TP HCM tiếp tục kêu khó về nguồn vốn thực hiện tuyến metro số 1
VOV.VN - Trong giai đoạn 2016 – 2020, tuyến metro số 1 cần 21.000 tỷ đồng thì nguồn vốn dự kiến phân bổ chỉ 7.500 tỷ đồng (đáp ứng 39% nhu cầu).
Tại buổi làm việc với Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong và các sở ngành sáng nay (1/9), Ban Quản lý đường sắt đô thị đề nghị lãnh đạo thành phố làm việc trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ để giải quyết các vướng mắc về vấn đề phân bổ nguồn vốn, đảm bảo thi công đúng tiến độ tuyến metro số 1 cũng như kế hoạch thực hiện tuyến metro số 2.
Tuyến metro số 1 tại TP HCM (Ảnh: Tuổi trẻ) |
Tại buổi làm việc, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đã giải thích rõ vì sao tổng mức đầu tư tăng cao.
Theo ông Quang, từ năm 2007, tư vấn trong nước là công ty Tedi– South lập dự án với tổng mức đầu tư là 1 tỷ USD (tương đương 17.000 tỷ đồng ở thời thời điểm đó). Sau đó, thành phố đàm phán với Nhật và tuyển chọn nhà tư vấn NJPT vào làm lại, tổng vốn đầu tư lên 2,5 tỷ USD (tương đương 47.000 tỷ đồng).
Ông Quang lí giải, việc tăng cao bởi đây là dự án đầu tiên làm nên chưa có kinh nghiệm, nhiều vấn đề không phù hợp, thêm vào đó là yếu tố trượt giá. Trước khi ra con số 47 ngàn tỷ đồng, phía Việt Nam cũng đã yêu cầu có thẩm tra tư vấn độc lập từ CPG và SMRT của Singapore thẩm tra, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là nhà tài trợ vốn, không phản đối báo cáo này.
Sau đó vào tháng 7/2010, Thành phố Hồ Chí Minh đã trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương điều chỉnh dự án, các bộ đều thống nhất. Đến tháng 8/2011, Thủ tướng Chính phủ đã “đồng ý Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt điều chỉnh dự án” và đến tháng 9/2011, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt điều chỉnh dự án với tổng mức đầu tư 47.325 tỷ đồng.
Hằng năm, thành phố đều báo cáo hồ sơ đầy đủ, còn lại vấn đề là Bộ Kế hoạch đầu tư chưa báo cáo lên các cấp. Như vậy, Thành phố Hồ Chí Minh đã làm đúng trình tự, thủ tục.
Ông Lê Nguyễn Minh Quang cũng cho rằng, việc phân bổ vốn ODA từ trung ương không đáp ứng được yêu cầu tiến độ thực hiện tuyến metro số 1. Năm 2017, tuyến metro số 1 cần 5.400 tỷ đồng nhưng chỉ được giao có 2.100 tỷ đồng, đáp ứng 36% và số tiền này đã giải ngân 99%. Tuyến Metro số 1 tại TP HCM gặp khó do chậm phân bổ vốn
Trong giai đoạn 2016 – 2020, tuyến metro số 1 cần 21.000 tỷ đồng thì nguồn vốn dự kiến phân bổ chỉ 7.500 tỷ đồng (đáp ứng 39% nhu cầu). Tình hình thực tế đang rất khó khăn, các nhà thầu đã gửi thư xin giãn tiến độ và có thể sẽ cho công nhân nghỉ vì không có tiền chi trả, ông Quang cho biết.
Về việc phân bổ vốn thì ngày 5/7/2017, Thủ tướng Chính phủ có kết luận yêu cầu Bộ Kế hoạch đầu tư hướng dẫn thực hiện theo qui định, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Ngay sau đó, thành phố đã báo cáo đầy đủ, Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố cũng đã làm việc với Bộ Kế hoạch- Đầu tư để giải trình tất cả các vấn đề.
Thủ tướng cũng đã đồng ý chủ trương ứng vốn trước của vốn trung hạn 2016 – 2020 cho năm 2017 và giao Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì phối hợp Bộ Tài Chính đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/7/2017. Nhưng đến thời điểm này, Bộ vẫn chưa có báo cáo Chính phủ .
Vì thế, để đảm bảo tiến độ thi công tuyến metro số 1, ông Lê Nguyễn Minh Quang đề nghị lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh trực tiếp làm việc với Bộ Kế hoạch- Đầu tư và Thủ tướng Chính phủ để nhanh chóng giải quyết.
Ông Lê Nguyễn Minh Quang khẳng định thành phố đã làm đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Giao thông vận tải đã tổng hợp báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm, mong Bộ Kế hoạch Đầu tư phối hợp hỗ trợ giải quyết vấn đề về vốn. Về việc báo cáo Quốc hội dự án về tổng mức đầu tư và phân bổ vốn ODA thì đề nghị lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo trực tiếp thủ tướng để xem xét, quyết định.
Về tuyến metro số 2, ông Hoàng Như Cương, Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố cho biết: Tình trạng cũng giống như tuyến metro số 1. Tức là khi tư vấn Đức khi được tuyển chọn, nghiên cứu lại thiết kế thì thay đổi rất nhiều. Tổng mức đầu tư hiện nay lên tới 2,1 tỷ USD so với con số 1,3 tỷ USD ban đầu.
Cuối năm 2016, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trình Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh dự án và sau đó các bộ đều có ý kiến giao lại cho thành phố rà soát. Ban đã xin ý kiến và thuê đơn vị tư vấn thẩm tra. Dự án điều chỉnh đã được làm xong và trong thời gian tới, Ban sẽ trình cho thành phố.
Ngày 28/8/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng có Quyết định 1286/QĐ-TTg đồng ý gia hạn thời gian thực hiện dự án đến ngày 13/12/2020. Nguyên nhân là do các hiệp định vay của các nhà tài trợ chỉ có giá trị đến năm 2020, cho dù thời gian điều chỉnh thực hiện dự án đến năm 2024.
Song song với việc điều chỉnh thì tuyến metro số 2 được gọi thầu và đến khi duyệt dự án điều chỉnh thì mới kí hợp đồng để tiết kiệm thời gian. Mới đây, Ban có gọi thầu gói thầu CP5 – gói thầu đầu máy toa xe, cuối tháng 9/2017 sẽ mở thêm 2 gói thầu khoan ngầm tài trợ bởi ADB. Vì thế, theo ông Hoàng Như Cương, nếu dự án điều chỉnh không được phê duyệt và hiệp định vay không được gia hạn thì các gói thầu không thể triển khai.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết: Từ thời điểm này trở đi, Ủy ban nhân dân thành phố và các sở, ngành sẽ thường xuyên họp giao ban với Ban Quản lý đường sắt đô thị để giải quyết các khó khăn, kiến nghị đề xuất Chính phủ, phải phối hợp để kịp thời xử lí; các sở ngành phải cử người thường xuyên theo dõi để nắm vấn đề, xử lý nhanh các khúc mắc.
Về tuyến metro số 1, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị Ban Quản lý đường sắt đô thị phải hệ thống hóa toàn bộ dự án, tiến trình phê duyệt, thẩm định như thế nào, những khó khăn vướng mắc…để gửi cho Bí thư Thành ủy, Thủ tướng Chính phủ nắm toàn diện vấn đề. Phải cố gắng xử lý vấn đề về vốn vì nếu không sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác đầu tư với Nhật Bản và bởi người dân đang rất hy vọng vào tuyến metro đầu tiên này./.