Thận trọng khi xuất khẩu sang thị trường châu Phi
VOV.VN-Thị trường châu Phi giàu tiềm năng, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu thận trọng với hợp đồng giá trị lớn, điều kiện giao dịch đơn giản.
Những năm gần đây, trong khi các thị trường khác trên thế giới đang có xu hướng bão hòa thì châu Phi và Trung Đông được đánh giá là thị trường xuất khẩu có nhiều tiềm năng của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu đáng mừng, việc xuất khẩu sang khu vực này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 7 tháng qua, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn ở châu Phi đều tăng mạnh, đó là Nam Phi, Algieria, Ghana, Nigeria, Bờ Biển Ngà và Angola. Những mặt hàng xuất khẩu chính sang thị trường này là gạo, điện thoại, cà phê, hạt tiêu, thủy sản, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc thiết bị, sản phẩm dệt may và giày dép... Ước tính tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm sang thị trường này có thể đạt 700 triệu USD.
Thủy sản là một trong nhiều mặt hàng Việt Nam có thế mạnh tiếp cận thị trường châu Phi (Ảnh: Báo Công Thương) |
Bà Phạm Thị Hà Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần lương thực Bình Minh cho biết: “Ở Châu Phi có rất nhiều sản phẩm của chúng tôi, ví dụ như ở Anh, Gaiana, tại đây có một siêu thị rất lớn, chúng tôi đã ký cam kết để cung cấp toàn bộ sản phẩm của Việt Nam như đường, muối, dầu, mỡ... thậm chí là bia, nước ngọt. Thị trường này nhu cầu không giới hạn, rất tiềm năng bởi nó rất rộng lớn nhưng quan trọng là các doanh nghiệp phải tìm được đúng người mua thật sự”.
Châu Phi là một trong những thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của Việt Nam. Tính đến hết tháng 7 vừa qua, Việt Nam đã xuất khẩu sang châu Phi hơn 1 triệu tấn gạo với tổng kim ngạch đạt hơn 400 triệu USD. Châu Phi hiện chiếm trên 26% tổng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam ra nước ngoài, chỉ đứng sau châu Á.
Trong điều kiện xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc mở rộng thêm thị trường châu Phi là một hướng đi mới tích cực, bởi đây là thị trường có tiềm năng tiêu thụ lớn. Mặc dù vậy, Châu Phi và Trung Đông cũng là những thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, nhất là khâu thanh toán, bởi các doanh nghiệp tại hai khu vực trên thường lựa chọn phương thức thanh toán là đặt cọc trước, chuyển tiền sau.
Để giúp các doanh nghiệp thuận lợi hơn khi xuất khẩu vào thị trường này, ông Trần Đức Chuyên, Phó Giám đốc Trung tâm hợp tác đầu tư và phát triển-doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đang kiến nghị với Chính phủ để phổ biến các quy định pháp luật tại các nước sở tại tại thị trường Trung Đông và châu Phi để các doanh nghiệp nắm vững, tránh rủi ro. Về cơ chế chính sách trong nước, chúng tôi cũng đang kiến nghị phải có cơ chế tài chính rộng rãi và thông thoáng hơn nữa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiềm năng, tiềm lực để đi vào. Muốn vào thuận lợi thì phải tìm cách khắc phục để đủ sức cạnh tranh”.
Theo ông Lê Thái Hòa, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi - Tây Á - Nam Á, Bộ Công Thương, thông thường các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ nợ lại trong vòng 60 ngày, thậm chí có thể kéo dài tới 90 ngày sau khi nhận hàng. Điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn về vốn để quay vòng sản xuất, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khó thu hồi được nợ khi bán hàng trả chậm.
Nhằm hạn chế những rủi ro tại các thị trường này, sau khi thiết lập quan hệ kinh doanh với doanh nghiệp tại thị trường châu Phi và Trung Đông thì các doanh nghiệp Việt Nam nên nhờ cơ quan ngoại giao của Việt Nam hoặc các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài kiểm tra giúp, hoặc dùng công cụ thanh toán quốc tế để kiểm tra.
Cũng theo ông Lê Thái Hòa, Bộ Công Thương và Vụ thị trường Tây phi-Nam Á từ đầu năm nay, ngoài tuyên truyền, phổ biến và cập nhật kiến thức về thị trường, còn có cảnh báo về những rủi ro để các doanh nghiệp phòng tránh.
Đại diện Vụ Thị trường châu Phi - Tây Á - Nam Á cũng khuyến cáo, khi muốn xuất khẩu sang châu Phi, Trung Đông, các doanh nghiệp cần hết sức thận trọng để tránh bị lừa đảo, nhất là lừa đảo qua thương mại điện tử. Đồng thời, các doanh nghiệp nên cân nhắc khi nhận được lời đề nghị mua hàng với giá trị hợp đồng lớn, điều kiện giao dịch đơn giản.../.