Thị trường tài chính, tiền tệ Việt Nam sẽ thế nào sau Brexit?
VOV.VN - Không nằm ngoài diễn biến chung của thế giới, sau sự kiện Brexit, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có biến động mạnh, khi mất tới hơn 1 tỷ USD.
Sự kiện Brexit – Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - đang có những ảnh hưởng lớn tới kinh tế toàn cầu. Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, thị trường tài chính, tiền tệ và dòng vốn đầu tư sẽ có những tác động nhất định. Các chuyên gia khuyến cáo cần có đánh giá tác động nhiều chiều để kịp thời đưa ra những giải pháp tránh nhằm được những tác động “dây chuyền” từ sự kiện này.
Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, thị trường tài chính, tiền tệ và dòng vốn đầu tư sẽ có những tác động nhất định sau khi Anh rời khỏi EU. (Ảnh minh họa: Internet) |
Không nằm ngoài diễn biến chung của thế giới, sau sự kiện Brexit, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có biến động mạnh, khi mất tới hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên, sau phiên giảm điểm mạnh vào ngày 24/6, thị trường sau đó có sự hồi phục nhẹ. Một số phiên giao dịch gần đây, thị trường khá vững vàng.
Theo bà Nguyễn Mai Phương, Giám đốc Chuyên môn Phân tích VNDirect, đối với các doanh nghiệp niêm yết giao dịch trên sàn chứng khoán, hoạt động của doanh nghiệp nội hầu như không bị ảnh hưởng. Trong khi đó, doanh nghiệp vay ngoại tệ bằng Yên Nhật và USD có ảnh hưởng ngắn hạn. Một số doanh nghiệp vay Euro cũng có biến động nhưng không rõ rệt. Với nhóm xuất khẩu lớn sang EU, tỷ trọng xuất khẩu còn nhỏ so với thị trường Nhật, Mỹ, châu Á nên chưa bị ảnh hưởng.
Cùng quan điểm này, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư Công ty Chứng khoán Maritime nhận định: "Từ góc độ thị trường chứng khoán, nếu so sánh diễn biến trên thị trường 6 tháng đầu năm, số lượng các tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài gia tăng. Số lượng tích luỹ đang thực sự bất ngờ. Niềm tin của cả nhà đầu tư ngoại và nội đều đang tăng. Thị trường đã sẵn sàng cho sự bùng nổ tăng trưởng, vấn đề chỉ là thời gian. Tác động đến thị trường chứng khoán liên quan đến nhận thức của thị trường xuất phát từ chính sách, và tâm lý nhà đầu tư. Phiên thứ Sáu (24/6) vừa qua giảm điểm chủ yếu là do tác động của tâm lý".
Với dòng vốn đầu tư trực tiếp từ EU và Anh vào Việt Nam, nhiều chuyên gia nhận định sự kiện Brexit chưa ảnh hưởng ngay lập tức đến dòng vốn này, hoặc nếu có ảnh hưởng thì cũng không quá trầm trọng. Bởi vốn đầu tư từ Anh vào Việt Nam còn ở mức khiêm tốn. Tính đến nay, EU đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 100 tỷ USD. Trong đó, riêng số dự án đầu tư còn hiệu lực của Vương quốc Anh đầu tư vào Việt Nam là 266 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD.
Mặc dù vậy, theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đầu tư trực tiếp của Anh vào Việt Nam có thể không quá lớn, nhưng đầu tư của các dòng vốn “đi qua nước Anh” vào Việt Nam là không nhỏ. Trước mắt việc thu hút dòng vốn này có thể gặp khó khăn, chững lại.
Việt Nam cần tăng tính chủ động ứng phó tác động từ Brexit?
Ở một góc nhìn khác, TS Cấn Văn Lực, Giám đốc Trung tâm Đào tạo BIDV - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia lại cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, các dòng vốn đang đi tìm những nơi đầu tư mới và có thể xem xét và quan tâm đến thị trường Việt Nam.
"Thời điểm hiện nay, các nhà đầu tư xoay chuyển dòng vốn về những nơi an toàn hơn. Không loại trừ Việt Nam vẫn có thể được hưởng lợi nếu cởi mở về chính sách hơn, đặc biệt nếu biết tận dụng hiệu ứng hội nhập đang rất rõ ràng. Vốn dịch chuyển khỏi Việt Nam về đầu tư gián tiếp trên sàn chứng khoán có thể bị ảnh hưởng, nhưng ở nền kinh tế thực, vốn đầu tư trực tiếp mức độ ảnh hưởng ít hơn," TS Lực nói.
Theo các chuyên gia, mối lo lớn nhất hiện nay đó là hệ lụy từ việc đồng Bảng Anh và đồng Euro suy giảm sau sự kiện Anh rời khỏi EU. Hiện, đồng Yên Nhật và USD vẫn có xu hướng tăng giá. Từ đầu năm đến nay đồng yên tăng 16%. Những quốc gia vay nợ đồng Yên sẽ bị thiệt, và Việt Nam là một trong số những nước đó.
Nợ công của Việt Nam tính ra đồng Yên chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 45%, tiếp theo là đồng USD chiếm 25%, rồi đến đồng Euro chiếm 15%. Tính ra, nếu trả nợ 1 tỷ USD bằng đồng Yên thì khi mất giá 17%, Việt Nam tốn thêm 170 triệu USD. Những doanh nghiệp vay nợ bằng Yên Nhật thiệt hại nặng khi đồng tiền này tăng giá.
Cũng liên quan đến Bảng Anh và đồng Euro suy giảm, nhiều chuyên gia lo ngại Trung Quốc sẽ tiếp tục phá giá đồng Nhân dân tệ để sản phẩm có giá rẻ, tiếp tục duy trì cạnh tranh xuất khẩu tại thị trường Anh và EU.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng, Trung Quốc đã phá giá đồng Nhân dân tệ, từ mức 6,58 nhân dân tệ/USD lên mức 6,61 – 6,65 nhân dân tệ/USD. Điều này có thể tiếp tục gây áp lực lên chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước. TS Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo:
“Tới thời điểm này, việc mất giá của nhân dân tệ vào khoảng 1%. Còn nhớ tháng 8 năm ngoái, đồng nhân dân tệ phá giá 3%. Chúng ta cũng từng phải phá giá theo để tránh tình trạng chênh lệch với đồng nhân dân tệ, tránh nhập siêu. Việt Nam nên theo dõi sát hơn về thị trường để có thể điều chỉnh đồng phù hợp, hạn chế những tác động tiêu cực,” TS Hiếu cho hay.
Trái ngược với nhận định của một số tổ chức quốc tế cho rằng Việt Nam là một trong số quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc Anh rời khỏi EU, nhiều chuyên gia kinh tế lại nhận định, mặc dù có ảnh hưởng nhưng không quá trầm trọng. Tuy nhiên, vẫn cần có những đánh giá tác động một cách cụ thể đến các lĩnh vực thương mại, đầu tư, thị trường tài chính…
Các nhà hoạch định chính sách cần bám sát diễn biến thị trường để có những điều chỉnh chính sách kịp thời, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thuận lợi cho thương mại cũng như tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư từ Anh và EU trong thời gian tới./. Bloomberg cảnh báo ảnh hưởng của Brexit đối với kinh tế Việt Nam