Tuyệt đối không mua xe công trong năm 2014
VOV.VN -Cùng với đó, cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho lễ hội, lễ kỷ niệm.
Dự thảo Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 được Phó Thủ tướng Nguyễn Văn Ninh trình bày tại phiên họp của Chính phủ với các địa phương ngày 23/12.
Giảm đô-la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế
Năm 2014, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả và giao nhiệm vụ trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý; đảm bảo thanh khoản của các tổ chức tín dụng và của nền kinh tế.
Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, bảo đảm giá trị đồng Việt Nam; tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Quản lý hiệu quả thị trường ngoại hối, thị trường vàng, giảm tình trạng đô-la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế. Có các biện pháp huy động nguồn lực từ vàng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính đối với thị trường tiền tệ.
Dự thảo Nghị quyết cũng yêu cầu thực hiện các giải pháp mở rộng tín dụng gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, cơ cấu lại nợ, hạn chế nợ xấu gia tăng; tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra và công khai, minh bạch hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Về chính sách tài khóa, Chính phủ yêu cầu thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội; triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá; thu hồi và giảm nợ đọng thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phát luật về thu ngân sách, kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Rà soát lại các chính sách thu ngân sách, điều chỉnh bảo đảm phù hợp với lộ trình giảm thuế theo các cam kết quốc tế.
Rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm đúng dự toán được duyệt. Triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước, sự nghiệp công, cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác. Không mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật); quản lý chặt chẽ để hạn chế tối đa chi chuyển nguồn. Từng bước xử lý dứt điểm các khoản mà ngân sách còn nợ.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính. Không ban hành, điều chỉnh chính sách làm giảm thu và tăng chi, ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước và an ninh tài chính quốc gia. Điều hành bội chi ngân sách nhà nước theo kế hoạch. Rà soát các quỹ ngoài ngân sách, các chương trình mục tiêu quốc gia, báo cáo Chính phủ trong quý II năm 2014.
Phát hành trái phiếu Chính phủ phù hợp theo tiến độ giải ngân các dự án, tình hình thị trường tiền tệ và tình hình kinh tế vĩ mô. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, bảo đảm hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với chính sách tiền tệ, nhất là kiểm soát tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán hợp lý, không làm tăng quá mức tổng cầu, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nợ công, nhất là quản lý sử dụng có hiệu quả vốn vay, quản lý tốt nợ trung hạn và quỹ tích lũy trả nợ, quản lý và xử lý kịp thời rủi ro... bảo đảm kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn.
9 nhóm giải pháp quan trọng
Theo dự thảo Nghị quyết, năm 2014, các chỉ tiêu chủ yếu Chính phủ đề ra là: Phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 5,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước 5,3%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7%-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 15,5%; số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 22,5 giường. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 85%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 80%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,5%.
Để đạt được các mục tiêu này, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung vào 9 nhóm giải pháp.
Giải pháp hàng đầu được Chính phủ đặt ra là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
Đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
Sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo.Bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế.
Cuối cùng là tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội./.