Thị trường bán lẻ nội địa sẽ cạnh tranh khốc liệt hơn từ năm 2015
VOV.VN - Cả DN sản xuất và phân phối trong nước đang đứng trước nhiều thách thức trong cuộc cạnh tranh với hàng ngoại.
Sắp tới, ngành bán lẻ Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức khi ngày 11/1/2015, Việt Nam cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài và khu vực kinh tế chung ASEAN chính thức có hiệu lực.
Điều này đồng nghĩa với việc các dòng hàng hóa, tài nguyên, vốn, nhân lực di chuyển tự do và thuận lợi trong khu vực, 10.000 loại hàng hóa từ các nước thành viên sẽ được loại bỏ hoàn toàn thuế quan.
Trên thực tế, không cần đợi đến ngày 11/1/2015 hay khi khu vực kinh tế chung ASEAN có hiệu lực, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đã có nhiều hoạt động bước chân vào thị trường Việt Nam - một trong 10 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất châu Á.
Chỉ riêng Thái Lan đã có thể thể kể đến CP Group, Berli Jucker (BJC) và mới nhất là nhà bán lẻ hàng đầu Thái Lan Central Group. Hầu hết các nhà bán lẻ Thái Lan nhận định: thị trường Việt Nam có những nét tương đồng với Thái Lan, dễ xâm nhập và họ vốn có rất nhiều kinh nghiệm, ngay cả về việc phát triển sản phẩm ở thị trường này.
Ông Philippe, Giám đốc điều hành Central Group nói: “Ở nhiều địa phương, các nhà sản xuất nhỏ có kinh nghiệm và làm ra những sản phẩm tốt, vấn đề là họ không biết làm thế nào để thương mại hóa sản phẩm, đóng gói cho hấp dẫn. Chúng tôi đến để giúp họ làm những việc này, đem sản phẩm ra thị trường. Chúng tôi không có ý định đem sản phẩm Thái Lan đến Việt Nam. Tại mỗi địa phương, mỗi đất nước, chúng tôi sẽ có kế hoạch phát triển riêng những sản phẩm của chính đất nước đó”.
Việt Nam hiện có hơn 8.500 chợ, trên một triệu cửa hàng quy mô nhỏ và mới chỉ có 724 siêu thị, 132 trung tâm thương mại, 400 cửa hàng tiện ích. Như vậy, tiềm năng phát triển mở rộng thị trường bán lẻ của các doanh nghiệp là rất lớn, ở cả địa bàn nông thôn lẫn thành thị. Trước đây, các doanh nghiệp Việt thường chú trọng phát triển thị trường nước ngoài mà quên mất thị trường nội địa. Vài năm nay, doanh nghiệp quan tâm hơn đến phát triển sản xuất, kinh doanh, phân phối cho người tiêu dùng trong nước.
Ông Lê Hữu Minh Quân, Phó Giám đốc Khối đo lường bán lẻ, Công ty nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu Nielsen cho biết: Nielsen có đo lường ở thị trường Việt Nam, nông thôn hiện tại chiếm khoảng 70% dân số, 70% cửa tiệm đang ở nông thôn, tiêu thụ ở nông thôn chiếm 50- 60%, tùy theo ngành hàng, khoảng 78% doanh số bán ra của thị trường đến từ kênh truyền thống, 22% đến từ kênh hiện đại. So sánh với các nước trong khu vực sẽ thấy còn cơ hội rất lớn cho sự phát triển kênh hiện đại ở Việt Nam.
Doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ trong nước cũng đã nhận biết được sự cạnh tranh khốc liệt với các nhà bán lẻ nước ngoài khi các hàng rào ngày càng được tháo bỏ và có sự tác động lớn của công nghệ thông tin đến cách thức bán lẻ. Doanh nghiệp vẫn ý thức được việc cần tự thân vận động, đáp ứng những đòi hỏi mới trong mở rộng hệ thống phân phối như: quảng bá và làm thương hiệu, đa dạng hóa hình thức bán lẻ, thay đổi phương thức sản xuất…Nhưng rất ít doanh nghiệp làm được những điều này. Bởi hầu hết đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu sự chuẩn bị từ trước, ít được hỗ trợ bài bản để sản phẩm có thể cạnh tranh với hàng ngoại.
Ông Ông Văn Tràng, Phó Giám đốc kinh doanh, Công ty sản xuất - thương mại- xuất nhập khẩu Vĩnh Thuận, thành phố Hồ Chí Minh nói: Hiện tại thị trường trong nước bán lẻ rất bấp bênh, vì các tập đoàn nước ngoài vào bán. Đưa hàng về nông thôn để tìm tiềm năng ở người tiêu dùng vùng sâu vùng xa. Đây là tiềm năng lớn mà doanh nghiệp trong nước bỏ quên mà tập đoàn nước ngoài thấy được.
Lâu nay, Chính phủ và các địa phương đã có một số chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển thị trường bán lẻ trong nước, nhưng chưa thấm vào đâu. Thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm qua đã hỗ trợ thị trường bán lẻ hiệu quả bằng cách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, tạo môi trường cho lĩnh vực bán lẻ hoạt động với hàng loạt biện pháp như: bình ổn giá, thực hiện người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, đưa hàng về nông thôn… Doanh nghiệp đang rất cần những sự hỗ trợ như thế.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói: Áp lực cạnh tranh không chỉ đối với bán lẻ mà đối với tất cả các doanh nghiệp ở Việt Nam. Vấn đề là phải làm cho doanh nghiệp Việt mạnh lên. Doanh nghiệp Việt Nam nói chung mạnh lên, doanh nghiệp bán lẻ cũng mạnh lên. Nếu coi kinh doanh như là chiến trường, doanh nghiệp là chiến sỹ, nhà nước mà hậu phương. Hậu phương có vai trò rất quan trọng.
Còn ông Phan Thế Ruệ, nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng: Bây giờ doanh nghiệp mong nhà nước cải thiện môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp và đặc biệt là giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó cũng quan tâm đến cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh phải minh bạch hóa, đi vào luật pháp hóa nhiều hơn”.
Các doanh nghiệp Việt Nam đang rất cần một chiến lược cho ngành bán lẻ. Đồng thời, mong muốn Chính phủ cần lựa chọn và đầu tư, hỗ trợ các thương hiệu dẫn đầu của từng ngành sản xuất, có kế hoạch truyền thông, quảng bá thương hiệu quốc gia, đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp trong học tập kinh nghiệm từ các nước về quản lý thị trường, xây dựng hệ thống hạ tầng bán lẻ hiện đại… Giải quyết được những vấn đề vừa nêu mới tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tồn tại và phát triển được ngay tại thị trường trong nước./.