiểu. Nhưng ông Thắng khiến chúng tôi giật mình với giãi bày tâm nguyện rằng: “Nguyện vọng của chúng tôi là bán ruộng, chỉ cần để ít thôi. Tới 70% dân làng muốn bỏ ruộng rồi, nếu có công ty đến mua 60-70 triệu đồng/sào, tôi bán ruộng ngay. Bán ruộng, có tiền tôi sẽ đầu tư cho con cái học hành, chăn nuôi, làm dịch vụ. Hoặc thà rằng bán ruộng lấy tiền gửi ngân hàng lấy lãi còn hơn. Nếu bảo cho ruộng, sẽ không ai cho, cứ giữ đó chờ có dự án sẽ được đền bù”.
Còn tại huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, ông Phạm Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Tố, cho biết: “Nông dân ở đây làm lúa hiện rất khó khăn. Nếu thuận mùa, công bà con chỉ được 15.000-20.000 đồng/người/ngày. Vì thế mà hơn 100 hộ dân đã bỏ hoang 6,8 ha ruộng”.
Là một trong số cả trăm hộ dân có ruộng bỏ hoang tại xã Văn Tố, anh Nguyễn Đức Đưởng, ở thôn La Giang, kể: “Nhà có 8 sào, nay bỏ hoang 4 sào, dù tất cả đều là đất tốt. Tôi giờ đi làm thợ xây, còn vợ đi làm công nhân. Giờ có ai mua ruộng là tôi bán luôn, lấy tiền tính cách làm việc khác”.
Bỏ ruộng, rời quê
Thấy nhiều nông dân muốn bán ruộng, chúng tôi hỏi: Nhà nông mà bán ruộng, rồi tính sao? Con cái sau này nữa? Lập tức anh Đưởng đáp: “Đến đời con thì tính sau. Bán ruộng tìm việc khác, ăn đong. Giờ đi xây cũng hơn cấy ruộng rồi”.
Anh Đưởng và anh Lộc rời bỏ ruộng đồng đi làm thợ xây |
Cùng thôn với anh Đưởng, anh Nguyễn Văn Lộc còn cho biết: Vợ chồng tôi có đi làm phụ hồ cũng được 150.000 đồng/ngày, hơn làm ruộng nhiều. Biết là tấc đất tấc vàng, bỏ hoang thì tiếc, nhưng cố “đấm” thì càng chết. Bắt buộc phải bỏ ruộng đi làm thuê, may ra còn đủ ăn và đóng học cho con”.
Xem ra, chuyện người nông dân bỏ ruộng có nhiều nguồn cơn, nhưng vẫn chung một mấu chốt là làm ruộng thu nhập quá thấp. Họ bỏ ruộng không phải vì chán nghề mà vì nghề không đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của họ. Nhưng nếu không có những giải pháp kịp thời, nông dân và con cháu họ sẽ ra sao, nếu từ hôm nay họ nhẹ buông ruộng đồng mà hướng đến một tương lai như anh Lộc nhận định: “Nếu cứ đà này, người bỏ ruộng còn nhiều nữa. Vì đẻ con ra không thể bỏ hoang, phải tìm cách cho nó ăn học, phải bỏ ruộng xoay việc khác. Chúng tôi giờ “trâu già khó uốn sừng” rồi, tìm được nghề khác không dễ. Dân làng tôi đặc thuần nông, giờ phải bỏ ruộng không biết vài năm nữa sẽ thế nào. Nhưng đành, mong trời sinh voi trời sinh cỏ, nước đến đâu ta chạy đến đó, chứ biết sao?./.
Đón đọc bài 2: “Ôm” ruộng, ôm buồn và ôm… nợ