TP HCM nhìn về phía Đông để phát triển

VOV.VN - Việc xây dựng Khu đô thị sáng tạo Đông TP HCM được cả chính quyền và doanh nghiệp, người dân thành phố mong mỏi sớm thành hiện thực.

Năm 2019, TP HCM đặt nhiều kỳ vọng về sự tăng trưởng bền vững và giải quyết những vướng mắc cản trở sự phát triển, nhất là về hạ tầng. Trong đó, xây dựng Khu đô thị sáng tạo Đông thành phố được coi là một điểm sáng, được tập trung công sức, trí lực và cả vốn đầu tư, được cả chính quyền và doanh nghiệp, người dân thành phố mong mỏi sớm thành hiện thực.

Khu đô thị này bao gồm các trường - viện hàng đầu cùng các doanh nghiệp kết nối với khởi nghiệp, nơi có giao thông thuận tiện với cơ sở hạ tầng kết nối hiện đại cung cấp không gian văn phòng, nhà ở lẫn thương mại. Đây chính là mô hình của khu đô thị sáng tạo Đông TP HCM.

Khu đô thị sáng tạo Đông được xem là một giải pháp quan trọng trong xây dựng TP HCM thành đô thị thông minh, đang được thành phố huy động lực lượng tư vấn trong nước và ngoài nước triển khai. Khu đô thị sáng tạo Đông thành phố tích hợp quận 9- nơi có Khu công nghệ cao với quận 2- nơi có Khu đô thị mới, có trung tâm tài chính Thủ Thiêm và quận Thủ Đức - nơi có 12 trường đại học với trên 12.000 Tiến sĩ, giảng viên và 70.000 sinh viên. Khu đô thị sáng tạo với dân số gần 1 triệu người sẽ làm hạt nhân để thành phố triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

chủ trương của lãnh đạo TP HCM xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao ở phía Đông TP là phù hợp với đặc điểm của TP và xu hướng phát triển kinh tế tri thức của thế giới. (Ảnh: Báo Pháp luật TP HCM)
Theo nhiều doanh nghiệp, phía Đông thành phố thuận lợi cho xây dựng Khu đô thị sáng tạo khi mà các trường đại học hầu hết tập trung ở quận 9 và hạ tầng đẹp nhất, quy mô nhất đang tập trung ở quận 2.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết, tất cả các doanh nghiệp đều tham gia xây dựng thành phố đô thị thông minh. Những doanh nghiệp bất động sản và doanh nghiệp hạ tầng là những doanh nghiệp đầu tiên tiên phong.

“Vì một đô thị thông minh đầu tiên phải có hạ tầng tốt, hạ tầng công nghệ cao. Các doanh nghiệp chủ đầu tư đưa những công nghệ tốt nhất vào để tạo ra hạ tầng triển khai được đô thị thông minh, sau đó các nhà đầu tư khác là người quản lý và vận hành nó”, ông Nghĩa cho biết.

Nhiều nhà nghiên cứu kinh tế, nhà khoa học cho rằng, cùng với chuẩn bị hạ tầng, thì TP cần có cơ chế, chính sách thật sự thông thoáng, hợp lý để phát triển, thu hút đầu tư. Cuộc cạnh tranh của các quốc gia thực chất là sự cạnh tranh của các siêu đô thị. Trong các siêu đô thị lớn như TP HCM, rất khó để nâng toàn bộ năng lực cạnh tranh tương đồng với các siêu đô thị khác trong khu vực. Nên TP chọn một điểm trọng yếu, chọn một nơi có khả năng phát triển và đó là phía Đông như hiện nay là phù hợp nhất trong bối cảnh còn nhiều giới hạn.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn lên tiếng rằng, bản thân TP HCM không thể làm được việc xây dựng thành công Khu đô thị sáng tạo phía Đông nếu “cái áo” cơ chế chuyển đổi quá chậm. Vì khu này không đơn thuần thu hút doanh nghiệp trong nước mà còn phải thu hút những doanh nghiệp hàng đầu khu vực và thế giới.

Sự cởi mở về cơ chế đã bước đầu có được trong Nghị quyết 54 của Quốc hội dành cho thành phố. Nhưng nhìn xa hơn, nhiều nhà nghiên cứu kiến nghị một cơ chế đặc khu với những đặc thù riêng, tương tự như Trung Quốc dành cho Thượng Hải, như các nước khác dành cho các địa điểm đặc biệt.

TS. Huỳnh Thế Du, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, TP HCM nhìn từ góc độ Trung ương phải có cơ chế. Cơ chế ấy không chỉ cho TP HCM mà để tạo ra sức bật, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, tập trung vào điểm nhấn. Khi có cơ chế ấy, TP HCM đóng vai trò nhạc trưởng điều phối 4 yếu tố thành phần quan trọng nhất dẫn đắt đô thị này phát triển.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch - người dành hết tâm huyết của mình cho sự phát triển của TP cho rằng, ý tưởng xây dựng một khu đô thị khoa học công nghệ phía Đông có cách nay gần 20 năm mà không phải đợi đến ngày nay. Lãnh đạo của TP cũng đã nhìn xa nhưng không làm được. Có 3 nền tảng để xây dựng khu đô thị này là thể chế, công nghệ và con người nhưng xét cho cùng thì công nghệ và con người cũng do thể chế mà ra.

“Việc xây dựng khu Đông TP cần nhiều yếu tố để hình thành, cần quyến tâm chính trị của lãnh đạo TP và quyết tâm đó chỉ thành hiện thực khi chúng ta có được một cơ chế autonami hơn để có không gian cho sáng tạo. Nói đi nói lại, muốn có công nghệ, con người về thì từ thể chế mà ra, quyết tâm chính trị phải gắn liền với xây dựng thể chế mang tính tự chủ, tạo không gian sáng tạo ở đó thì mới thành công được”, ông Lịch nói.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, bản chất của khu đô thị sáng tạo là nơi có các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp diễn ra với cường độ và mật độ cao. Cần xem việc xây dựng khu đô thị sáng tạo là một lộ trình chứ không phải là một đích đến cụ thể nào. Lộ trình xây dựng “đô thị sáng tạo” đòi hỏi một chiến lược toàn diện, dài hạn với các mục tiêu chiến lược và những sáng kiến cụ thể.

“Có thể khẳng định rằng, chủ trương của lãnh đạo TP HCM xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao ở phía Đông TP là phù hợp với đặc điểm của TP và xu hướng phát triển kinh tế tri thức của thế giới. Chúng ta đã thu nhận nhiều bài học quan trọng để làm sao hình thành chiến lược phát triển, từ đó định hình các mục tiêu, giải pháp cho phát triển”, ông  Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ trở thành nòng cốt, có sức lan tỏa cho thành phố thông minh. Nơi này cũng sẽ là hạt nhân sáng tạo của vùng đô thị TP HCM (bao gồm TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang) và sẽ trở thành điểm nút của mạng lưới kinh tế toàn cầu. Sự hoàn thiện về hạ tầng, sự xây dựng các khu đô thị tập trung theo yêu cầu của phát triển và theo đúng xu thế chắc chắn sẽ tạo động lực mới cho tăng trưởng của TP và cả nước ngay trong năm 2019 này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

TP HCM mới giải ngân được 42% vốn đầu tư công trong 9 tháng đầu năm
TP HCM mới giải ngân được 42% vốn đầu tư công trong 9 tháng đầu năm

VOV.VN - Từ đầu năm đến nay, TP HCM mới giải ngân được 42% vốn đầu tư công, còn đến 58% chưa dùng.

TP HCM mới giải ngân được 42% vốn đầu tư công trong 9 tháng đầu năm

TP HCM mới giải ngân được 42% vốn đầu tư công trong 9 tháng đầu năm

VOV.VN - Từ đầu năm đến nay, TP HCM mới giải ngân được 42% vốn đầu tư công, còn đến 58% chưa dùng.

TP HCM công bố 7 nhóm sản phẩm chủ lực có mức tăng trưởng cao
TP HCM công bố 7 nhóm sản phẩm chủ lực có mức tăng trưởng cao

VOV.VN - Sáng 20/10, Ủy ban nhân dân TP HCM đã công bố danh sách nhóm sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp của thành phố. 

TP HCM công bố 7 nhóm sản phẩm chủ lực có mức tăng trưởng cao

TP HCM công bố 7 nhóm sản phẩm chủ lực có mức tăng trưởng cao

VOV.VN - Sáng 20/10, Ủy ban nhân dân TP HCM đã công bố danh sách nhóm sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp của thành phố. 

TP HCM đẩy mạnh tuyên truyền doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử
TP HCM đẩy mạnh tuyên truyền doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử

VOV.VN - Từ đầu năm 2018 đến nay, Cục Thuế TP HCM đã triển khai nhiều đợt tuyên tuyền và tập huấn cho doanh nghiệp.

TP HCM đẩy mạnh tuyên truyền doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử

TP HCM đẩy mạnh tuyên truyền doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử

VOV.VN - Từ đầu năm 2018 đến nay, Cục Thuế TP HCM đã triển khai nhiều đợt tuyên tuyền và tập huấn cho doanh nghiệp.