Phòng, chống tham nhũng: “Kết quả chưa tốt, cử tri gay gắt là phải!“
VOV.VN- Người dân không thể yên lòng trước thực trạng tham nhũng, lãng phí, thậm chí có nhiều ý kiến gay gắt.
Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, theo báo cáo tổng hợp của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong số 3.729 ý kiến của cử tri, ngoài vấn đề về Biển Đông, cử tri đặc biệt quan tâm đến vấn đề phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ghi nhận của cử tri là, tuy đã có nhiều cố gắng, đạt được một số kết quả nhưng tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp. Vấn đề lại càng đáng quan tâm hơn khi theo Thanh tra Chính phủ, phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu của Tổ chức Minh bạch thế giới đánh giá Việt Nam có mức độ tham nhũng trong khu vực công rất nghiêm trọng. Thực tế ấy cho thấy, câu hỏi “Làm gì để hạn chế và đẩy lùi tham nhũng?” rất khó có lời giải đáp trọn vẹn.
Nói một cách công bằng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng từ đầu năm đến nay có nhiều chuyển biến tích cực. Điều này được thể hiện bằng con số gần chục nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra của các cấp, ngành chức năng; hàng trăm vụ việc tham nhũng, đối tượng có hành vi tham nhũng bị phát hiện, xử lý; hàng chục vụ án tham nhũng lớn được ngành Tòa án đưa ra xét xử; gần 50 người đứng đầu đơn vị để xảy ra tham nhũng bị xem xét trách nhiệm. Những chuyển biến ấy phần nào xới lên lòng tin của người dân vào quyết tâm hạn chế và dần loại bỏ hành vi tham nhũng khỏi đời sống xã hội.
Tuy nhiên, đặc trưng của tội phạm, tệ nạn tham nhũng là hành vi biến tướng khó lường, là những đối tượng đặc biệt. Nó đã và đang là một thách thức lớn, đe dọa sự vững bền của chế độ, của nền tảng đạo đức xã hội. Không thể có đạo đức công vụ trong một nền hành chính phục vụ nhân dân khi đến cơ quan công quyền nào, thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực nào, cấp nào người dân cũng đều được gợi ý phải “lót tay”, “chạy chọt”. Nếu không thì những vấn đề của người dân, doanh nghiệp khó được giải quyết đúng thời hạn; hoặc giải quyết không thỏa đáng, gây thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp. Đây là thực tế được nêu trong báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “Tình trạng tham nhũng “vặt” trong khu vực công vẫn diễn ra phổ biến, biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, nhất là trong các ngành, lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan tới người dân, doanh nghiệp”.
Người dân không thể yên lòng trước thực trạng trên, thậm chí còn có nhiều ý kiến gay gắt. Đến nỗi, trong một cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phải nói “kết quả chưa tốt thì cử tri gay gắt là phải thôi!”. Rõ ràng là, tham nhũng, kết quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới lòng tin của dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chính sách pháp luật của Nhà nước, vào đội ngũ cán bộ. Khi thiếu đi lòng tin của dân thì chính sách khó có thể thực hiện; lại càng khó để chống tham nhũng.
Những câu hỏi vì sao đã được đưa ra và cũng đã có không ít những lời giải thích. Nhưng điều dư luận quan tâm là sự chuyển động ra sao sau khi đã tìm được căn nguyên của thực trạng. Không chỉ là hô hào quyết tâm; không chỉ là ban hành các văn bản, chỉ thị; không chỉ đề ra các giải pháp mà không đi đến cùng, không đi vào thực chất từng giải pháp ấy.
Cách làm thiếu minh bạch, thiếu rõ ràng, mang nặng tính hình thức đã ẩn chứa hậu họa khôn lường là càng tăng nghi ngờ trong nhân dân. Người dân không thể tin khi trong hàng trăm vụ án tham nhũng bị phát hiện, hàng nghìn đối tượng tham nhũng bị xử lý mà chỉ có 48 người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Họ không tin khi thấy vụ án tham nhũng này bị xử lý, đối tượng kia bị trừng trị nhưng tài sản do tham nhũng mà có chỉ thu hồi được không quá 10%. Họ càng không thể tin khi trong hàng triệu cán bộ kê khai tài sản chỉ có 1 người bị xử lý do kê khai không trung thực. Con số này làm cho lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cũng phải bối rối khi thừa nhận: “Số trường hợp kê khai thì nhiều mà trường hợp xác minh và bị xử lý thì ít quá” tại một cuộc họp sáng 23/10.
Hơn ai hết, người dân biết rất rõ cán bộ nào thực sự là “công bộc của dân”; cán bộ nào bòn rút tiền thuế từ đóng góp của người dân để “vinh thân phì gia”. Vậy nên, ngoài những giải pháp trong việc phát hiện, xử lý tội phạm, hành vi tham nhũng, sự công khai, minh bạch; sự giám sát của người dân phải được quan tâm hàng đầu.
Chỉ khi nào người dân được biết, được bàn, được kiểm tra theo quy định của pháp luật; chỉ khi nào người có chức, có quyền, có trách nhiệm thực sự muốn chống tham nhũng, thực hiện một cách thực chất, đến nơi đến chốn các giải pháp mới xua tan mối hoài nghi trong nhân dân, lòng tin trong nhân dân mới được củng cố. Lúc ấy, phòng, chống tham nhũng sẽ không còn là “nhiệm vụ bất khả thi”./.