Thị trường xăng dầu chưa cạnh tranh
(VOV) - Bộ trưởng Công thương: Petrolimex chiếm tới 48 - 50%, PV Oil chiếm 15 – 16% thị phần là lớn, nhưng đây là do lịch sử để lại.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, nhiệm vụ và chức năng của nhà nước là tạo khung pháp lý cho hoạt động sản xuất kinh doanh: đó là Nghị định 84 và các văn bản liên quan trong đó không phân biệt các doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường xăng dầu. Còn các doanh nghiệp muốn tham gia phải đáp ứng các điều kiện tối thiểu về tài chính, hệ thống phân phối, kho bãi, kinh nghiệm, việc này không ai làm thay được doanh nghiệp.
Người đứng đầu ngành công thương thừa nhận: “Đúng là có việc Petrolimex chiếm tới 48 - 50% thị phần và PV Oil có thị phần 15 – 16% là lớn. “Việc này là do trước khi thực hiện thị trường xăng dầu thì việc nhập khẩu xăng dầu cho nền kinh tế chủ yếu là do Petrolimex và PV Oil. Với việc như vậy thị phần của Petrolimex và PV Oil lớn là dễ hiểu. Nhưng đến nay thị phần của Petrolimex đã giảm”.
Để từng bước khắc phục điều này, từ năm 2011 đã thực hiện cổ phần hóa công ty mẹ Petrolimex, tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tái cơ cấu với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.
Về lý do chậm sửa đổi nghị định 84, theo Bộ trưởng, là do nghị định này mới ban hành được 2 năm nên việc đánh giá phải thận trọng hơn. Trong tháng 12 này sẽ tiến hành sửa đổi trong đó có câu chuyện 30 ngày để tính giá cơ sở, thời điểm điều chỉnh giá, quyền, trách nhiệm của nhà kinh doanh xăng dầu.
Về báo cáo kiểm toán tại Petrolimex, “Sáng nay, tôi đã báo cáo là chưa nhận được báo cáo này. Vậy tại sao có ý kiến của liên bộ Tài chính - Lao động - Công thương? Là do trước tháng 11/2011, Petrolimex là doanh nghiệp nhà nước, do vậy Petrolimexlimex thực hiện quỹ tiền lương theo quy định của liên bộ Tài chính - Công thương – Lao động. Còn từ 11/2011 đến nay hoạt động theo mô hình công ty cổ phần” – Bộ trưởng Hoàng cho biết.
Theo quy định của Chính phủ, điều kiện để xác định quỹ lương là phải có lợi nhuận, lợi nhuận kế hoạch không thấp hơn năm trước liền kề trừ trường hợp đặc biệt. Trường hợp đặc biệt là Nhà nước có quyết định can thiệp để bình ổn thị trường, tăng khấu hao để đổi mới công nghệ... Do vậy, từ tháng 11/2011 trở về trước, Petrolimex thuộc đối tượng đặc biệt vì phải thực hiện mục tiêu bình ổn giá. Ngoài ra, tỷ giá tăng từ 1/2/2011 dẫn tới thay đổi tình hình tài chính. “Bước đầu báo cáo Quốc hội như vậy, nhưng xin hứa là sau khi nhận được báo cáo chính thức sẽ báo cáo Quốc hội bằng văn bản” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói./.