Tẩu tán tài sản tham nhũng ra nước ngoài: Phải phòng ngừa
VOV.VN -Đây là một trong nhiều giải pháp phòng chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng được bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam đề xuất.
Thu hồi tài sản tham nhũng mới đạt 22,3%
Tham luận tại Đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 13, đề cập thực trạng thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp dẫn số liệu của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, cho biết: từ ngày 1/10/2010 đến 30/4/2013, tổng giá trị tài sản tham nhũng và thiệt hại do tham nhũng gây ra được phát hiện và xác định khoảng trên 17.000 tỷ đồng; tổng giá trị tài sản thu hồi được khoảng gần 5.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 29,4%).
Hiệu quả chống tham nhũng, rửa tiền ở Việt Nam còn thấp (Ảnh minh họa: KT)
Còn báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014 của Chính phủ, qua thanh tra, các cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện 54 vụ tham nhũng với số tiền 68,5 tỷ đồng, thu hồi 46,9 tỷ đồng (đạt 68,5%, tăng 18,3% so với năm 2013); lực lượng cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý 415 vụ án về tham nhũng với số tiền thiệt hại trên 6.740 tỷ đồng, đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 1.500 tỷ đồng (đạt 22,3%, tăng 14,1% so với năm 2013).
“Cơ quan tình báo về tài chính của Việt Nam (Cục Phòng chống rửa tiền- Ngân hàng Nhà nước) cũng khẳng định, những thông tin về giao dịch đáng ngờ và những thông tin về tình báo tài chính khác đã được cơ quan này gửi đến các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có một vụ việc nào về rửa tiền hay tham nhũng được xử lý dựa trên cơ sở những thông tin này. Cũng chưa có thông tin về các vụ việc Việt Nam chủ động cung cấp thông tin tình báo tài chính cho các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài và ngược lại”- ông Tú lưu ý.
Phải đặc biệt lưu ý chống rửa tiền
Mặc dù thực tế thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam đã có tiến triển nhất định, nhưng tỷ lệ được thu hồi còn thấp so với giá trị tài sản thiệt hại do tham nhũng gây ra. Tại Đối thoại về phòng chống tham nhũng lần này, nhiều đối tác quốc tế của Việt Nam đã đưa ra nhiều bài học kinh nghiệm mang tính gợi ý cho Việt Nam.
Theo Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, Ngài Giles Lever, cho biết: Vương quốc Anh được ghi nhận là một trong các quốc gia có chính sách hiệu quả trong thu hồi tài sản tham nhũng, và các đối tượng vi phạm sẽ không được hưởng lợi gì từ hành động vi phạm đó. Song thực tế, ở Anh, hệ thống tòa án hình sự, truy tố, cảnh sát vẫn nhận thấy công tác thu hồi tài tham nhũng chưa cao như kỳ vọng, vẫn còn những chỉ trích từ phía người dân về vấn đề này.
Cho nên, theo Đại sứ, thu hồi tài sản tham nhũng là vấn đề khó khăn, và nó không chỉ là vấn đề riêng của Việt Nam. Kinh nghiệm tại Anh cho thấy, quá trình thu hồi tài sản không qua bản án hình sự thì đòi hỏi phải có các nhà công tố, điều tra, lực lượng cảnh sát có kỹ năng nghề nghiệp rất tốt mới làm được.
Đặc biệt, ở Vương quốc Anh đã áp dụng giải pháp sử dụng 50% giá trị tài sản bắt được dựa trên bản án để phục vụ công tác nâng cao năng lực kỹ năng điều tra… của các nhân viên thu hồi tài sản. “Đây là hình thức động viên hữu ích cho lực lượng tham gia”- Đại sứ nhấn mạnh.
Còn bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã có Luật Phòng chống rửa tiền từ năm 2012, có Cục Phòng chống tham nhũng… Tức là đã có cơ hội cải tiến khung khổ pháp lý về PCTN, nhưng thực thi còn chồng chéo giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an…
Cho nên, theo bà Kwakwa, vấn đề là Việt Nam cần tìm cách để tránh chồng chéo này, phải xác định rõ nhiệm vụ, vai trò từng bên để phối hợp hiệu quả. Đặc biệt, bà Kwakwa khuyến nghị, Việt Nam cần ngăn ngừa tẩu tán tài sản tham nhũng ra nước ngoài dưới hình thức rửa tiền. Đây là việc làm rất quan trọng, cũng chính là những thách thức phải đối mặt”.
Vì theo bà Kwakwa, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, rộng, tham nhũng ở Việt Nam sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp. Cần có hệ thống để kiểm soát tình hình, nhất là dòng tiền bất chính sẽ chảy ra nước ngoài cũng sẽ tinh vi hơn. Và, Việt Nam cần có biện pháp phòng ngừa tham nhũng ở quy mô lớn hơn. Bởi, khi tàn sản tham nhũng đã tẩu tán ra nước ngoài thì thu hồi khó khăn hơn.
Hơn nữa, với thực tế ở Việt Nam cho thấy, nhà nước Việt Nam cần xác định những ngành nào có nhiều cơ hội cho hoạt động phi pháp nảy sinh nhiều hơn thì có sự phòng ngừa kịp thời.
Còn bà Nguyễn Nguyệt Minh, Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của LHQ (UNODC) gợi ý: Làm tốt việc thu hồi tài sản tham nhũng sẽ đưa ra thông điệp mạnh mẽ cho xã hội rằng, con cháu người vi phạm tham nhũng không được hưởng những món lợi bất chính đó. Việt Nam cần tham khảo sáng kiến thu hồi tài sản bị đánh cắp (STAR). Ở đây, cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia đang phát triển nhằm thúc đẩy thu hồi một cách có hệ thống hơn, kịp thời hơn các tài sản có được do hoạt động phi pháp. Ngoài ra, rất nhiều các công cụ cũng như tài liệu do STAR xây dựng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như thu hồi tài sản, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng, sửa đổi các bộ luật có tính rường cột quốc gia như Bộ Luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ Luật Dân sự…/.