Hạn chế lãng phí: Trông chờ sự gương mẫu của lãnh đạo
VOV.VN- Nhiều ý kiến tranh luận về một số nội dung trong Nghị định, đặc biệt là qui định “không tặng quà”, trừ ngày 2/9.
Những năm gần đây, bất chấp đời sống kinh tế trong bối cảnh khó khăn, nhiều địa phương, cơ quan vẫn tổ chức những buổi lễ kỷ niệm, lễ trao tặng, đón nhận các danh hiệu, hình thức khen thưởng một cách lãng phí.
Số lượng khách mời rất đông, chi phí cho ăn uống linh đình, khánh tiết vô cùng tốn kém. Để chấn chỉnh tình trạng này, ngày 1/11 vừa qua, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức triển khai Nghị định 145/CP qui định về tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận khen thưởng, danh hiệu thi đua…
Nhiều lễ kỷ niệm, khánh thành, trao tặng danh hiệu... được tổ chức linh đình gây lẵng phí. (Ảnh: KT) |
Tuy nhiên, ngay sau đó đã diễn ra những ý kiến tranh luận về một số nội dung trong Nghị định, đặc biệt là qui định “không tặng quà, biểu trưng, biểu tượng (logo), không tổ chức chiêu đãi”, trừ ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9.
Một số người cho rằng, qui định này áp dụng cho cả các đơn vị kinh tế tư nhân hay có vốn đầu tư nước ngoài, là không đúng. Vì việc tặng quà cho khách hàng hay tặng logo của doanh nghiệp là quyền của họ, khi họ không sử dụng tiền ngân sách Nhà nước. Hơn nữa, nếu các đối tác nước ngoài vẫn tặng, mà ta không có sự đáp lễ sẽ khiến doanh nghiệp trong nước trở nên thiếu lịch sự trong một nghi thức xã giao bình thường.
Với việc thực hiện Nghị định này, tần suất, qui mô và cấp độ các ngày lễ, kỷ niệm, tiếp lễ tân khách nước ngoài sẽ giảm nhiều, giảm chi phí cho ngân sách, tránh lãng phí. Cả năm, sẽ chỉ còn 8 ngày lễ lớn. Điều này đồng nghĩa với việc giảm bớt chi tiêu ngân sách vốn là tiền thuế của dân đóng góp, là điều người dân luôn mong chờ. Qui định này sẽ khắc phục tình trạng các cấp, ngành tổ chức tùy tiện số lượng các buổi lễ, kỷ niệm khá nhiều thời gian qua, khiến người dân phản ứng, báo chí cũng lên tiếng. Nhiều nơi, chỉ động thổ, cắt băng khánh thành một công trình nhỏ cũng mời lãnh đạo T.Ư, rồi sử dụng ngân sách Nhà nước để chi cho việc mua nơ, hoa cài ngực, phù hiệu, logo… rất tốn kém, không mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.
Còn những băn khoăn về việc doanh nghiệp tư nhân có phải thực hiện qui định không tặng quà, logo, không chiêu đãi hay không, ông Phan Đình Tân, Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ VH-TT&DL, giải thích: Qui định này sẽ là bắt buộc đối với các đơn vị sử dụng ngân sách và các tổ chức kinh tế Nhà nước, như Tập đoàn 90, 91... Bởi thời gian qua, nhiều đơn vị, địa phương đã sử dụng ngân sách cho việc tổ chức các chương trình kỷ niệm, lễ đón nhận danh hiệu rất tốn kém. Hầu hết trong các buổi lễ, khách mời đều được tặng quà, đa phần là áo phông, sơ mi nam, ấm chén, sách vở, đĩa nhạc...
Thậm chí, nhiều cuộc họp còn tặng các đại biểu các cuốn sách, tài liệu không liên quan gì đến nội dung cuộc họp, hay phát quà là những chiếc hộp rất to và đẹp, in biểu trưng của đơn vị tổ chức, bên trong cũng lại là một tấm logo rất to của đơn vị, không khác nào quảng cáo và chắc chắn những người được tặng về nhà đều bỏ đi, còn các thứ quà khác, có đem cho cũng khó vì những đồ vật như vậy không hiếm, lại chỉ là loại hàng hóa bình thường, ít giá trị sử dụng. Vì thế, việc tặng quà thực sự lãng phí.
Đó là chưa kể, nhìn một hội nghị mà mỗi đại biểu khệ nệ một túi quà in biểu trưng của đơn vị tổ chức thì thật chẳng dễ coi. Rõ ràng, người tặng không quan tâm đến nhu cầu của người được tặng, mà việc tặng quà thực chất là cái cớ cho một số người tham nhũng. Ngăn chặn những điều này, chính là mục đích của việc đề ra qui định trên.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn nước ngoài có quyền tổ chức hội nghị và tặng quà, logo.... thực hiện theo Luật Doanh nghiệp. Chỉ có điều, thực tế nhiều doanh nghiệp không có lương trả cho người lao động, mà vẫn tổ chức các buổi lễ linh đình, chi phí tốn kém cho ăn uống và tặng quà đại biểu. Vì thế, hy vọng qui định này cũng sẽ được các tổ chức kinh tế ngoài Nhà nước cùng thực hiện.
Có thể nói rằng, việc ra đời Nghị định là một bước tiến mới để chuẩn hóa nhiều vấn đề trong tổ chức các sự kiện, tuy nhiên, do Nghị định không có Thông tư hướng dẫn và chế tài xử lý vi phạm, nên việc thực hiện sẽ phụ thuộc vào sự gương mẫu của lãnh đạo các đơn vị, đặc biệt là sự phối hợp thông tin của báo chí trong việc phát hiện và phản ánh các vi phạm./.